Vượt Mỹ, Trung Quốc dẫn đầu thế giới số lượng nhà khoa học xuất sắc

TRUNG QUỐC - Số lượng các nhà khoa học hàng đầu ở Mỹ đang giảm, trong khi ở Trung Quốc số lượng này tăng lên, chiếm 28% tổng số nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo của Dongbi Data ngày 11/1, số lượng nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới vượt qua cả Mỹ. Báo cáo nêu rõ, số lượng nhà khoa học hàng đầu của Mỹ giảm từ 36.599 người vào năm 2020 xuống còn 31.781 người vào năm 2024. Kéo theo đó là tỷ lệ các nhà khoa học Mỹ trong nhóm nhân tài toàn cầu cũng giảm từ 33% xuống còn 27%.

Trong khi, số lượng các nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc tăng từ 18.805 người vào năm 2020 lên 32.511 người vào năm 2024, tương ứng với tỷ lệ trong nhóm nhân tài toàn cầu từ 17% lên 28%. Ở Trung Quốc hiện nay, chỉ tính riêng Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia có đến 3.615 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Con số này vượt xa Đại học Harvard (1.683) và Đại học Stanford (1.208).

Căn cứ vào dữ liệu này cùng với các nghiên cứu tương tự trước đó, cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cán cân khoa học giữa Mỹ và Trung Quốc những năm gần đây. Trước đó, báo cáo năm 2023 của Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc cũng chỉ ra, nước này đóng góp 1/3 số bài báo được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín nhất năm 2022. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ giành vị trí top 1 toàn cầu.

Thậm chí, mới đây, tạp chí Nature còn khẳng định gần một nửa nghiên cứu trên thế giới hiện nay có sự góp mặt của các nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc. Ngoài ra, theo đánh giá của Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc hồi tháng 10/2024, thành tựu khoa học của Trung Quốc vượt trội về mặt số lượng so với Mỹ và châu Âu.

Theo SCMP, để phục vụ cho nghiên cứu này mang tính khách quan, nhóm tác giả của Dongbi Data đã thu thập và phân tích hơn 40.000 bài báo khoa học có trích dẫn cao, được xuất bản trong giai đoạn 2020-2024 trên 129 tạp chí học thuật quốc tế hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực.

Căn cứ vào kết quả của nghiên cứu này, Giáo sư Ngô Đăng Thành - nhà sáng lập Dongbi Data hiện là giảng viên Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc) cũng đưa ra nhận định, lĩnh vực khoa học công nghệ toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh: "Trong 5 năm qua, bức tranh nhân tài khoa học và công nghệ trình độ cao thay đổi đáng kể. Trung Quốc và Mỹ vẫn chiếm ưu thế, nhưng theo hai xu hướng ngược nhau".

Số lượng nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc tăng những năm qua phản ánh sự đầu tư của nước này vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Theo đó, chính phủ Trung Quốc luôn ưu tiên xây dựng năng lực nghiên cứu nội địa, thông qua chính sách hỗ trợ tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại với quy mô đầu tư lớn.

Ngược lại, số lượng nhà khoa học ở Mỹ giảm có thể liên quan đến một số yếu tố như: Cắt giảm ngân sách nghiên cứu, cạnh tranh quốc tế gay gắt và những chính sách hạn chế nhập cư khiến việc thu hút nhân tài toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, báo cáo này còn chỉ rõ, số lượng các nhà khoa học hàng đầu ở Đức vẫn tương đối ổn định trong giai đoạn 2020-2024. Trong khi, số lượng nhà khoa học ở Anh và Pháp có xu hướng giảm. Tại Nhật Bản và Australia (Úc) cũng đang chứng kiến sự suy giảm về cả số lượng nhà khoa học lẫn tỷ lệ trong nhóm nhân tài toàn cầu.

Thắm Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-xa-my-trung-quoc-dan-dau-the-gioi-so-luong-nha-khoa-hoc-xuat-sac-2365218.html
Zalo