Vững vàng sứ mệnh thúc đẩy thương mại tự do

Liên minh châu Âu (EU) mới đây cam kết ủng hộ và đồng hành với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trên hành trình xây dựng một hệ thống thương mại quốc tế công bằng, tự do và minh bạch. Sự động viên này mang ý nghĩa lớn trong bối cảnh WTO phải đương đầu với hàng loạt sóng gió, nổi bật là áp lực cải cách toàn diện, cấp bách sau 30 năm phát triển.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chuyến thăm của Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại và An ninh kinh tế Maros Sefcovic tới trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sĩ diễn ra vào thời điểm đặc biệt của tổ chức này - tròn 30 năm ngày WTO chính thức hoạt động. Khẳng định ủng hộ các nỗ lực cải cách của WTO, ông Sefcovic nêu rõ, giống như các doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh ổn định để phát triển, hoạt động thương mại quốc tế cũng phụ thuộc vào các quy tắc cạnh tranh công bằng và minh bạch. Ủy ban châu Âu cam kết thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu ổn định, từ đó tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp EU.

Chuyến thăm cho thấy sự quan tâm đặc biệt của EU với tương lai của WTO. Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia khác đang chú ý. Bởi, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, các quy định của WTO dường như trở nên lỗi thời và vai trò của WTO trong duy trì ổn định thương mại quốc tế ngày một mờ nhạt, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Cách đây 30 năm, vào ngày 1/1/1995, WTO chính thức đi vào hoạt động theo Tuyên bố Marrakesh được ký trước đó tại Maroc. Trong 30 năm qua, WTO đã thực hiện tốt sứ mệnh là “thành trì” bảo vệ tự do và công bằng thương mại giữa các quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. WTO góp phần giải quyết các tranh chấp thương mại, hỗ trợ nhiều nền kinh tế đang phát triển hội nhập sâu rộng thương mại toàn cầu.

Không thể phủ nhận nỗ lực bền bỉ và những thành tựu đáng tự hào của tổ chức kinh tế quốc tế này. Phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm Ngày ra đời Hiệp định Marrakesh, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, nhìn lại ba thập kỷ qua, đã có hơn 1,5 tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Thành tựu này là sự hiện thực hóa những cam kết của WTO được nêu trong Hiệp định Marrakesh. Thương mại toàn cầu năm 2023 tăng gấp năm lần so với năm 1995, đạt hơn 30,4 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Hoạt động xuất khẩu từ các nước thu nhập thấp và trung bình được tăng cường, góp phần giảm đói nghèo.

Tuy nhiên, sau 30 năm, tâm lý hào hứng với các thỏa thuận thương mại tự do đang dần nhường chỗ cho chủ nghĩa bảo hộ. Khác biệt lợi ích giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển cản trở đạt đồng thuận về một số vấn đề thương mại. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã đưa các tranh chấp vượt khỏi phạm vi giải quyết của WTO. Kể từ cuối năm 2019, Mỹ ngăn chặn bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan Phúc thẩm của WTO, khiến nhiều vụ tranh chấp bị bỏ ngỏ. Loạt thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách phải cải tổ WTO.

Nữ Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala, người từng được kỳ vọng “thổi làn gió mới” cho tổ chức này, đã và đang thực hiện những cải cách để khôi phục lòng tin vào WTO, giữa lúc tình hình thương mại quốc tế có nhiều xáo trộn lớn do dịch bệnh, xung đột và lạm phát. Nhà lãnh đạo WTO khẳng định, cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Tổng Giám đốc của bà. WTO gần đây kết nạp thêm Comoros và Timor Leste, nâng tổng số quốc gia thành viên lên thành 166 nước; ra mắt quỹ trị giá 50 triệu USD để hỗ trợ nữ doanh nhân tại các nước đang phát triển nắm bắt những cơ hội do kinh tế số đem lại.

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của WTO, Tổng Giám đốc WTO tự hào khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, những cam kết mà tổ chức này đưa ra vẫn đang là “ngọn hải đăng” soi sáng các nước trên hành trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự ủng hộ và đồng hành của các nước là động lực để WTO tiếp tục cải cách, vững vàng gánh vác sứ mệnh xây dựng hệ thống thương mại đa phương minh bạch, tự do và công bằng.

TƯỜNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vung-vang-su-menh-thuc-day-thuong-mai-tu-do-post855317.html
Zalo