Vướng mắc vẫn bủa vây dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý

Cầu Tân Kỳ Tân Quý là dự án đầu tiên áp dụng cơ chế chuyển từ hình thức BOT sang đầu tư công. Ngoài việc còn nợ nhà đầu tư cũ, dự án đang đối diện với hệ thống lưới điện chưa thể di dời.

Ngày 27/9, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) đang đảm bảo tiến độ thi công, đạt hơn 15% giá trị gói thầu xây lắp. Mặc dù vậy, một số vướng mắc liên quan vẫn chưa chốt phương án giải quyết, có khả năng ảnh hưởng tiến độ trong những tháng kế tiếp.

Mặt bằng chưa giao hết, chưa thanh toán đủ cho nhà đầu tư cũ

Nhằm hóa giải ùn tắc cho trục đường Tân Kỳ Tân Quý hướng về sân bay Tân Sơn Nhất, dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý được khởi công năm 2018 với vốn đầu tư 312 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Nhà đầu tư ban đầu là công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDECO. Đến cuối năm 2018, dự án phải tạm ngừng do thiếu mặt bằng thi công.

Cuối năm 2022, HĐND TP chấp thuận chủ trương phân bổ hơn 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ Tân Quý. Đồng thời, chuyển hình thức đầu tư dự án từ BOT sang đầu tư công. Đây cũng là dự án đầu tiên tại TP.HCM áp dụng cơ chế chuyển đổi này.

Sau gần 6 năm ngừng thi công, đến tháng 6/2024 cầu Tân Kỳ Tân Quý được thi công lại với mục tiêu hoàn thành cuối năm 2024. Mặc dù vậy, dự án vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Cầu Tân Kỳ Tân Quý đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 12/2024 nhưng đang đối mặt nhiều vướng mắc.

Cầu Tân Kỳ Tân Quý đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 12/2024 nhưng đang đối mặt nhiều vướng mắc.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân đã bàn giao mặt bằng 39/43 hộ đã tháo dỡ, còn 4 hộ dân chưa hoàn tất thủ tục bồi thường tại phường Bình Hưng Hòa A. Dự kiến, công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sẽ hoàn tất vào đầu tháng 10.

Bên cạnh vướng mặt bằng, dự án hiện đang tồn đọng việc thanh toán khối lượng đã thực hiện và lãi cho nhà đầu tư cũ là công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDECO. Tháng 11/2023, Ban Giao thông TP.HCM đã thanh toán chi phí và lãi vay đợt 1 cho IDICO 138,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị lợi nhuận ước tính và chi phí lãi vay đợt 2 khoảng 66 tỷ đồng hiện vẫn "treo" do đợi ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Đến nay, Sở Tài chính vẫn chưa tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM xin ý kiến hướng dẫn Bộ Tài chính để thanh toán đợt 2 cho nhà đầu tư. Trong khi đó, IDECO cũng chính là đơn vị trúng thầu khối lượng thi công còn lại của cầu Tân Kỳ Tân Quý với giá 43,9 tỷ đồng. Điều này, ảnh hưởng đến quyền lợi tài chính của nhà thầu hiện hữu đang thực hiện dự án.

Tiến độ "sát nút", lưới điện vẫn chưa di dời

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, các trụ điện trung thế, hạ thế và trạm biến áp hai bên đường đầu cầu Tân Kỳ Tân Quý vẫn chưa di dời. Tình trạng này nối tiếp từ dự án đường Tân Kỳ Tân Quý đến dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý. Không ít người dân bức xúc vì cả tuyến đường đã được mở rộng nhưng lại có cột điện nằm giữa đường vô cùng nguy hiểm. Nhiều ý kiến cho rằng nên ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông để tuyến đường khang trang, sạch đẹp.

Tuy nhiên, tại Văn bản số 3165/EVNHCMC-KH của Tổng công ty điện lực TP.HCM về việc di dời lưới điện, đơn vị này đánh giá nếu thực hiện theo hình thức bồi thường trọn gói thì thời gian di dời lưới điện tối thiểu đến cuối năm 2025 mới có thể hoàn tất. Điều này sẽ không đồng bộ với tiến độ hoàn thành của dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý. Do vậy, chỉ có thể chọn phương án tiếp tục di dời.

Người dân kỳ vọng lưới điện được ngầm hóa đồng bộ với đường và cầu Tân Kỳ Tân Quý nhưng ngành điện cho biết không có kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Người dân kỳ vọng lưới điện được ngầm hóa đồng bộ với đường và cầu Tân Kỳ Tân Quý nhưng ngành điện cho biết không có kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Mặt khác, trong kế hoạch ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông của UBND TP.HCM giai đoạn 2021-2025 không có kế hoạch ngầm hóa lưới điện cầu Tân Kỳ Tân Quý. Chính vì vậy, ngành điện không có cơ sở cân đối, bố trí nguồn vốn phù hợp để thực hiện.

Việc ngầm hóa lưới điện khu vực này chưa thật sự cần thiết do việc di dời tái lập lưới điện nổi vẫn đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định và hạn chế phát sinh chi phí, kéo dài thời gian di dời lưới điện.

Trước vướng mắc như vậy, Ban Giao thông TP.HCM đã báo cáo Sở GTVT và Sở Công thương TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM thực hiện theo hình thức di dời tái lập, kéo nổi cáp điện lực, trạm biến áp để dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý kịp đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Quân Chính

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vuong-mac-van-bua-vay-du-an-cau-tan-ky-tan-quy-192240927100944965.htm
Zalo