Vườn quốc gia Sông Thanh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng

Chiều 25-12, Vườn quốc gia Sông Thanh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và Bảo tồn đa dạng sinh học năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Tham dự Hội nghị có ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đại diện lãnh đạo các khu bảo tồn, hạt kiểm lâm một số địa phương liên quan.

Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh.

Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, trong năm 2024, Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia Sông Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông qua các cuộc họp giao ban hằng tuần, hằng tháng giữa lãnh đạo đơn vị với viên chức, người lao động trong đơn vị đã kịp thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, phương án đã xây dựng từ đầu năm 2024 đảm bảo tiến độ. Công tác tuần tra, kiểm tra rừng được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn quản lý.

Cụ thể, tính đến ngày 15-12, BQL Vườn quốc gia Sông Thanh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện 214 đợt tuần tra, kiểm tra rừng. Qua đó phát hiện và tháo gỡ 1.560 sợi dây bẫy các loại, phá hủy 21 lán trại và đẩy đuổi 76 người vào rừng trái phép ra khỏi rừng. Tiếp tục duy trì Tổ bảo vệ rừng Khe Tà Vạt nhằm chốt chặn, tuần tra, kiểm tra tại các khu vực khai thác vàng trái phép đã triển khai đánh sập hầm thuộc tiểu khu 377, 378 xã Đắc Pring. Bên cạnh đó, bố trí các Tổ bảo vệ rừng khe Ru, Dốc Mây để kiểm tra, ngăn chặn các tuyến đường gùi cõng hàng hóa trái phép phục vụ bãi vàng. Đến thời điểm hiện tại, các hầm vàng bị đánh sập được quản lý, bảo vệ tốt, không có dấu hiệu các đối tượng quay lại để thực hiện các hành vi khai thác trái phép.

Đại biểu trình bày một số ý kiến tại hội nghị.

Đại biểu trình bày một số ý kiến tại hội nghị.

Công tác phát triển rừng, tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng khá tốt; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nhờ làm tốt công tác quản lý địa bàn, nên tầng xuất phát hiện các loài động vật rừng quý, hiếm trong lâm phận quản lý ngày càng tăng. Cụ thể, phát hiện 624 điểm ghi nhận dấu vết của các loài thú móng guốc tại hiện trường rừng, như: nai, lợn rừng, sơn dương, mang và các loài động vật quý hiếm khác như: tê tê, gấu, trĩ sao, nhím, rái cá,… đồng thời quan sát được cá thể chồn bay, đàn chim Hồng Hoàng, đàn chim Bồ cành, nhiều đàn Voọc Chà Vá chân xám, chân nâu…

Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai giao ban 12 xã và họp 40 thôn trong lâm phận để đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg trong các năm qua; lấy ý kiến, nhu cầu của nhân dân để xây dựng phương án hỗ trợ cộng đồng vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg năm 2024. BQL Vườn quốc gia Sông Thanh cũng đã phê duyệt Phương án số 06/PA-VQG ngày 4-6-2024 về việc hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm thuộc Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh năm 2024. Kết quả: đã phối hợp với đơn vị cung cấp cây giống triển khai cấp, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân với số lượng 53.744 cây giỗi tại 27 thôn cộng đồng vùng đệm thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với đơn vị trúng thầu tiến hành cấp phát con giống (vịt xiêm) cho 31 cộng đồng, với tổng số lượng là 15.904 con...

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến, BQL Vườn quốc gia Sông Thanh sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng với các nội dung: xây dựng kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng; kỹ năng nhận diện động, thực vật; kỹ năng lắp đặt bẫy ảnh trong điều tra, giám sát đa dạng sinh học; sử dụng các thiết bị, dụng cụ trong tuần tra, bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học…. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án giải quyết quyền lợi cho người dân có đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở sử dụng hợp pháp của người dân nay thuộc quy hoạch Vườn quốc gia Sông Thanh theo Kế hoạch số 5899/KH-UBND ngày 9-10-2020 của UBND tỉnh Quảng Nam; tiếp tục triển khai thực hiện trồng mới rừng đặc dụng tại phân khu phục hồi sinh thái thuộc lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh với tổng diện tích dự kiến là 106,5ha...

Đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương, các lực lượng như Công an, Kiểm lâm địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm tra, tại hiện trường rừng: Săn, bắn, bẫy, bắt động vật rừng, tháo gỡ bẫy và điều tra, giám sát đa dạng sinh học tại các địa bàn 12 xã trong lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh; Tiếp tục triển khai chốt chặn, tuần tra kiểm tra tại các bãi vàng: Khe Tà Vạt, Thành Mỹ 1, Thành Mỹ 2, Trại 5, 85...

Hội nghị cũng tiến hành khen thưởng một số cá nhân thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh có thành tích xuất sắc trong năm 2024.

Hội nghị cũng tiến hành khen thưởng một số cá nhân thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh có thành tích xuất sắc trong năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên lực lượng bảo về rừng Sông Thanh đã đạt được trong thời gian qua. “Với diện tích quản lý, bảo vệ hơn 76.000ha rừng như vậy, nhưng các năm gần đây Vườn quốc gia Sông Thanh không xảy ra vụ phá rừng, cháy rừng nào, điều đó chứng tỏ sự cố gắng, nỗ lực của cả đơn vị… Nhờ bảo vệ rừng tốt nên giữ được nguồn nước cho hạ lưu, đặc biệt đem lại nguồn thu cao từ các nhà máy thủy điện”- ông Bửu đánh giá.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến, ông Hồ Quang Bửu đề nghị BQL Vườn quốc gia Sông Thanh cần làm ngay cơ sở dữ liệu cho Vườn cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh của Sông Thanh, đẩy mạnh phát triển tìm năng du lịch; tăng cường, lan tỏa các mô hình sinh kế để giúp đỡ các hộ dân trong khu vực lâm phận; phát triển vườn giống đạt chất lượng nhằm phục hồi rừng tại Vườn cũng như nhu cầu tiêu thụ cây trồng trong và ngoài tỉnh…

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/vuon-quoc-gia-song-thanh-thuc-hien-tot-nhiem-vu-quan-ly-bao-ve-rung-post306543.html
Zalo