Vườn nho mẫu đơn xanh trên đất Đơn Dương
Với mong muốn tìm hướng đi khác biệt ở vùng rau hoa thương phẩm tại huyện Đơn Dương, anh Nguyễn Trọng Thiều đã thử nghiệm và bước đầu trồng thành công giống nho mẫu đơn của Nhật Bản. Vườn nho xanh mướt, trái mọng, chùm đầy đặn khiến nhiều người thích thú khi đến tham quan, chụp ảnh.
Vườn nho này được anh Thiều đầu tư, chăm sóc tại Tổ dân phố Nghĩa Lập 5 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) trên diện tích 500 m2 với các giống nho mẫu đơn, hạ đen và nho kẹo đang được trồng thử nghiệm.
Đây được cho là vườn nho đầu tiên được trồng thành công ở huyện Đơn Dương - nơi được mệnh danh là vựa rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng.
Ý tưởng trồng nho của anh Thiều xuất phát từ mong muốn tìm giống cây phù hợp để đa dạng hóa cây trồng, có đầu ra ổn định và tăng thu nhập. Bởi lẽ, anh Thiều từng trồng nhiều loại rau, hoa nên anh hiểu được rằng nếu chỉ phụ thuộc vào 1 loại cây trồng thì nếu thời tiết bất thường, giá cả thị trường bấp bênh thì nguồn thu nhập sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ban đầu, anh Thiều cũng gặp một số trở ngại khi lựa chọn và bắt tay vào trồng thử nghiệm các giống nho, một loại cây rất hiếm được lựa chọn để trồng trước đây tại vùng đất này, hoặc có trồng thì cũng đều thất bại. Hơn nữa, ngay cả người thân trong gia đình cũng không ủng hộ anh vì hướng đi quá mạo hiểm.
Anh Thiều cho biết: Giống nho mẫu đơn có nguồn gốc từ Nhật Bản, sau đó phát triển mạnh tại các nước Hàn Quốc, Trung Quốc. Khoảng 3 năm trở lại đây, nông dân Việt Nam bắt đầu trồng tại một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long... Nhiều vùng nắng nóng cũng trồng được loại cây vốn nổi tiếng là đắt đỏ này.
Ban đầu, anh Thiều mua thử vài gốc nho về trồng tại nhà. Kết quả bất ngờ, khi cây sinh trưởng nhanh, cành lá tươi tốt. Tuy nhiên, thời điểm đó, cây cho trái nhỏ, không ngọt thơm như bây giờ.
Sau một thời gian tìm hiểu, điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc, đến đầu năm 2023, anh Thiều quyết định chuyển 500 m2 nhà kính đang trồng hoa cúc để trồng thử nghiệm các giống nho mẫu đơn, nho hạ đen và nho kẹo.
"Lúc trước mình cũng lo là chưa nắm vững kỹ thuật thì chất lượng quả không được ngon ngọt và đậm vị, nhưng ngay từ lứa đầu tiên, những chùm nho xanh đã cho chất lượng ngoài mong đợi” - anh Thiều chia sẻ.
Hiện tại, vườn nho được anh Thiều trồng theo hướng sinh học, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế tối đa các yếu tố hóa học để tạo ra sản phẩm an toàn. Du khách tham quan có thể thưởng thức những trái nho tươi tại vườn.
Theo anh Thiều, kỹ thuật trồng nho là một trong những trở ngại, bởi mỗi cây trồng sẽ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Trong thời gian tới, anh Thiều sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật và cách chăm sóc để có thể cho ra những chùm nho đẹp mắt, quả mọng và cân nặng lý tưởng để xuất bán trên thị trường.
Sau khi đánh giá về chất lượng quả, anh Thiều thấy rằng nho mẫu đơn trồng tại huyện Đơn Dương cho trái to, ngọt và có mùi thơm đặc trưng với trọng lượng mỗi chùm từ 500 – 700 gram.
Thông qua giới thiệu của người quen cũng như thông tin lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều người biết và tìm đến tham quan vườn nho. Hiện tại, anh Thiều đón khách tham quan miễn phí và bán nho mẫu đơn với giá tham quan, trải nghiệm tại vườn là 200.000 đồng/kg.
Chị Tạ Hải Vân (ngụ tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) cho biết: Trước đây, chị từng tham quan, trải nghiệm việc thu hái và thưởng thức nho tại một số vườn tại Ninh Thuận. Nên khi nghe tại huyện mình sinh sống cũng có một vườn nho đẹp để tham quan và trải nghiệm như thế thì chị khá bất ngờ và tò mò muốn đến xem thử.
Theo chị Vân, các mô hình tham quan trải nghiệm, ăn trái cây tại vườn như thế này hiện nay đang hấp dẫn người dân và du khách. Do vậy, giờ đây ngay tại địa phương của mình cũng có vườn nho sạch như thế thì sẽ thuận tiện để chị đưa người thân, bạn bè đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức, không phải đi xa như trước đây.
Theo dự định, trong thời gian tới, anh Thiều sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn nho và đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật canh tác sinh học để tạo ra những chùm nho có chất lượng, an toàn phục vụ du khách tham quan, thưởng thức tại vườn cũng như cung ứng ra thị trường.