Vượt mưa, đua tiến độ trên công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang hướng về mục tiêu duy nhất là hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, đáp ứng sự mong mỏi của hàng triệu người dân đồng bằng.

Những ngày này, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào cao điểm mùa mưa. Đây là trở ngại lớn đối với việc thi công các công trình xây dựng.

Thế nhưng, trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), các cán bộ, công nhân đang nỗ lực ngày đêm, tăng tốc bù tiến độ, quyết tâm bằng mọi giá đưa dự án về đúng hẹn theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT.

Khu vực thi công nút giao IC3.

Khu vực thi công nút giao IC3.

Vuợt khó để đạt tiến độ theo cam kết

Đã qua mùa khô, mùa thuận lợi nhất cho việc thi công dự án. Những ngày tháng 8/2024, thời tiết ĐBSCL thay đổi thất thường, mưa to kéo dài ảnh hưởng đến việc thi công nhất là tại các công trình cầu phải sử dụng điện để gia công khuôn đổ mố trụ, lan can... Tuy nhiên, nhịp độ lao động trên công trường không vì thế mà ảnh hưởng.

"Chúng tôi chỉ ngừng làm việc khi mưa quá to, không đảm bảo an toàn lao động. Mưa nhỏ, anh em vẫn làm việc", một kỹ sư nói.

Tại khu vực thi công nút giao IC2 (thành phố Cần Thơ) thuộc dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, không khí lao động diễn ra hết sức khẩn trương. Nhóm công nhân làm cầu nhánh N1, N2 tập trung gia công đổ bê tông móng, mố, trụ... Trên tuyến nối, tiếng máy lu, máy xúc vang rền...

Công nhân cần mẫn với công việc của mình với mục tiêu hoàn thành nhanh nhất.

Công nhân cần mẫn với công việc của mình với mục tiêu hoàn thành nhanh nhất.

Ông Trịnh Xuân Hùng, Chỉ huy trưởng của Công ty CP Xây dựng Tân Nam cho biết, tiến độ gói thầu do đơn vị đảm nhiệm hiện đã đạt được 50% sản lượng. Trong đó, đắp nền gia tải giai đoạn 1 được 4km. Gói thầu có 10 cầu, một số cầu nhỏ đã hoàn thành như Ba Dầu, Bến Bạ, riêng cầu nhánh N1, N2 đạt 80% tiến độ.

"Được sự hỗ trợ từ phía các địa phương và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu được bố trí ba mỏ cát, lượng cát phân bổ mỗi ngày về công trường khoảng 3.000m3.

Nhà thầu đã huy động thiết bị, lu làn máy ủi, đảm bảo cát về công trường là thi công, giải quyết luôn trong ngày, không để ứ đọng để đẩy nhanh tiến độ của dự án", ông Hùng nói.

Đi dọc công trường từ Cần Thơ đến Cà Mau, những "núi cát" được tập kết dọc công trường, những chiếc máy xúc, máy ủi, máy cắm bấc thấm hoạt động hết công suất.

Các kỹ sư, công nhân lái máy đều tỏ rõ sự quyết tâm đua tiến độ với mục tiêu cao nhất là hoàn thành sớm phần việc của mình.

Cát được tập kết dọc theo dự án.

Cát được tập kết dọc theo dự án.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc điều hành Ban điều hành Trường Sơn (nhà thầu) cho biết, đến nay tiến độ gói thầu do đơn vị đảm nhận đã đạt khoảng 42% so với hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ theo cam kết.

Bên cạnh tuyến chính, đơn vị còn thi công 20 cầu. Trong đó, có hai cầu lớn đang vượt tiến độ đó là cầu vượt quốc lộ 61 và Lộ Đá. Hai cầu lớn khác là Nàng Mau và Kênh Tư trong tháng 8/2024 sẽ hoàn thành lắp lao dầm. Tất cả cùng phấn đấu đến mục tiêu cuối năm 2024 hoàn thành bê tông bản mặt cầu toàn bộ.

"Sau khoảng 19 tháng thi công, vượt qua bao khó khăn thách thức về nguồn vật liệu cát, giải phóng mặt bằng, thời tiết, dự án đến nay đạt 37% giá trị hợp đồng".

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Dồn lực thi công trên công trường

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, được phân thành hai dự án thành phần. Đây là hai trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 20221-2025 phải hoàn thành trong năm 2025.

Được khởi công từ tháng 1/2023, sau ba tháng, việc vướng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án.

Chạy đua với cơn mưa, các thợ máy vẫn tập trung làm việc.

Chạy đua với cơn mưa, các thợ máy vẫn tập trung làm việc.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những chuyến trực tiếp vào làm việc với các địa phương để giải quyết nguồn cát của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Đến nay, vấn đề vật liệu cát của dự án đã cơ bản được giải quyết.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án Cần Thơ – Cà Mau cần 18,5 triệu m3 cát. Hiện đã xác định được nguồn cung và được các địa phương cấp bản xác nhận đủ điều kiện khai thác 22,3 triệu m3. Số còn lại đang hoàn tất các thủ tục cấp phép khai thác.

"Hiện tỉnh An Giang đang hoàn tất các thủ tục điều chuyển 1,4 triệu m3 cát từ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho dự án.

Tỉnh Vĩnh Long đang hoàn tất các thủ tục cấp ba mỏ cát với trữ lượng 0,8 triệu m3 cát. Còn tỉnh Bến Tre cũng đã giới thiệu hai mỏ cát cho dự án để thực hiện việc khảo sát theo cơ chế đặc thù.

Trữ lượng ước lượng khoảng 2 triệu m3 cát. Cát biển tại tỉnh Sóc Trăng cũng đang trong quá trình khai thác và vận chuyển về công trường.

Một đoạn tuyến chính đã được đắp gia tải.

Một đoạn tuyến chính đã được đắp gia tải.

Như vậy đến nay, khó khăn về nguồn vật liệu này đã được cơ bản tháo gỡ, cát đang được cấp tập đưa về công trường. Ban đang chỉ đạo các nhà thầu, tập trung huy động máy móc thiết bị, tăng cường công tác gia tải, hướng đến mục tiêu hoàn thành việc gia tải 110km tuyến chính vào cuối tháng 10/2024.

Đây chính là tiền đề quan trọng trong việc hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2025", ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

Chia sẻ cùng PV Báo Giao thông, ông Lê Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1), cho biết, những khó khăn về nguồn vật liệu cát đã được tháo gỡ sau sau nhiều chuyến kiểm tra của Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT.

"Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tại chuyến kiểm tra thực tế gần đây nhất, chúng tôi đã huy động nhân lực, vật lực theo tinh thần "ba ca, bốn kíp".

Cạnh đó, huy động sà lan để đưa nguồn vật liệu cát về công trường để triển khai đắp cát gia tải, quyết tâm hoàn thành theo đúng tiến độ Chính phủ đề ra", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngày mai (18/8), tại điểm cầu Đắk Lắk, Thủ tướng sẽ phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc". Thông điệp của Thủ tướng sẽ lan tỏa tới 13 tỉnh thành - nơi các dự án cao tốc đang căng mình về đích và nơi đang từng ngày xử lý nguồn vật liệu cho công trường.

Tại các điểm cầu ở Tuyên Quang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh thành phố và các sở, ngành liên quan, đại diện ban quản lý dự án, nhà thầu sẽ cùng theo dõi lễ phát động đợt thi đua.

Lê An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vuot-mua-dua-tien-do-tren-cong-truong-cao-toc-can-tho-ca-mau-192240817161214421.htm
Zalo