Vùng trồng đào cảnh lớn nhất Hải Phòng đìu hiu trước Tết

Trái với quang cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua, kẻ bán như mọi năm, dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, vùng trồng đào lớn nhất Hải Phòng ở quận An Dương đìu hiu do ảnh hưởng của bão Yagi và ngập lụt sau bão.

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ hơn 10 ngày, tại vùng trồng đào cảnh của phường An Hải (sáp nhập 2 xã Đặng Cương và Quốc Tuấn), quận An Dương, Tp.Hải Phòng, quang cảnh đìu hiu so với mọi năm.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, sau khi sáp nhập, phường An Hải là địa phương trồng đào cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán lớn nhất của Tp.Hải Phòng với diện tích khoảng 80ha. Mỗi dịp Tết, đào cảnh đem lại nguồn thu hơn 150 tỷ đồng.

Bão Yagi và ngập lụt kéo dài sau bão khiến 60ha trong tổng số 80ha đào cảnh ở phường An Hải mất trắng. Trong số 20ha còn lại, chỉ khoảng 50% cho hoa có thể bán hoặc cho thuê trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở tổ dân phố Lương Quy, phường Lê Lợi, quận An Dương, Tp.Hải Phòng, trồng lại đào cảnh trên diện tích bị thiệt hại do bão Yagi (Ảnh: Thái Phan).

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở tổ dân phố Lương Quy, phường Lê Lợi, quận An Dương, Tp.Hải Phòng, trồng lại đào cảnh trên diện tích bị thiệt hại do bão Yagi (Ảnh: Thái Phan).

Sau bão, cùng với chăm sóc diện tích đào còn sống sót, người trồng đào lặn lội lên khu vực trung du và miền núi phía Bắc chọn mua những gốc đào mới thay thế những gốc đã chết phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm sau.

Tại vườn đào của gia đình chị Hoàng Thị Hương, ở tổ dân phố Hòa Nhất, phường An Hải, quận An Dương, Tp.Hải Phòng, trong tổng số 300 gốc đào ghép và đào bonsai, sau bão Yagi chỉ còn vỏn vẹn 30 gốc.

Chị Hương chia sẻ, may mắn sau khi bão qua, thời tiết khá thuận lợi, nên cây đào cảnh sớm hồi phục và cho hoa đẹp hơn mọi năm. Mặc dù đào cảnh dịp Tết Nguyên đán này khan hiếm, nhưng để giữ mối hàng quen, gia đình chị Hương chỉ tăng giá khoảng 10%.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Chiến, ở tổ dân phố Tự Lập, phường An Hải, may mắn hơn khi 50 trong tổng số 200 gốc đào "vượt bão" Yagi thành công. Giống như gia đình chị Hương, để giữ mối hàng quen, gia đình anh Chiến chỉ tăng giá khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng trên mỗi gốc đào thuê có giá từ 5 - 10 triệu đồng.

Người trồng đào cảnh ở quận An Dương, Tp.Hải Phòng, đưa đào cảnh đi tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ (Ảnh: Thái Phan).

Người trồng đào cảnh ở quận An Dương, Tp.Hải Phòng, đưa đào cảnh đi tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ (Ảnh: Thái Phan).

Trước thực trạng này, để bù vào khoản cung thiếu hụt, nhiều hộ trồng đào ở phường An Hải, quận An Dương, Tp.Hải Phòng, mua đào cảnh từ khu vực trung du và miền núi phía Bắc về bán lại hoặc cho thuê để giữ mối hàng quen và lấy gốc để trồng cho vụ Tết sau.

Tuy nhiên, do giá mua cao cộng thêm chi phí vận chuyển, nên giá mỗi gốc đào cao hơn 1,5 - 2 lần so với những gốc đào được trồng tại vườn. Do sức mua chậm nên vùng trồng đào cảnh lớn nhất Tp.Hải Phòng đìu hiu thay vì tấp nập kẻ bán, người mua như mọi năm.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, bên cạnh thị trường đào cảnh,thị trường quất cảnh ở quận An Dương, Tp.Hải Phòng, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ cũng khá trầm lắng.

Mặc dù không chịu ảnh hưởng nặng nề như diện tích đào cảnh ở phường An Hải, diện tích quất cảnh ở phường Đồng Thái, quận An Dương, Tp.Hải Phòng, lâm vào cảnh quả nhỏ, xấu do gió bão làm trầy xước vỏ qua non, long gốc.

Trước tình trạng này, để giữ gốc cho vụ sau, nhiều hộ trồng quất cảnh ở phường Đồng Thái vặt quả xanh bán cho các quán ăn, nhà hàng để gỡ lại phần nào vốn bỏ ra.

Theo thông tin từ UBND quận An Dương, Tp.Hải Phòng, trên địa bàn hiện có tới gần 600ha diện tích hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão Yagi và ngập lụt kéo dài sau bão. Trong số này, có khoảng hơn 350ha đào cảnh, hơn 80ha quất cảnh bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc, chết do úng lụt.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vung-trong-dao-canh-lon-nhat-hai-phong-diu-hiu-truoc-tet-204250117131318414.htm
Zalo