Vươn mình trong thế giới bất định
Rủi ro từ môi trường - khí hậu, không gian địa chính trị biến động và năng lực tự nâng cấp bản thân là ba bất định lớn của nước ta ở hiện tại. Giải mã ba thách thức đan xen đó, dưới các dạng thức khác nhau, sẽ định hình cho thành công của Việt Nam trong 'kỷ nguyên mới'.
Vấn đề chính sách từ câu chuyện những chiếc container rác vô thừa nhận
Tại các cảng biển lớn ở Việt Nam, luôn có những góc chứa các container vô thừa nhận. Tính đến cuối năm 2024, cả nước còn tồn đọng hơn 8.000 container như vậy, nằm rải rác tại các cảng quốc tế lớn từ Nam ra Bắc. Nhiều trong số những container này được nhập về từ các nước phát triển dưới danh nghĩa nguyên liệu tái chế, nhưng phần lớn không đạt tiêu chuẩn môi trường. Điều này không chỉ làm hạn chế năng lực vận hành của hệ thống cảng biển, mà còn tạo ra nguy cơ ô nhiễm lớn, đặc biệt là khi nước ta không trang bị đủ công nghệ để xử lý một số loại rác thải nguy hại.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Các nước trong khu vực, từ Malaysia cho đến Campuchia, đều miễn cưỡng trở thành “bãi rác” mới của thế giới, đặc biệt sau quyết định cấm nhập phế liệu nhựa của Trung Quốc từ năm 2018. Chỉ tính riêng rác thải nhựa, cho đến hết năm 2022, Việt Nam là quốc gia nhập rác nhiều thứ 5 trên thế giới.
Trước hết, câu chuyện trên hàm chứa nhiều vấn đề chính sách!
Trong một thế giới mà các nước có lợi ích đan xen chặt chẽ với nhau, “hiệu ứng cánh bướm” ngày càng rõ rệt. Một con bướm vỗ cánh ở rừng Amazon có thể gây bão ở Texas, cũng như một quyết định hành chính ở Bắc Kinh có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt môi trường ở Đông Nam Á. Nhìn rộng ra, nhập khẩu rác chỉ là bề nổi của vấn đề. Khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, và các nước không thể thống nhất giải pháp giảm thiểu tác động, Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu” hệ quả từ những cơn bão trái mùa hay thiên tai khốc liệt. Năm 2024 với nhiều thiên tai tang tóc trên cả nước cho thấy rủi ro đó lớn thế nào.
Cạnh tranh siêu cường không còn giới hạn ở thương mại mà đã lan sang hợp tác kinh tế, công nghệ, quân sự. Đi cùng với nó là hồi kết của thế giới toàn cầu hóa phiên bản hậu Chiến tranh lạnh. Hiện nay, xu hướng “phi toàn cầu hóa”, với chủ nghĩa bảo hộ lan rộng và hợp tác gói gọn trong các nhóm tiểu đa phương, đang làm thay đổi căn bản cách thức vận hành của nền kinh tế thế giới. Việt Nam, với độ mở thương mại đứng thứ hai châu Á, sẽ chịu tác động lớn.
Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu mực nước biển dâng thêm một mét, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước. Thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 12-14,5% GDP vào năm 2050. Với nguồn lực hạn chế, chúng ta chưa thể đáp ứng được yêu cầu vừa phát triển nhanh vừa thích ứng tốt với những nguy cơ đó. Là một quốc gia tầm trung, chúng ta cũng không thể dễ dàng áp đặt các giải pháp chung nhằm giảm thiểu khí thải trên toàn cầu.
Thứ hai là vấn đề về chuỗi giá trị. Dù chúng ta vẫn luôn nhấn mạnh đến việc nâng cao vị thế của ngành sản xuất trong nước, trên thực tế Việt Nam vẫn đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, là điểm đến “yêu thích” của các hoạt động tạo giá trị gia tăng thấp và rủi ro môi trường cao. Nhập khẩu rác là vấn đề nhãn tiền, nhưng việc nhập khẩu công nghệ sản xuất cũ cũng mang đến những tác hại tương tự về lâu về dài.
Việt Nam đã rất thành công trong bốn mươi năm “đổi mới” và “mở cửa”, nhưng không thể tiếp tục con đường cũ - dựa vào nhân công giá rẻ và bỏ qua các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và lao động - để đi tới thịnh vượng. Để bước cao hơn trên chuỗi giá trị, cần nhiều hơn một vài chính sách tốt. Ba nhà kinh tế đạt giải Nobel năm 2024 nhấn mạnh đến vai trò của “thể chế dung hợp” - bộ khung quản trị kinh tế và xã hội đảm bảo bình đẳng cơ hội, giá trị phổ quát, quyền tài sản, và pháp quyền.
Nếu không làm được điều đó, các nhà đầu tư chỉ đến khi mức chênh lệch chi phí sản xuất đủ lớn, và rời đi khi nơi khác mang lại lợi nhuận cao hơn.
Thứ ba là rủi ro địa chính trị. Lệnh cấm nhập rác thải nhựa của Trung Quốc, dù xuất phát từ nhu cầu chính sách trong nước, có một phần nguyên do từ thương chiến Mỹ - Trung. Cho đến tận thời điểm của lệnh cấm, Mỹ là nước xuất khẩu phế liệu nhựa sang Trung Quốc nhiều nhất. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu của mình áp mức thuế quan trừng phạt lên một số mặt hàng của Trung Quốc, Bắc Kinh ban hành lệnh cấm như một phần của biện pháp đáp trả.
Căng thẳng Mỹ - Trung quan trọng với Việt Nam, bởi họ là hai đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Số liệu thương mại cho thấy độ phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng giữa Việt Nam và hai cực quyền lực toàn cầu. Năm 2023, Trung Quốc chiếm 25,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 28,4% tổng kim ngạch. Thực trạng này cho thấy khả năng dung hòa tốt của nước ta, nhưng đồng thời tạo ra rủi ro khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, đặc biệt vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những bất định bên ngoài - không gian địa chính trị và biến đổi khí hậu - nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta có thể giảm thiểu tác động, nhưng không thể hoàn toàn khắc phục. Nhưng việc giải bài toán “thể chế dung hợp” như thế nào phụ thuộc vào chính chúng ta...
Thêm vào đó, sau tám năm, cạnh tranh siêu cường không còn giới hạn ở thương mại mà đã lan sang mọi lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế, công nghệ, cho đến quân sự. Đi cùng với nó là hồi kết của thế giới toàn cầu hóa phiên bản hậu Chiến tranh Lạnh, với vai trò siêu cường duy nhất của nước Mỹ và ưu tiên phát triển kinh tế vượt lên mọi khác biệt. Hiện nay, xu hướng “phi toàn cầu hóa”, với chủ nghĩa bảo hộ lan rộng và hợp tác gói gọn trong các nhóm tiểu đa phương, đang làm thay đổi căn bản cách thức vận hành của nền kinh tế thế giới. Việt Nam, với độ mở thương mại đứng thứ 2 châu Á chỉ sau Singapore, sẽ chịu tác động lớn.
Xu hướng phi toàn cầu hóa thể hiện qua ba khía cạnh chính.
Thứ nhất là sự dịch chuyển từ hiệu quả thuần túy sang an ninh trong chuỗi cung ứng. Điều này tạo cơ hội cho các trung tâm sản xuất mới như Việt Nam, nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng thể chế và năng lực quản trị.
Thứ hai là sự gia tăng của các khối thương mại theo khu vực, với các khối như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang thay thế dần các thỏa thuận toàn cầu. Đối với Việt Nam, điều này có ý nghĩa quan trọng. Với mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, Việt Nam có thể trở thành cầu nối giữa các khối thương mại với nhau. Tuy nhiên, thách thức là làm sao tận dụng vị thế này để nâng cấp năng lực sản xuất, thay vì chỉ đóng vai trò làm trạm trung chuyển.
Thứ ba là sự hình thành các hệ sinh thái công nghệ với xu hướng tách rời nhau. Lấy ví dụ ngành bán dẫn: thay vì chuỗi cung ứng toàn cầu, các cụm sản xuất khu vực đang hình thành, với Đài Loan - Hàn Quốc - Nhật Bản tạo thành một trục, trong khi Trung Quốc nỗ lực xây dựng hệ sinh thái riêng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với công nghệ viễn thông 5G, quân sự, hay một loạt công nghệ trọng yếu khác. Việc lựa chọn tham gia hệ sinh thái nào, với mức độ ra sao, là vấn đề chiến lược có tính sống còn của các quốc gia tầm trung như Việt Nam.
Giải bài toán “thể chế dung hợp”
Rủi ro từ môi trường - khí hậu, năng lực tự nâng cấp bản thân và không gian địa chính trị biến động là ba bất định lớn của nước ta ở hiện tại. Giải mã ba thách thức đan xen đó, dưới các dạng thức khác nhau, sẽ định hình cho thành công của Việt Nam trong “kỷ nguyên mới”.
Vậy làm thế nào để vươn mình trong một thế giới bất định?
Những bất định bên ngoài - không gian địa chính trị và biến đổi khí hậu - nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta có thể giảm thiểu tác động, nhưng không thể hoàn toàn khắc phục. Nhưng việc giải bài toán “thể chế dung hợp” như thế nào phụ thuộc vào chính chúng ta.
Thể chế dung hợp được xây dựng trên nền tảng vững chắc của chiếc kiềng ba chân, là Nhà nước, thị trường, và xã hội. Nguyên tắc vận hành chung là Nhà nước kiến tạo phát triển, thị trường phân bổ nguồn lực, và xã hội giám sát cũng như bổ trợ những khiếm khuyết của thị trường.
Nỗ lực tinh gọn bộ máy khẩn trương trong giai đoạn vừa qua là cần thiết để xây dựng một nhà nước hiệu quả. Các bước cải cách tiếp theo cần hướng tới nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiệu quả, đồng thời tạo cơ chế để huy động sự tham gia thực chất của xã hội vào quá trình xây dựng, phản biện, giám sát và thực thi chính sách.
Cơ chế đầu tiên phải là khuôn khổ cho các cuộc tranh luận chính sách cởi mở, đa chiều, khoa học và khoan dung. Thứ hai là cơ chế lắng nghe: không chỉ những lời tụng ca về thành tích và vị thế, mà còn những góp ý thẳng thắn về các vấn đề đất nước đang phải đối mặt.
Như những chiếc container vô thừa nhận nằm im lìm tại cảng biển, vấn đề không mất đi nếu chúng ta chỉ ngoảnh mặt sang chỗ khác. Như cách Việt Nam đã từng đối diện với những khó khăn trong quá khứ, con đường phía trước đòi hỏi sự thẳng thắn, lòng can đảm và quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn để cải cách thể chế. Thể chế mới không chỉ giải quyết những container bị bỏ lại, mà còn giúp chúng ta chủ động định hình vị thế trong trật tự thế giới đang chuyển dịch.
Lần vươn mình thứ nhất của nước ta từ sau Đại hội VI của Đảng khởi phát với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Lần vươn mình thứ hai, trong một thế giới bất định không kém hồi kết của Chiến tranh Lạnh, có lẽ cũng cần bắt đầu với một tinh thần như thế.