Vườn quốc gia U Minh Thượng tập trung phòng, chống cháy cao điểm mùa khô

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2025 nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài.

Vận hành máy bơm, thao tác phun xịt nước phòng chữa cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh minh họa

Vận hành máy bơm, thao tác phun xịt nước phòng chữa cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh minh họa

Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, mực nước ngầm trong than bùn giảm nhanh, mực nước ở kiểu rừng tràm trên đất sét đã bắt đầu khô, nguy cơ cháy rừng cao. Nhận định vào thời điểm đầu tháng 5, toàn bộ diện tích rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng sẽ ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vườn tiếp tục triển khai thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025. Khi cấp dự báo cháy rừng ở mức cấp IV, tổ chức 100% lực lượng tham gia ứng trực 24/24 giờ, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng. Tăng cường thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong cộng đồng; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn người xâm nhập vào rừng trái phép…

Lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung phòng, chống cháy cao điểm mùa khô, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy trên lâm phần có thể xảy ra. Vườn xác định phân vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao trong mùa khô 2025 hơn 4.730 ha để bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chủ động ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Hiện nay, các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp III hơn 85 ha, diện tích còn lại là cấp II và cấp I.

Vườn đã kiện toàn và bố trí 5 đội phòng cháy, chữa cháy rừng với hơn 60 người tại các chốt Kênh 6, Kênh K14, K19, cây gòn, khu hành chính và khu cứu hộ động vật hoang dã theo phương thức “4 tại chỗ”.

Cùng đó, vườn nạo vét, gia cố 5 hố chứa nước, bán kính 500 m/hố để dự trữ 150 m³/hố tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, đảm bảo nguồn nước chữa cháy; dọn thực vật trôi nổi trên các tuyến kênh chính; phát dọn đường tuần tra bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là những tuyến đường tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận đám cháy khi cháy rừng xảy ra.

Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng tương đối đồng bộ và vườn đã chủ động giữ nước duy trì độ ẩm cho rừng trong suốt mùa khô cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, khó lường; rừng tràm phát triển trên đất than bùn có độ dày 0,3 - 1,2 m; nguồn vật liệu cháy khô rất dày, tích tụ qua nhiều năm (trung bình 50 cm, khối lượng trung bình 19,5 tấn/ha); hệ thống công trình phòng cháy, chữa cháy rừng như cống, đập, trạm bơm... chưa được đầu tư hoàn thiện; trang thiết bị, phương tiện cảnh báo, dự báo, phát hiện nguy cơ cháy rừng còn nhiều hạn chế. Mặt khác, nhận thức của một số người dân sống gần rừng chưa cao nên còn vào rừng săn bắt động vật hoang dã, thủy sản, lấy mật ong... gia tăng trong những tháng mùa khô gây áp lực đến tài nguyên rừng, tiềm ẩn nguy xảy ra cháy rất cao.

Từ đầu mùa khô 2024 - 2025 đến nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, triển khai ứng dụng SMART, sử dụng phần mềm SMART Mobile cho các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng; lực lượng chuyên trách tổ chức hơn 500 cuộc tuần tra kiểm soát các đối tượng vi phạm vào rừng trái phép, thu giữ và phát hủy 10 công cụ, tháo gỡ 1 cá thể Tê tê Java bị thương; lắp đặt poachercam để ghi nhận các hoạt động xâm nhập vào rừng trái phép, phát hiện 1 vụ 2 đối tượng vi phạm đào bới đất rừng phòng hộ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Mặt khác, đơn vị chức năng tổ chức cho các hộ dân trên địa bàn ký cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng với các nội dung không đốt đồng, không vào rừng trái phép, phối hợp với Vườn quản lý bảo vệ rừng.

Vườn tiếp tục thực hiện phương án quản lý nước theo 4 phân khu đáp ứng mục tiêu phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển bình thường của hệ sinh thái rừng tràm; triển khai gia cố 6 cống điều tiết nước, chống rò rỉ trong suốt mùa khô, đồng thời khởi động 2 trạm bơm để bơm nước bổ sung phòng, chống cháy khi cần thiết.

Ngoài ra, vườn rà soát cập nhật bản đồ số hóa hệ thống kênh mương, hố chứa nước, địa điểm tập kết phương tiện, trang thiết bị; đường tuyến tiếp cận triển khai lực lượng, phương tiện; xây dựng bản đồ phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng với lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội; rà soátphương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra.

Vườn quốc gia U Minh Thượng nằm trên địa bàn 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, có tổng diện tích tự nhiên gần 8.510 ha, gồm rừng đặc dụng 8.038 ha, rừng phòng hộ hơn 471 ha. Trong số đó, diện tích có rừng khoảng 5.693 ha, diện tích còn lại là đồng cỏ ngập nước theo mùa với cây tái sinh rải rác và đầm lầy thực vật thủy sinh, kênh mương.

Bài, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/vuon-quoc-gia-u-minh-thuong-tap-trung-phong-chong-chay-cao-diem-mua-kho-20250216113251102.htm
Zalo