Vượt đèn đỏ cứu người: Nghĩa cử cao đẹp đáng được bảo vệ

Việc cơ quan chức năng Hà Nội không xử phạt người vượt đèn đỏ để cứu người là minh chứng rõ ràng cho việc những người làm việc tốt sẽ được pháp luật ghi nhận.

Được gỡ phạt nguội vì vượt đèn đỏ để cứu người

Những ngày qua, thông tin về việc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) gỡ lệnh phạt nguội đối với anh Phạm Anh Vượng ((sinh năm 1988, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) do vượt đèn đỏ để cứu người bị tai nạn giao thông đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ 50 phút ngày 25/12/2024, anh Phạm Anh Vượng điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 30G-095.xx, di chuyển trên đường Võ Chí Công. Khi ngang qua một vụ tai nạn giao thông, anh phát hiện một phụ nữ bất tỉnh trên đường. Không do dự, anh đã vượt đèn đỏ, cùng lực lượng Cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Hình ảnh xe ô tô của anh Phạm Anh Vượng vượt đèn đỏ ghi nhận từ camera phạt nguội. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Hình ảnh xe ô tô của anh Phạm Anh Vượng vượt đèn đỏ ghi nhận từ camera phạt nguội. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Trong tình huống khẩn cấp, việc đưa người gặp nạn đi cấp cứu là hành động nhân văn và cần thiết. Tuy nhiên, điều này khiến hệ thống phạt nguội của thành phố ghi nhận và đưa phương tiện vào danh sách vi phạm. Khi tra cứu thông tin trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, anh mới phát hiện sự việc và chủ động liên hệ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội để trình bày.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xác minh toàn bộ quá trình, làm rõ hành vi vi phạm trong bối cảnh đặc biệt. Kết quả xác định anh Vượng thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết nhằm cứu người, thuộc trường hợp không bị xử phạt (theo Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Do đó, thông báo phạt nguội được gỡ bỏ, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công dân.

Quyết định này không chỉ thể hiện sự công bằng trong việc áp dụng pháp luật mà còn gửi đi một thông điệp ý nghĩa: Người làm việc tốt sẽ được ghi nhận và bảo vệ.

Trong xã hội, luật pháp là cần thiết để duy trì trật tự, nhưng những tình huống đặc biệt cũng cần được xem xét một cách hợp lý và nhân văn. Nếu tài xế chần chừ vì sợ bị phạt, người bị nạn có thể đã không được cứu kịp thời.

Câu chuyện này cũng giúp củng cố niềm tin vào sự công bằng trong xã hội. Khi một hành động xuất phát từ lòng tốt, tinh thần trách nhiệm và đạo đức, thì nó xứng đáng được trân trọng hơn là trừng phạt.

Điều này không chỉ khuyến khích người dân mạnh dạn làm điều tốt mà còn tạo nên một cộng đồng nhân văn, nơi mà sự tử tế luôn được đề cao. Việc công nhận và bảo vệ những hành động tốt đẹp chính là cách để xã hội phát triển theo hướng tích cực hơn.

Khuyến khích những việc làm tốt

Quyết định gỡ bỏ lệnh phạt trong trường hợp này cũng phản ánh rõ tính nhân văn trong pháp luật Việt Nam. Mặc dù luật giao thông quy định nghiêm ngặt về việc tuân thủ tín hiệu đèn, nhưng pháp luật không chỉ mang tính ràng buộc cứng nhắc mà còn hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ con người và lợi ích chung của xã hội.

Những việc làm tốt trong cộng đồng sẽ được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Ảnh minh họa

Những việc làm tốt trong cộng đồng sẽ được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Ảnh minh họa

Sự linh hoạt trong áp dụng luật không có nghĩa là bỏ qua sai phạm, mà là xem xét bối cảnh cụ thể để đảm bảo công lý được thực thi một cách công bằng và hợp lý. Tinh thần nhân văn trong pháp luật Việt Nam không chỉ thể hiện qua những quy định khuyến khích hành động đúng đắn mà còn ở cách các cơ quan thực thi pháp luật vận dụng quy định với sự thấu hiểu, đồng cảm.

Khi một người có hành động tốt, xuất phát từ lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng, thì pháp luật cũng cần có cách nhìn nhận phù hợp để khuyến khích những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội. Đây chính là điều làm nên sự tiến bộ và văn minh của hệ thống pháp luật, đồng thời cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, nâng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông, trong đó có vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, có 4 trường hợp vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt.

Cụ thể, đó là vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cứu thương. Bởi lẽ, hành vi vượt đèn đỏ trong tình huống trên được xác định là vi phạm trong tình thế cấp thiết. Tức là cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Ngoài tình huống trên, Luật Xử lý vi phạm hành chính còn quy định các trường hợp khác không bị xử phạt vi phạm hành chính như: sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng...

Thứ 2 là vượt đèn đỏ theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Trường hợp đèn tín hiệu chuyển màu đỏ nhưng cán bộ cảnh sát giao thông phân luồng giao thông ra hiệu lệnh tiếp tục di chuyển, thì người tham gia giao thông có thể vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt.

Thứ 3 là đi trên vạch kẻ kiểu mắt võng, bởi trong phạm vi vạch này, người tham gia giao thông đi trên đường không được phép dừng xe, tránh ùn tắc.

Thứ 4 là có đèn tín hiệu, biển báo cho phép tiếp tục di chuyển, tức là khi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép, người tham gia giao thông được phép rẽ hoặc đi thẳng dù có đèn đỏ. Dù được tiếp tục di chuyển, nhưng ở cả 2 trường hợp trên, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi và người đi bộ qua đường.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vuot-den-do-cuu-nguoi-nghia-cu-cao-dep-dang-duoc-bao-ve-372505.html
Zalo