Vượt khó khăn, tăng tốc đầu tư công

Tính đến hết tháng 8, cả nước giải ngân vốn đầu tư công kế được 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thời gian còn lại của năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Thêm khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2024, tổng vốn ngân sách Nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 677.944 tỷ đồng. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2024 là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% tổng kế hoạch, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp. Ảnh minh họa

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp. Ảnh minh họa

Nguyên nhân hạn chế, cản lực liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công như: vướng mắc phân bổ vốn; giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong thủ tục đầu tư; cơ chế chính sách giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông qua nhiều địa phương; biến động giá và khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu…

Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8, tổng vốn đầu tư công mới đạt 14.381 tỷ đồng, tương đương 18% trên tổng số vốn 79.200 tỷ đồng được phân bổ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân là do sự điều chỉnh Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cùng với các quy định mới về cách tính giá bồi thường. Những thay đổi này khiến các dự án phải điều chỉnh phương án bồi thường, gây ra sự chậm trễ. Điển hình như dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (quận 8), tiền bồi thường tái định cư cho hơn 1.600 hộ dân đã tăng từ 3.583 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng khi áp dụng giá đất mới.

Khó khăn của TP Hồ Chí Minh cũng giống với đa phần các địa phương khác. Như tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân chính vẫn là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là việc các địa phương chưa xác định được giá đất cụ thể để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…

Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cho thấy sự ‘'sốt ruột” của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiện toàn lại các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó bổ sung Tổ công tác mới. Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tới các tỉnh, TP để kiểm tra, thúc đẩy tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, khó khăn vẫn chồng chất khi biến động giá cả phức tạp, các dự án đối mặt với bất lợi do thiên tai, ách tắc về mặt bằng, đứt gãy hoạt động vận chuyển vật liệu… … Theo đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đây là thực trạng đáng lưu ý, cần tập trung các giải pháp tháo gỡ, tăng tốc giải ngân với tinh thần quyết liệt. Các địa phương, chủ đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; giảm tối đa các thủ tục hành chính... nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công.

Sửa luật Đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã yêu tập trung cao độ thực hiện kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế.…

Để đẩy mạnh đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương ngoài việc chủ động nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các chế độ, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng cũng phải yêu cầu các chủ đầu tư tranh thủ mặt bằng sạch tới đâu, triển khai thi công dự án đến đó. Đồng thời, tập trung hoàn thành hồ sơ quyết toán dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất để giao đất cho nhà đầu tư, tăng nguồn thu từ quỹ đất.

TP Hồ Chí Minh xem xét cắt giảm hơn 8.400 tỷ đồng của các dự án không thể giải ngân để bổ sung cho dự án có tiến độ tốt và chuẩn bị thủ tục đầu tư mới.

Bên cạnh đó, đã có sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh xuống cơ sở. Sự "chia lửa" giữa TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện theo hướng bớt khâu trung gian, cán bộ mạnh dạn làm và dám chịu trách nhiệm, qua đó đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.

Bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện công khai quy trình tiếp nhận, kiểm soát, luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư công qua cổng dịch vụ công trực tuyến của kho bạc để thời gian kiểm soát được rút ngắn và công khai, minh bạch hơn, giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng ban hành văn bản về việc triển khai một số yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý đầu tư công.

Bộ KH&ĐT đang tiến hành rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định Luật đầu tư công theo hướng đơn giản hóa thủ tục, bao gồm 29 chính sách mới, tập trung trong 5 nhóm lĩnh vực.

Ngoài việc tăng cường phân cấp phân quyền cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Chính phủ cũng đang tiếp tục đẩy mạnh giải quyết những vướng mắc trong Luật Đầu tư công và xem xét xã hội hóa xây dựng các khu tái định cư. Đây đang là một trong những điểm nghẽn gây chậm trễ ở nhiều dự án đầu tư công. Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025" phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế -Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng hiện nay, việc giải ngân các dự án đầu tư công theo kế hoạch cần tiếp tục được đẩy mạnh. Còn trong trường hợp môi trường vĩ mô toàn cầu xấu đi, có thể cân nhắc thêm các gói đầu tư công khác, trong đó cần ưu tiên cho cơ sở hạ tầng của các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt và bão Yagi vừa qua.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vuot-kho-khan-tang-toc-dau-tu-cong.html
Zalo