Vững vàng vùng hậu cứ

Trong chiến tranh ác liệt hôm qua hay trong những thử thách giữa thời bình hôm nay, Lâm Đồng - mảnh đất vùng cửa ngõ nối liền Tây Nguyên với miền Nam đều làm tròn vai trò vùng hậu cứ để cùng miền Nam - thành đồng Tổ quốc đi đến những thắng lợi. Và ngày mai, khi những tuyến cao tốc được hoàn thành, Lâm Đồng sẽ thêm động lực phát triển, vùng hậu cứ của cả miền Nam cũng từ đây thêm lớn mạnh, vững vàng.

Đoàn xe chở thực phẩm tươi từ Lâm Đồng về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ảnh: FUTA Group

Đoàn xe chở thực phẩm tươi từ Lâm Đồng về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ảnh: FUTA Group

KIÊN CƯỜNG TRONG THỜI CHIẾN

Để xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ vững chắc của cách mạng miền Nam, tạo bàn đạp nối thông đường hành lang chiến lược từ miền Bắc vào Nam Bộ, trong Chỉ thị về “Nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng Tây Nguyên” (3/1959), Bộ Chính trị chỉ rõ: “…Nam Tây Nguyên là vị trí cơ động nhất ở miền Nam. Vì vậy hướng chính nỗ lực xây dựng căn cứ là phía Nam”. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, giữa năm 1959, Trung ương tăng cường cán bộ quân sự, chính trị làm nhiệm vụ mở đường hành lang nối Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Đồng thời nối thông đường hành lang chiến lược giữa Trung ương với Nam Bộ bằng hai hướng. Trong đó có một hướng qua Lâm Đồng vào chiến khu Đ.

Trải qua bao ngày tháng gian lao, vất vả, với sự hỗ trợ của bà con các dân tộc các tỉnh ở khu vực này, các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường. Lần đầu tiên, đường hành lang chiến lược giữa Nam Tây Nguyên với Nam Bộ được nối liền. Từ đây sự liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc được thông suốt, sẵn sàng để từng bước chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Mở đường đã khó, song bảo vệ bí mật, an toàn cho con đường và đưa chi viện từ miền Bắc vào miền Nam thành công càng khó hơn. Nếu không có chính những người dân sở tại thì nhiệm vụ này không thể hoàn thành. Bởi vậy, sau khi nối thông đường hành lang chiến được Bắc - Nam, Trung ương đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng mở rộng phong trào, xây dựng thực lực cách mạng, đặt các trạm trên đường hành lang, xây dựng các vùng căn cứ liên hoàn. Dưới ánh sáng đường lối cách mạng của Đảng, phong trào cách mạng tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng ủng hộ và đi theo cách mạng.

Bà con đồng bào DTTS tại Lâm Đồng vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ đường hành lang chiến lược. Ảnh: Tư liệu

Bà con đồng bào DTTS tại Lâm Đồng vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ đường hành lang chiến lược. Ảnh: Tư liệu

Bởi vậy từ năm 1966 trở đi, vùng căn cứ Lâm Đồng chính là hậu phương trực tiếp rộng lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng ghi lại, trong những năm tháng dài gian khổ ấy, ngoài lực lượng dân quân, du kích, còn có cả những cụ già trên 60 tuổi, thiếu niên, phụ nữ tham gia chiến đấu. Ở các buôn làng, từ các cụ già đến các em thiếu nhi đều vót chông. Đã có hơn 30 triệu cây chông, hàng ngàn hầm chông... được bà con bố trí đánh địch, bảo vệ đường hành lang chiến lược. Và trên con đường ấy, có những chị dân công địu con phía trước gùi hàng sau lưng đưa vào chiến trường. Bà con đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện “hũ gạo nuôi quân”. Chiến tranh ác liệt, nhiều buôn làng bị tàn phá, người dân bị càn quét, nhưng bà con vẫn một lòng theo cách mạng, chỉ ăn cây rừng, củ rừng nhưng dành gạo cho bộ đội phía trước đánh địch.

Không chỉ ở các buôn làng mà tại thị xã Đà Lạt và thị xã Bảo Lộc trong suốt thời gian kháng chiến, cơ sở cách mạng thường xuyên tồn tại và phát triển trong công nhân, trí thức, Nhân dân lao động. Đây cũng là nơi cung cấp nhiều nhân lực, vật lực cho cách mạng. Phong trào cách mạng ở Đà Lạt còn góp phần lan tỏa đến các đô thị khác ở miền Nam.

Theo năm tháng, vùng giải phóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngày càng được mở rộng, cơ sở cách mạng ngày càng vững mạnh. Đường hành lang chiến lược đoạn qua tỉnh Lâm Đồng được giữ vững. Đến đầu tháng 4 năm 1975, khi toàn bộ vùng đất này được giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiếp tục tiến công địch, giải phóng các tỉnh còn lại của Khu VI nối liền Quốc lộ 1A và đường 20. Và trên con đường này, với sự hỗ trợ của quân và dân tỉnh Lâm Đồng, những binh đoàn đã hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam để non sông nối liền một dải.

Nông dân TP Đà Lạt thu hoạch rau gửi về hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19. Ảnh: C.Thành

Nông dân TP Đà Lạt thu hoạch rau gửi về hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19. Ảnh: C.Thành

NỖ LỰC TRONG THỜI BÌNH

Hòa bình lập lại, người Lâm Đồng lại cần mẫn lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Nhưng khi biến cố xảy ra, vai trò hậu cứ quan trọng của Lâm Đồng lại được phát huy. Điều đó được chứng minh rõ trong những tháng ngày chống chọi với đại dịch COVID-19 - cuộc chiến khốc liệt vừa qua giữa thời bình. Là địa bàn tiếp giáp với các vùng dịch nghiêm trọng như Đồng Nai, Khánh Hòa và có nhiều hoạt động giao thương với tâm dịch TP Hồ Chí Minh, song Lâm Đồng không chỉ nỗ lực mở rộng và bảo vệ vững chắc “vùng xanh” trên địa bàn mà từ mảnh đất này, những chuyến xe nghĩa tình vẫn nối đuôi nhau lên đường chở nặng rau, củ, quả, những trái tim tình nguyện vào chia lửa trong vùng tâm dịch. Chính trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, từ Lâm Đồng đã có hơn 20.000 tấn nông sản được các tổ chức, đơn vị, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh gửi tặng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16. Tỉnh Lâm Đồng đã chi hơn 24 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, nguồn nông sản được các tổ chức, cá nhân ủng hộ trị giá trên 1,66 tỷ đồng.

Trong thời điểm đầy gian khó ấy, nhiều tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mặt trên những cánh đồng rau để góp sức mình gửi rau về hỗ trợ bà con khó khăn trong vùng tâm dịch. Dưới sự vận động của Mặt trận và đoàn thể các địa phương, bà con người góp của, người góp công gửi về vùng dịch. Trong sự góp sức ấy có cả bà con ở các buôn làng xa xôi cũng gửi tấm lòng về miền Nam. Như từ Đạ Long - xã xa nhất, nghèo nhất ở huyện khó Đam Rông, bà con dân tộc K’Ho, dân tộc M’Nông hái lá bép, lấy măng rừng và còn gửi cả những quầy chuối nghĩa tình về cho bà con trong vùng tâm dịch. Có lẽ chưa bao giờ nông sản Lâm Đồng đến với nhiều vùng, miền, nhiều người dân với đầy đủ nghĩa tình như thế.

Ngoài những chuyến xe yêu thương chở nặng rau, củ, quả, từ Lâm Đồng còn có những chuyến xe chở những trái tim tình nguyện vào tâm dịch. Lâm Đồng đã 3 lần cử lực lượng y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với tổng số gần 500 tình nguyện viên. Họ đa phần là sinh viên ngành Y, điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng và Đại học Yersin Đà Lạt. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng đã 3 lần tổ chức để các đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh tham gia hỗ trợ vùng dịch với tổng số hơn 300 người. Hành trang họ mang vào tâm dịch ngoài trình độ chuyên môn còn có tinh thần của tuổi trẻ, là những trái tim đập thổn thức vì đồng bào.

Không chỉ trong chiến tranh, trong tháng ngày chống chọi với dịch bệnh COVID-19 mà có lẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào, Lâm Đồng vẫn luôn là vùng hậu cứ của cả miền Nam. Và mai đây, vùng hậu cứ này sẽ càng vững vàng hơn khi con đường kết nối giữa Lâm Đồng với các tỉnh, thành phía Nam đang ngày càng thuận lợi. Bởi hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang trong giai đoạn mở đường lớn để phát triển và quyết tâm làm tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương nhằm mở hướng cửa ngõ phía Nam. Đồng thời, Lâm Đồng cũng thực hiện các tuyến đường kết nối khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương nối phía Nam tỉnh Lâm Đồng với TP Đà Lạt sau khi đấu nối vào đường cao tốc Liên Khương - Prenn. Điều này sẽ tạo bước đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Và tới đây, khi toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương đối ngoại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Lâm Đồng cũng như các tỉnh phía Nam. Và đó cũng là điều kiện thuận lợi và quan trọng để Lâm Đồng phát huy tốt nhất vai trò hậu cứ của miền Nam trong mọi tình huống.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/vung-vang-vung-hau-cu-39c1fcf/
Zalo