Vượt khỏi tư duy của 'vùng trũng'
Dù dẫn đầu tại hai kỳ Đại hội gần đây, nhưng thể thao Việt Nam không mải mê với hào quang chiến thắng tại đấu trường khu vực, chúng ta đã xác định, dùng SEA Games làm bàn đạp, hướng tới các đấu trường lớn là ASIAD và Olympic.
Không chỉ thể thao Việt Nam, nhiều nước trong khu vực đã và đang hướng tới mục tiêu này.

Dù gặt hái nhiều thành công tại SEA Games nhưng Nguyễn Thị Oanh chưa thể vươn tầm châu lục. Ảnh: V.DUY
Từ bỏ tư duy chỉ loanh quanh ở đấu trường khu vực
Trong nhiều thập kỷ, SEA Games thường bị chỉ trích là “mỏ vàng huy chương” cho các nước chủ nhà, khi họ có quyền lựa chọn hay loại bỏ các môn thể thao có lợi nhất cho mình.
Điều này dẫn đến việc các môn thể thao truyền thống hoặc ít phổ biến được ưu tiên, trong khi các môn thể thao Olympic lại bị giảm thiểu hoặc không đưa vào chương trình thi đấu.
Tuy nhiên, bắt đầu từ SEA Games 2025 tại Thái Lan, một sự thay đổi lớn sẽ diễn ra. Theo quy định mới của Hiến chương SEAGF, chương trình thi đấu sẽ bao gồm tối thiểu 41 môn thể thao, trong đó đa phần là các môn Olympic.
Các nội dung thi đấu trong các môn bắt buộc phải phù hợp với chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD, trong khi quy định về các môn mang tính truyền thống hoặc đặc thù riêng của mỗi nước sẽ được hạn chế.
SEA Games 2025 tại Thái Lan đánh dấu một cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên chương trình thi đấu bao gồm hầu hết các môn thể thao Olympic. Tổng cộng có 49 trong số 50 môn thể thao được thi đấu cũng xuất hiện trong Olympic, ASIAD hoặc Asian Indoor and Martial Arts Games.
Điều này bao gồm tất cả 30 môn thể thao cốt lõi của Olympic mùa hè (trừ lướt sóng), hai môn thể thao mùa đông (khúc côn cầu trên băng và trượt băng nghệ thuật) và ba môn thể thao tùy chọn cho Olympic 2028 (bóng chày/bóng mềm, cricket và squash).
Ngoài ra, các môn thể thao như thể thao điện tử, jujitsu, kabaddi, karate, sepak takraw và wushu cũng được đưa vào chương trình thi đấu, phản ánh sự đa dạng và hiện đại hóa của SEA Games.
Và không chỉ nước chủ nhà Thái Lan thay đổi, nước chủ nhà của kỳ Đại hội vào năm 2027 là Malaysia cũng thể hiện rõ quyết tâm. Malaysia đã xác nhận nhất trí với các nước chủ nhà khác ưu tiên các môn thể thao Olympic trong các kỳ tiếp theo.
Thực ra nước đi tiên phong trong việc thay đổi tư duy của việc tổ chức các môn Olympic tại SEA Games là Singapore. Năm 2015, quốc gia này đã tổ chức thành công Đại hội thể thao lớn nhất khu vực với chương trình thi đấu gồm hầu hết là các môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic.
Trong việc lựa chọn các nội dung của mình, đảo quốc sư tử cho thấy mong muốn thiết lập một chuẩn mực cho các đại hội tiếp theo cắt giảm số lượng các môn thể thao “truyền thống” để tập trung lại vào các môn thể thao trọng điểm.
Do đó, mặc dù có tới tám môn thể thao truyền thống, nhưng chỉ có hai môn khúc côn cầu trên cỏ và bóng lưới, được đưa vào chương trình thi đấu. Trong số 34 môn thể thao còn lại, 24 môn là môn thể thao Olympic và tất cả các môn thể thao còn lại đều xuất hiện tại Đại hội thể thao châu Á.
Tại kỳ SEA Games đó, Singapore đứng ở vị trí thứ 2, sau cường quốc số 1 khu vực là Thái Lan. Việt Nam có mặt ở vị trí thứ 3 tại một kỳ Đại hội được tổ chức với tư duy cấp tiến, hướng về đấu trường Olympic và ASIAD.
Cùng vươn tầm châu lục và thế giới
SEA Games 28, Việt Nam đứng thứ 3 trên đất Singapore và được xem là kỳ Đại hội thắng lợi giòn giã bởi chúng ta đã chứng minh được thực lực, nhất là ở các môn Olympic.
Đây được đánh giá là kỳ Đại hội thành công nhất của thể thao Việt Nam, tính đến thời điểm năm 2015 vì sự tiến bộ vượt bậc của các môn Olympic. Trong tổng số 73 HCV mà đoàn thể thao Việt Nam giành được, có tới 85% các môn thuộc nội dung Olympic.
Đây cũng là kỳ Đại hội mà Thể thao Việt Nam phá được nhiều kỷ lục SEA Games nhất tính tới thời điểm đó. Kết quả có được là nhờ sự chuyển hướng sang tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao Olympic của thể thao Việt Nam. Và chủ trương đúng đắn ấy đã được ngành duy trì suốt những năm qua.
Gần đây nhất, chúng ta đã có một kỳ Đại hội thành công rực rỡ trên đất Campuchia. Kết thúc Đại hội, đoàn Thể thao Việt Nam giành được tổng cộng 359 huy chương các loại, trong đó 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games.
Xếp hạng 1/11 quốc gia tham dự Đại hội. Trong tổng số 39 môn và phân môn Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu tại Đại hội, có 37 môn thể thao giành được huy chương, 33 môn thể thao giành huy chương vàng.
Tuy nhiên khoảng cách từ đấu trường khu vực tới đấu trường châu lục hay thế giới hãy còn xa nên ngay sau khi ASIAD 19 kết thúc, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, một hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề “Vươn tầm ASIAD - Khát vọng Olympic” đã được tổ chức.
Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra tại Hội nghị này và đang được ngành Thể thao hiện thực hóa để dần cho khoảng cách từ thành tích tại đấu trường SEA Games tới đấu trường ASIAD và Olympic được kéo gần hơn.
Tuy nhiên chúng ta cần thời gian cho việc này, bởi để đào tạo ra các vận động viên đẳng cấp châu lục và thế giới, đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài và một lộ trình khoa học, kỹ lưỡng.
Thực tế hiện nay việc tìm kiếm vận động viên ở nhiều môn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các thành phố lớn. Trong khi xã hội ngày càng phát triển thì các chế độ chính sách cho VĐV còn nhiều hạn chế, từ đó chưa thể thu hút được nhân tài. Đó là chưa nói đến yếu tố quyết định là nguồn lực đầu tư.
TS Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, ngoài yếu tố chuyên môn, vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của thể thao Việt Nam là nguồn lực đầu tư.
Thực tế cho thấy, mức đầu tư của chúng ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực.
Đó sẽ là bài toán nan giải mà riêng nỗ lực của ngành Thể thao sẽ không đủ.