Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ

Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng không thể triển khai thi công, giải ngân vì không có mặt bằng, thiếu vật liệu đất đắp...

Xin trả vốn vì không có mặt bằng thi công

Năm 2024, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (Ban Quản lý) được giao làm chủ đầu tư nhiều công trình giao thông, thủy lợi lớn, với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, đơn vị đã xin cấp có thẩm quyền giảm vốn đã bố trí năm 2024 hàng trăm tỷ đồng vì dự án không có mặt bằng để thi công, giải ngân.

Giám đốc Ban Quản lý Ngô Văn Dụng cho biết, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) bị chậm nên không thể triển khai thi công dự án như kế hoạch đề ra. Vì thế, Ban Quản lý đề xuất giảm vốn 150 tỷ đồng của dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1. Đồng thời, đề xuất đảo nguồn từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung sang nguồn thu tiền sử dụng đất để xử lý cho phần không có khả năng giải ngân của nguồn xây dựng cơ bản tập trung đối với dự án Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong gần 127 tỷ đồng.

Dự án Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong đã tạm dừng thi công vì không giải phóng được mặt bằng.

Dự án Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong đã tạm dừng thi công vì không giải phóng được mặt bằng.

Ông Ngô Văn Dụng cho biết thêm, đối với dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc hiện vướng mặt bằng, chỉ thi công được phần đập ở bờ nam; còn đường dẫn không thi công được. Công trình này mới giải ngân được 23/227 tỷ đồng vốn bố trí năm 2024 (hơn 10%), trong khi đây là công trình vốn ngân sách trung ương, phải hoàn thành trong năm 2024.

Riêng cầu Trà Khúc 3, do đường dẫn phía bắc cầu thuộc địa bàn huyện Sơn Tịnh chưa được bàn giao mặt bằng, do đó xin cắt giảm vốn khoảng 13 tỷ đồng. Đối với 2 công trình trọng điểm là cầu Trà Khúc 3 và đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong, nếu không sớm hoàn thành GPMB thì khó có thể hoàn thành gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI vào năm 2025.

Ngoài ra, do vướng mặt bằng nên hiện nay nhiều dự án khác cũng xin giảm vốn, đảo nguồn từ xây dựng cơ bản tập trung sang nguồn tiền sử dụng đất. Đơn cử như UBND huyện Bình Sơn xin đảo nguồn dự án cầu Thạch An (20 tỷ đồng), Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh xin đảo nguồn dự án khu tái định cư đập Cà Ninh (12 tỷ đồng).

Riêng UBND TP.Quảng Ngãi xin giảm 39 tỷ đồng vốn đã được bố trí cho dự án Nâng cấp, mở rộng đường Chu Văn An, vì không giải phóng được mặt bằng để kịp thi công, giải ngân. Ngoài ra, hiện có nhiều dự án cầu, đường giao thông vướng mặt bằng phải dừng thi công nhiều năm, như cầu Nước Bua trên tuyến đường Đông Trường Sơn qua xã Sơn Bua (Sơn Tây); đường Sơn Tinh - Sơn Thượng vừa vướng mặt bằng, vừa thiếu nguồn lực đầu tư nên nhiều năm thi công vẫn chưa thông tuyến.

Thiếu vật liệu thi công

Đối với dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, sau nỗ lực GPMB, bàn giao cho đơn vị thi công để khởi động lại dự án, hiện cũng đang gặp vướng mắc. Đó là các mỏ vật liệu được thống nhất cấp phục vụ thi công dự án này hiện vẫn chưa hoàn thành. Tổng khối lượng chủ đầu tư đề xuất cho dự án khoảng 3,1 triệu mét khối đất đắp và 655 nghìn mét khối cát. Quy định về cấp mỏ đất, mỏ cát thủ tục kéo dài. Chính vì thiếu cát nên dự án phải thay đổi phương án thi công, từ trạm trộn bê tông sang bê tông thương phẩm. Thiếu đất đắp, dự án chưa thi công đắp nền đường, chỉ thi công một số cầu bắc qua sông. Những khó khăn này dẫn đến việc hoàn thành dự án vào năm 2025 như kế hoạch phê duyệt ban đầu là không thể thực hiện.

Cũng vì thiếu đất đắp nên dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn IIb), đoạn qua xã Đức Minh (Mộ Đức) phải tạm dừng thi công nhiều tháng. Mới đây, dự án được cấp khoảng 40 nghìn mét khối đất đắp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phòng - Chỉ huy trưởng công trường của đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên, lượng đất này chỉ đáp ứng thi công trong một thời gian ngắn. Đơn vị xin mỏ đất phục vụ thi công công trình, nhưng đã gần 10 tháng vẫn chưa làm xong thủ tục. Nếu việc cung cấp đất đắp bị gián đoạn, công trình có khả năng lại phải tiếp tục dừng thi công. Ngoài ra, một số công trình đường giao thông bị chậm tiến độ do phải tìm mua đất đắp tại các mỏ thương mại, với khoảng cách đường vận chuyển từ mỏ đến chân công trình lên đến 40km, làm kéo dài thời gian thi công, tăng chi phí, gây chậm tiến độ...

Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1, đoạn qua xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vướng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công.

Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1, đoạn qua xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vướng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công.

Cần giải pháp tháo gỡ

Vướng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt thấp hơn bình quân chung cả nước. Nguyên nhân là do tỉnh không ban hành được giá đất cụ thể, làm cơ sở lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Lý giải việc không ban hành được giá đất, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TX.Đức Phổ cho biết, từ cuối năm 2023 UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện thay tỉnh ban hành giá đất. Thế nhưng, do đây là thẩm quyền mới, việc khó nên loay hoay mãi UBND thị xã vẫn không ban hành được để làm căn cứ áp giá bồi thường, lập và phê duyệt phương án, chi trả tiền cho dân, tiến hành thu hồi đất để bàn giao cho đơn vị thi công.

Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc hiện mới giải ngân hơn 10% vốn bố trí năm 2024 vì vướng mặt bằng.

Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc hiện mới giải ngân hơn 10% vốn bố trí năm 2024 vì vướng mặt bằng.

Theo một số chủ đầu tư, từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng thiếu mặt bằng và thiếu nguồn vật liệu đất đắp xảy ra phổ biến, trừ công trình xây dựng tại vị trí cũ không cần GPMB và không có nhu cầu đất đắp. Các chủ đầu tư lo lắng về tiến độ thi công, giải ngân. Theo kiến nghị của các chủ đầu tư, để dự án không bị ách tắc, UBND tỉnh cần nghiên cứu tách GPMB của các dự án thành tiểu dự án do địa phương làm chủ đầu tư, triển khai trước khi dự án chính thức khởi công từ 1 - 2 năm, để kịp thời có mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Còn nguồn đất đắp, tỉnh cần ban hành cơ chế rõ ràng. Nếu là mỏ chỉ định phục vụ dự án đầu tư công thì cần có cơ chế riêng, vì trữ lượng khai thác sẽ được đưa vào chi phí đầu tư, không phải kinh doanh thương mại. Khi hai vấn đề mặt bằng và đất đắp được giải quyết thì dự án đầu tư công mới có thể hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202409/vuong-mat-bang-thieu-vat-lieu-dat-dap-du-an-dau-tu-cong-bi-cham-tien-do-6450fa9/
Zalo