Vượt Côn Đảo - Kỳ tích của tinh thần cách mạng bất khuất
57 tù chính trị, với vũ khí thô sơ và ý chí sắt đá, đã lập nên kỳ tích chiếm tàu địch, vượt biển trở về với cách mạng trong một kế hoạch được nung nấu suốt một năm trời.

Toàn cảnh khu chuồng cọp Pháp (khu tắm nắng) - Ảnh: Tư liệu
Địa ngục trần gian
Côn Đảo, những năm tháng đen tối giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, không chỉ là một hòn đảo ngoài khơi xa. Với hàng nghìn người con yêu nước Việt Nam, nó là "địa ngục trần gian" - một danh xưng khủng khiếp nhưng hoàn toàn đúng. Nhà tù Côn Sơn (tên gọi Côn Đảo thời đó) là nơi đọa đày thể xác, nghiền nát tinh thần những chiến sĩ cách mạng bằng lao động khổ sai, bằng đói rét, bệnh tật và những trận đòn tra tấn man rợ.
Tại Sở Lưới, một trong những nơi lao dịch nặng nhọc nhất chỉ sau Sở Củi, những người tù chính trị phải oằn mình kéo lưới dưới nắng hè cháy da hay trong gió chướng mùa đông cắt thịt. Bữa ăn chỉ có cơm hẩm trộn thóc sạn, khô mục mốc meo, tương thối nồng nặc. Cá tươi kéo lên chỉ dành cho bọn cai ngục, tù nhân xin nhặt cá vụn cũng không được. Bọn chúa ngục, từ tỉnh trưởng đến giám thị, thi nhau ăn chặn khẩu phần ít ỏi, bóc lột tù nhân đến tận cùng. Tư Da Bò, Lê Văn Thế... những cái tên gắn liền với sự tham lam tàn bạo, với những trò bòn rút xương máu người tù đã đi vào "lịch sử đen" của nhà tù. Trong cảnh cùng cực ấy, khát vọng tự do như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng mỗi người tù cách mạng. Chết giữa biển khơi hay trong bụng cá mập, với họ, còn dễ chịu hơn chết dần chết mòn dưới bàn tay đao phủ.
Nhen lên ngọn lửa hy vọng
Đầu năm 1964, giữa bốn bề lao tù và áp bức, một ý tưởng táo bạo bắt đầu nhen nhóm trong những bộ óc kiên trung tại Sở Lưới. Nguyễn Văn Mạnh (Ba Thọ), người tù dày dạn kinh nghiệm, am hiểu quy luật của địch, đã âm thầm trao đổi với Võ Văn Thuật (Tư Thuật) - nguyên Tỉnh ủy viên Gia Định, người được Đảng ủy nhà tù giao nhiệm vụ chỉ đạo Sở Lưới - và Lê Văn Thành (Tư Thành), một cán bộ Sài Gòn-Gia Định nổi tiếng với tài bắt cá bằng chĩa. Ý tưởng đó là: Chiếm tàu địch, vượt Côn Đảo trở về vùng giải phóng.
Kế hoạch nghe như không tưởng, nhưng trong hoàn cảnh "không còn gì để mất", nó lại là con đường duy nhất. Tư Thuật, với sự thận trọng của một người lãnh đạo, yêu cầu phải điều nghiên kỹ lưỡng, xây dựng phương án chi tiết. Một Chi bộ Đảng bí mật được hình thành ngay tại Sở Lưới, gồm những hạt nhân trung kiên như Tư Thuật, Ba Thọ, Tư Thành, Nguyễn Quốc Gia, Trần Văn Bền, Nguyễn Kế Hoa (Năm Hoa), Huỳnh Công Thưởng, Lê Văn Hải (Sáu Ngói)... Họ trở thành Ban Chỉ huy Thống nhất, trái tim và khối óc của cuộc vượt ngục lịch sử sau này.
Tổ chức Đảng ra đời như luồng sinh khí mới thổi vào Sở Lưới. Anh em tù đoàn kết, yêu thương nhau hơn. Mảnh vá, viên thuốc, điếu thuốc rê, miếng đu đủ xanh... tất cả đều được sẻ chia. Họ che chắn cho nhau khi kéo lưới, giấu những con cá nhỏ về nấu cháo cho người ốm. Tình đoàn kết lan tỏa, cảm hóa cả một số tù thường phạm, biến những người từng làm mật báo cho địch thành người ủng hộ cách mạng. Đó là nền tảng vững chắc cho kế hoạch vĩ đại.
Rèn vũ khí, tìm người tài giữa xiềng xích
Kế hoạch được Tư Thuật báo cáo và được Đảng ủy nhà tù phê duyệt, chỉ đạo chặt chẽ. Nhiệm vụ đặt ra vô cùng phức tạp: Phải đồng loạt đánh chiếm ba mục tiêu - toán lính bảo an áp tải, thủy thủ đoàn tàu hàng (TCS-131) và giám thị, nhân viên trên xà lúp (tàu nhỏ Cần Thơ - Sóc Trăng). Yêu cầu tối thượng: Bí mật, bất ngờ, đánh nhanh thắng gọn, không nổ súng, không đổ máu (kể cả với kẻ thù), khống chế toàn bộ phương tiện liên lạc, bắt sống tất cả địch. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến thất bại thảm khốc.
Công tác chuẩn bị diễn ra trong nhiều tháng, âm thầm và căng thẳng. Vũ khí ư? Chỉ là những thanh sắt nhọn tự mài, những chiếc bù loong lượm lặt trong hầm tàu, những gói ớt bột, tiêu xay để làm mù mắt đối phương, những sợi dây gai xe lại để trói địch. Lê Văn Thành, với biệt tài bắn cá, có điều kiện chế tạo và cất giấu vũ khí dễ dàng hơn. Mỗi người tù trong tổ chức đều ý thức chuẩn bị "phần việc" của mình.
Khó khăn lớn nhất là tìm người biết lái tàu và sửa chữa máy móc. May mắn thay, Ban chỉ huy đã tìm được Lê Văn Hiểu (Hiểu Lùn), một thợ máy tàu hải quân ngụy trốn theo cách mạng, và Nguyễn Ngọc Cẩm (Ba Cẩm), một thợ sửa ô tô nhưng tự tin có thể xử lý máy tàu. Để chắc chắn, phương án dự phòng là bắt sống tổ lái tàu của nhà tù vẫn được giữ lại.
Công tác tuyển chọn người tham gia diễn ra vô cùng thận trọng. Ban chỉ huy tiếp cận từng đối tượng, khơi gợi lòng yêu nước, căm thù giặc, thăm dò thái độ. Chỉ những người có bản lĩnh, quyết tâm, dám hy sinh, tuyệt đối trung thành và giữ bí mật mới được lựa chọn vào các Đội Võ trang Xung kích. Quá trình này đòi hỏi sự tinh tường như những chiến sĩ an ninh, sự kiên trì và mưu trí để qua mặt mạng lưới kìm kẹp dày đặc của địch.
Trong lúc kíp Lưới Rùng đang ráo riết chuẩn bị, mùa hè năm 1964, 19 tù nhân kíp Lưới Năm (cũng thuộc Sở Lưới) đã bất ngờ vượt ngục thành công bằng ghe máy, trói sống Giám thị Nguyễn Văn Thâm (người sau này trớ trêu thay lại bị bắt làm tù binh lần nữa trong cuộc vượt ngục của kíp Lưới Rùng). Vụ việc khiến địch tăng cường canh phòng, đưa tên trật tự ác ôn Nguyễn Văn Hườn về Sở Lưới, gây thêm khó khăn cho kế hoạch. Tuy nhiên, điều may mắn là kế hoạch lớn vẫn chưa bị lộ.
4 lần hụt vẫn không sờn ý chí
Thời cơ là yếu tố then chốt. Ban chỉ huy tính toán, thời điểm thích hợp nhất để hành động là lúc chạng vạng tối (khoảng 18h30 đến 19h30) khi tàu hàng TCS-131 cập cảng dỡ hàng. Trời sáng quá dễ lộ, tối hẳn địch cảnh giác cao.
Nhưng thời cơ không dễ đến. Bốn lần, kế hoạch chiếm tàu được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đều phải hủy bỏ vào phút chót. Lần thì lực lượng chưa tập trung đủ, lần thì trời tối quá, địch cảnh giác. Có chuyến hàng ít, tù nhân bị đưa về bờ sớm. Chuyến khác hàng nhiều nhưng xà lan lại không tập kết đúng "Giờ G". Mỗi lần thất bại, vũ khí lại phải đau đớn ném xuống biển phi tang. Không khí chán nản, hoài nghi bắt đầu len lỏi. Tư tưởng dao động, sợ hy sinh xuất hiện ở một số người.
Nguy cơ bại lộ treo lơ lửng. Những lần chuẩn bị hụt khiến bọn giám thị nghi ngờ, xem đó là biểu hiện lãn công. Chúng la lối, vung roi vọt nhưng may mắn chưa phát hiện ra âm mưu thực sự.
Ban Chỉ huy Thống nhất không nao núng. Họ nghiêm khắc rút kinh nghiệm, củng cố lại tư tưởng cho từng đội viên, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường những người kiên định nhất vào Đội Xung kích Số 1 - mũi nhọn quyết định thành bại. Quyết tâm được hun đúc lại, mạnh mẽ hơn. Họ biết, không thể để lâu hơn nữa. Trận đánh quyết định phải diễn ra trong chuyến tàu sắp tới.
Khoảng lặng trước "Giờ G"
Chiều 26/2/1965, tin tàu TCS-131 sắp vào vịnh được báo đến. Ban Chỉ huy Thống nhất hội ý lần cuối, rà soát lại từng chi tiết, quán triệt tinh thần quyết chiến quyết thắng. Mọi phương án, tình huống đều được tính toán kỹ lưỡng.
Đêm đó, trại giam Sở Lưới không ngủ. Có thể đây là đêm cuối cùng trong địa ngục. Nhiều người lặng lẽ lấy thư từ, ảnh người thân xem lần cuối rồi hủy đi, không muốn kỷ vật rơi vào tay giặc. Quần áo tốt được tặng lại cho bạn tù. Không lời chia tay, không lời hứa hẹn, chỉ có những cái siết tay thật chặt, những ánh mắt kiên định trao nhau niềm tin chiến thắng.
Tư Thuật nằm bên Lê Văn Quý (Quý Suyễn), người liên lạc viên trung thành giữa ông và Đảng ủy. Quý nắm rõ từng chi tiết kế hoạch, nhưng anh không thể tham gia vì lý do sức khỏe, đã bị chuyển sang bộ phận làm rẫy. Đó là một đêm chia tay âm thầm, day dứt giữa hai người đồng chí. Rạng sáng, khi Tư Thuật cùng anh em chuẩn bị xung trận, Quý nằm lại, ho khan ba tiếng khắc khoải như lời chào tạm biệt, lời chúc thành công gửi theo đồng đội.
Xung trận
Rạng sáng 27/2/1965, tàu TCS-131 kéo hồi còi dài, neo đậu tại Đá Trắng. Trống báo hiệu từ cầu tàu vang lên, không khí chuẩn bị dọn hàng diễn ra như thường lệ, che giấu một cơn bão tố sắp bùng nổ.
Kíp Dọn tàu gồm 47 tù nhân Sở Lưới, dưới sự áp giải của Giám thị Thâm, 2 trật tự (Hườn và Bảnh) và 4 lính bảo an vũ trang, lần lượt xuống xà lan. Cuộc khám xét qua loa không phát hiện điều gì bất thường. Hơn 40 trái tim đang đập rộn ràng dưới những tấm áo tù mỏng manh, họ bình thản cưỡi sóng ra trận trước mũi súng kẻ thù.
Công việc dọn hàng buổi sáng diễn ra chậm chạp một cách có chủ ý, để anh em có thời gian quan sát mục tiêu lần cuối. Kế hoạch bổ sung người từ kíp Chỉ Tồn diễn ra trót lọt nhờ sự "tiếp tay" vô tình của Giám thị Thâm. 05 tù nhân Sở Lưới được cho lên bờ với lý do không chịu nổi sóng gió và bọn giám thị điều thêm 15 người từ kíp Chỉ Tồn tăng cường chuyển hàng cho kịp tiến độ. Trong số người mới ra có Bùi Minh Trực, Nguyễn Văn Ngày (Bảy Ngày) - anh ruột Tám Kỷ. Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa những người đồng chí, anh em ruột thịt ngay trước giờ hành động càng làm tăng thêm quyết tâm. Các bạn tù ở kíp Chỉ Tồn mới ra đều nhận được mệnh lệnh ngắn gọn: Anh em làm sao, ta làm vậy!
Buổi chiều, việc điều hành tốc độ dọn hàng trở nên căng thẳng để đảm bảo tập kết đủ lực lượng đúng "Giờ G" - khoảng 17h30. Một tình huống bất ngờ xảy ra khi Giám thị Thâm định cho một xà lan về bến sớm, suýt làm vỡ kế hoạch. Anh em tăng tốc làm việc, kịp chất hàng lên xà lan và giữ đúng tiến độ.
17h55, chiếc xà lan cuối cùng trong ngày, chở theo Đội Xung kích số 3 và vũ khí giấu kín, rời bến Cầu Tàu tiến ra tàu TCS-131. Trên tàu lớn, Ba Thọ, Tư Thuật và các đội viên khác đã sẵn sàng, lòng như lửa đốt. Mặt trời đã lặn sau Núi Chúa, biển sẫm màu. Đây là thời điểm vàng.
Xà lan cặp mạn tàu. Khung cảnh nhốn nháo, người gọi nhau cột cáp, chuyển cơm tù, cơm lính... che mắt địch. Nhân lúc hỗn loạn, vũ khí được Tư Thành nhanh chóng chuyển lên cho Tư Thuật và Năm Hoa, rồi chia cho các đội viên.
Võ Văn Thuật nhìn Ba Thọ, khẽ dỡ nón. Ba Thọ hiểu ý, rút chiếc khăn rằn quấn lên đầu, đi một vòng phát tín hiệu chuẩn bị rồi dẫn Đội Xung kích Số 1 lao nhanh lên cầu thang "lồng cu".
Trên lồng cu, 3 tên lính bảo an đang lơ là chờ cơm. Hạ sĩ Sơn Sôm vừa quay lại đã thấy Ba Thọ cầm bù loong lao tới. Một đòn trời giáng, Sơn Sôm trào máu, quỵ xuống xin hàng. Binh nhì Nguyễn Văn Liễu đứng gần Sơn Sôm định chụp súng liền bị Bùi Văn Của vọt tới quật thẳng bù loong vào mặt rồi giật lấy cây súng. Binh nhất Tôn Mễ lồm cồm nhổm dậy, chụp khẩu carbine để cạnh tấm bố thì Huỳnh Văn Thưởng lao tới, dang chân chận khẩu súng và dùng mũi sắt nhọn khống chế. Chỉ trong vòng một phút, mục tiêu quan trọng nhất bị hạ gục, 3 khẩu súng carbine về tay ta.
Từ lồng cu, Ba Thọ hô lớn: "Anh em các đội xung phong lên!"
Cơn bão thực sự bùng nổ trên khắp con tàu.
Trong phòng ăn và nhà bếp, Năm Hoa táo bạo xông vào, khống chế gần 30 thủy thủ và đầu bếp bằng dao, với sự hỗ trợ của Lê Văn Chánh cầm búa chữa lửa.
Trong buồng lái, Trần Văn Bền lao lên, kịp thời chặn sĩ quan hoa tiêu định kéo còi báo động. Lữ Sỹ Hoa dùng búa chặt đứt dây còi.
Trong phòng vô tuyến điện, Tư Thuật và Nguyễn Quốc Gia chặn bắt sĩ quan Nguyễn Văn Nghĩa vừa từ bờ ra, thu chìa khóa.
Tên trật tự Nguyễn Văn Hườn chống trả quyết liệt. Trần Văn Hằng dũng cảm móc chân, vụt ớt bột vào mặt hắn. Bùi Minh Trực lao vào hỗ trợ, trói gô tên ác ôn khét tiếng. Huỳnh Đình Danh bị thương nhẹ trong lúc giao chiến.
Tư Thành dẫn đầu Đội 3 nhảy sang xà lúp Cần Thơ - Sóc Trăng, hạ gục thợ máy Ba Huê, bắt sống thuyền phó Trần Hiếu Lễ và các nhân viên khác. Lê Văn Hiểu xuất thần đá văng dao của tên phụ máy định chống cự.
Toàn bộ trận đánh diễn ra mau lẹ, đồng loạt, áp đảo. Gần 50 tên địch, từ lính bảo an, sĩ quan, thủy thủ đến giám thị, trật tự, nhanh chóng bị bắt sống hoặc đầu hàng. Giám thị Thâm, kẻ hai lần làm tù binh của tù chính trị, hoảng loạn nhảy sang xà lúp nhưng không thoát. Nguyên tắc "không nổ súng, không giết người" được tuân thủ nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Văn Ngày (Bảy Ngày), tù chính trị vượt ngục Côn Đảo trao đổi với tác giả. Ảnh: Bùi Hoàn
Hành trình vượt biển gian nan
Chiến thắng ban đầu đã thuộc về những người tù quả cảm, nhưng thử thách lớn nhất vẫn còn ở phía trước: Đại dương mênh mông và sự truy đuổi của kẻ thù.
Công việc diễn ra khẩn trương: Phá hủy tàu TCS-131 (gỡ la bàn, phá radar, cắt dây điện, đập đèn, quấn cáp thép vào chân vịt để vô hiệu hóa), chuyển vũ khí, lương thực, nước uống, nhiên liệu và 8 tù binh (gồm Nghĩa, Quý, Thanh của tàu lớn; Lễ, Huê, Thâm của xà lúp và 2 trật tự Hườn, Bảnh) sang xà lúp Cần Thơ - Sóc Trăng. Một đội viên ngụy trang mặc đồ lính gác lại trên lồng cu, những người khác khuẩn hàng qua lại tạo cảnh giả.
Bóng đêm bao trùm, xà lúp bí mật nhổ neo. Nhưng oái oăm thay, máy tàu không nổ! Cả đoàn toát mồ hôi lạnh. Hóa ra thợ máy Ba Huê đã tháo cực ắc quy. Sau khi được hắn chỉ điểm, Hiểu Lùn siết lại ốc, máy nổ giòn tan trong tiếng thở phào nhẹ nhõm.
Con tàu không đèn, lầm lũi trườn trong đêm tối, hướng về Trà Vinh. Tên Lễ bị ép lái tàu, nhưng tỏ ra lừng khừng. Tàu chạy qua eo biển giữa Hòn Trác và Hòn Tài đầy đá ngầm, rồi vòng qua Hòn Vung, Hòn Bà, Hòn Tre. Bất ngờ, đèn pha ô tô tuần tra trên bờ quét qua, may mắn không phát hiện. Một con tàu lớn khác xuất hiện, nhưng cũng chỉ là tàu buôn.
Địch trên đảo đã phát hiện vụ việc sau khi một tên lính tự cởi trói bơi vào báo. Lệnh báo động, thiết quân luật được ban bố. Tàu TCS-131 được sửa chữa cấp tốc và đuổi theo nhưng vô vọng. Lệnh truy nã 57 tù nhân được phát đi khắp nơi.
Giữa biển khơi, khó khăn lại ập đến. Máy tàu liên tục trục trặc do cặn bẩn trong thùng dầu lâu ngày bị sóng đánh sục lên. Tổ thợ máy gồm Hiểu Lùn, Ba Cẩm và Bảy Ngày (người mới được bổ sung từ kíp Chỉ Tồn) làm việc cật lực suốt đêm, mình đầy dầu mỡ, say sóng nôn thốc nôn tháo, 14 lần tháo lắp, súc rửa lọc dầu. Cuối cùng, Bảy Ngày bắt đúng bệnh, đề nghị dừng tàu 30 phút để súc rửa toàn bộ hệ thống. Quyết định táo bạo được đưa ra giữa lúc trời sắp sáng, đất liền chưa thấy đâu. May mắn, sau 30 phút căng thẳng chờ đợi, máy tàu hoạt động trơn tru trở lại, chạy hết công suất.
Sự cố chiếc radio National của Trần Văn Hằng (chiến lợi phẩm duy nhất anh giữ lại từ thuyền phó Lễ để nghe đài Hà Nội) bị phát hiện và thu hồi là một chi tiết nhỏ nhưng khắc họa sâu sắc kỷ luật thép và cả những khát khao rất đời thường của người tù.

Ông Nguyễn Văn Ngày (Bảy Ngày), tù chính trị vượt ngục Côn Đảo trao tặng kỷ vật cho tác giả Bùi Thị Hoàn (Phó Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Bình minh trên đất mẹ
Trời rạng sáng. Biển mênh mông. Nỗi lo âu dâng lên khi đất liền vẫn biền biệt. Tiếng xì xào, nôn nóng xuất hiện. Tư Thuật phải đứng ra trấn an, khẳng định niềm tin chiến thắng, sẵn sàng chiến đấu đến cùng nếu gặp địch.
Rồi những dấu hiệu của đất mẹ xuất hiện: Đàn hải âu, chiếc lá trôi, vệt nước đục... Và cuối cùng, một vệt xanh mờ hiện ra phía chân trời. "Đất liền! Đất liền!" - Tiếng reo vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng, xua tan bao mệt mỏi, đắng cay.
8h sáng ngày 28/2/1965. Con tàu lao hết tốc lực về phía rừng cây ven biển thì bất ngờ mắc cạn cách bờ khoảng một cây số. Máy bay L.19 của địch xuất hiện, ném lựu đạn khói. Ban chỉ huy lập tức ra lệnh đổ bộ khẩn cấp bằng phao.
Cuộc đổ bộ diễn ra nhanh chóng dưới sự yểm trợ của Đội Xung kích. Gần một giờ sau, 57 chiến sĩ và 8 tù binh đã an toàn đặt chân lên mảnh đất mà sau này họ biết là Hố Rạch Già, xã Bảy Dương, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Ngay lập tức, 4 chiếc phản lực địch kéo đến trút bom dữ dội vào khu vực tàu mắc cạn và bìa rừng. Nhờ rừng đước che chở và địa hình sình lầy, đoàn người may mắn an toàn cắt rừng tiến sâu vào đất liền.
Đoàn quân chiến thắng
Giữa rừng đước, họ bắt gặp một bãi chông và những chiếc lu đựng nước mưa - dấu hiệu của căn cứ cách mạng. Tổ trinh sát phát hiện một thanh niên du kích trên chiếc xuồng ba lá. Sau màn đối thoại thận trọng, nhận ra nhau là đồng đội, người thanh niên vui mừng dẫn đường.
Một lát sau, Đại đội trưởng và Trung đội trưởng đơn vị Quân giải phóng địa phương cùng một trung đội vũ trang xuất hiện. Cuộc hội ngộ nghẹn ngào trong vòng tay siết chặt. Điều bất ngờ và cảm động nhất là đơn vị này đã nhận được lệnh từ Trung ương Cục (thông qua tin tình báo và Quân khu IX) đón đoàn tù vượt ngục từ đêm hôm trước. Giữa trùng dương cách trở, giữa vòng vây quân thù, những chiến sĩ cách mạng kiên trung vẫn luôn ở trong sự quan tâm, che chở của Đảng, của đồng bào.
Đêm đó, họ được đón về căn cứ, ăn bữa cơm gạo trắng với cá chẽm no đủ đầu tiên sau bao năm tháng đói khổ - bữa cơm ngon nhất cuộc đời. Tù binh và vũ khí được bàn giao. Họ được gọi bằng cái tên trìu mến: "Đoàn quân chiến thắng".
Cuộc chiếm tàu, vượt Côn Đảo ngày 27/2/1965 mãi mãi là một bản hùng ca về ý chí tự giải phóng, về trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần đồng đội sắt son của những người tù chính trị. Nó không chỉ giải thoát 57 chiến sĩ trở về với cách mạng mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của tư tưởng võ trang giải thoát ngay tại "địa ngục trần gian", làm tiền đề cho cuộc nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo mười năm sau đó.
Câu chuyện về những Ba Thọ, Tư Thuật, Tư Thành, Năm Hoa, Hiểu Lùn, Ba Cẩm, Bảy Ngày, Tám Kỷ, Trần Văn Hằng... và bao người đồng đội khác sẽ còn vang vọng mãi, như một minh chứng hùng hồn cho chân lý: Không một nhà tù nào, không một xiềng xích nào có thể giam cầm được khát vọng tự do và lòng yêu nước nồng nàn của những người con đất Việt.