Vườn Quốc gia Tràm Chim chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

Trong bối cảnh thời tiết cực đoan với nắng nóng gay gắt và hanh khô kéo dài, nguy cơ cháy rừng tại Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông) đang ở mức báo động cao. Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Quản lý VQG Tràm Chim triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, tổ chức lực lượng thường trực 24/24, kết hợp tuyên truyền, tuần tra, điều tiết nước… nhằm bảo vệ an toàn cho hệ sinh thái đất ngập nước đặc hữu - “lá phổi xanh” của vùng Đồng Tháp Mười.

Lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng trong mùa khô năm 2025

Lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng trong mùa khô năm 2025

Bảo vệ “lá phổi xanh” quý giá

Với diện tích lâm nghiệp hơn 7.310ha, trong đó có trên 2.500ha rừng tràm và thảm thực bì dày đặc, VQG Tràm Chim hiểu rõ tầm quan trọng của việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống cháy rừng một cách quyết liệt và đồng bộ, bảo vệ “lá phổi xanh” quý giá của vùng Đồng Tháp Mười.

Những ngày này, trên khắp các phân khu trọng yếu như A1, A3, A4 và A5 của VQG Tràm Chim, lực lượng chuyên trách Bảo vệ rừng và Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và Chi Cục Kiểm lâm tỉnh đang căng mình thực hiện nhiệm vụ. Các cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng cắt đường băng cản lửa, đốt cỏ chủ động nhằm tạo vành đai an toàn, ngăn chặn nguy cơ cháy lan nếu không may sự cố xảy ra.

Đồng thời việc ngăn chặn tình trạng xâm nhập trái phép vào VQG để đánh bắt thủy sản, lấy mật ong... có nguy cơ gây cháy được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức, từ phát tờ rơi, treo băng-rôn đến tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư vùng đệm.

Nhằm chủ động trong công tác PCCC rừng mùa khô, Ban Quản lý VQG Tràm Chim đã triển khai các máy chữa cháy chuyên dụng đến các khu vực có nguy cơ cháy cao, đồng thời tiến hành bơm nước vào các kênh, rạch để duy trì mực nước, tăng độ ẩm cho thảm thực vật rừng.

Ông Cao Thái Phong - Phó Giám đốc VQG Tràm Chim, nhấn mạnh: “Thời tiết hiện tại đang diễn biến rất phức tạp, dù có những cơn mưa trái mùa nhưng không đáng kể. Mực nước ở nhiều khu vực xuống thấp, thảm thực bì khô hạn là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn. Chính vì vậy, VQG Tràm Chim đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp PCCC rừng theo phương châm “phòng là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất””.

Máy bay không người lái, “trợ thủ đắc lực” giúp Vườn Quốc gia Tràm Chim thuận lợi trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả

Máy bay không người lái, “trợ thủ đắc lực” giúp Vườn Quốc gia Tràm Chim thuận lợi trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả

Theo ông Cao Thái Phong, VQG Tràm Chim đã triển khai hoạt động theo dõi sát sao tình hình khí tượng thủy văn, điều tiết nước hợp lý tại các phân khu và tăng cường quan trắc hệ sinh thái đồng cỏ trong mùa khô. Một biện pháp quan trọng khác được VQG Tràm Chim triển khai là quản lý chặt chẽ các vật liệu dễ cháy và hoạt động sử dụng lửa trong khu vực. Cụ thể, tại phân khu A4 và A1 VQG Tràm Chim tiến hành đốt có kiểm soát trên 432ha lớp thực bì dày để giảm thiểu vật liệu cháy tiềm năng. Quá trình đốt được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện nghiêm tinh thần “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng

Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện nghiêm tinh thần “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng

Ứng dụng khoa học công nghệ trong PCCC rừng

Để nâng cao năng lực ứng phó tại chỗ, Đội Bảo vệ rừng chuyên trách của VQG Tràm Chim xây dựng phương án PCCC rừng chi tiết, chuẩn bị sẵn sàng 9 máy bơm nước chữa cháy loại lớn, 150 bình xịt tay, 20 bình xịt máy và gần 200 bàn cào lửa cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng khác. Công tác kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị này được thực hiện thường xuyên, đảm bảo hoạt động tốt khi cần thiết. “Chúng tôi quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCCC rừng. Điều này giúp chúng tôi chủ động và nhanh chóng xử lý các tình huống cháy có thể xảy ra”, ông Cao Thái Phong cho biết thêm.

Bên cạnh những nỗ lực về nhân lực và vật lực, VQG Tràm Chim còn chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác PCCC rừng. Hệ thống camera an ninh đã được lắp đặt tại các khu vực trọng yếu để giám sát trực tiếp, giúp phát hiện và thông báo cháy một cách nhanh chóng. VQG Tràm Chim cũng đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng rừng, xác định vị trí các ao hồ có thể lấy nước chữa cháy, lên kế hoạch nạo vét kênh mương, xây dựng bản đồ thảm thực vật và bản đồ chuyên dụng phục vụ công tác PCCC rừng thông qua các thiết bị công nghệ hiện đại.

Một góc Vườn Quốc gia Tràm Chim nhìn từ đài quan sát của Trạm bảo vệ Phú Đức 2

Một góc Vườn Quốc gia Tràm Chim nhìn từ đài quan sát của Trạm bảo vệ Phú Đức 2

VQG Tràm Chim còn huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác PCCC rừng. Các đội PCCC ở các xã, thị trấn vùng đệm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, chủ động bơm nước vào rừng để tăng độ ẩm, điều tiết nước hợp lý và vệ sinh rừng. Hạt Kiểm lâm và UBND các xã, thị trấn phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho cán bộ và người dân về tầm quan trọng của công tác PCCC rừng. Việc xây dựng dự báo cấp cháy rừng trên địa bàn huyện và thường xuyên kiểm tra các đường băng trắng cũng là những biện pháp quan trọng nhằm chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng.

Với những giải pháp chủ động và đồng bộ đang được triển khai, VQG Tràm Chim đang “đi trước một bước” trong “cuộc chiến” với “giặc lửa”, giữ gìn màu xanh cho vùng đất ngập nước đặc trưng của Đồng Tháp Mười, “ngôi nhà chung” của hàng trăm loài động thực vật quý hiếm..

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/moi-truong/vuon-quoc-gia-tram-chim-chu-dong-phong-chong-chay-rung-mua-kho-131242.aspx
Zalo