Vững tin bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng

Bài 4: Ba thế mạnh - Một tầm nhìn được kết tinh từ ý Đảng, lòng dân

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông được hợp nhất thành 1 tỉnh mới, mang tên Lâm Đồng. Sau hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất và thuộc nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế hàng đầu cả nước. 3 tỉnh nay trở thành một thể thống nhất, cùng bổ trợ và thúc đẩy lẫn nhau trong cấu trúc phát triển mới. Từ Đắk Nông xuống Lâm Đồng, nối ra biển Bình Thuận - một hành lang chiến lược đang từng bước hình thành, mở ra hướng đi mới cho toàn vùng cao nguyên. Không chỉ dừng lại ở việc nối liền địa giới hành chính, quá trình hợp nhất đã mở ra một tư duy phát triển khác biệt – gắn kết vùng, liên kết nguồn lực, tổ chức lại không gian tăng trưởng – khởi nguồn từ một chủ trương lớn và một quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển mới.

Tái tổ chức để phát triển

Không có cuộc cải cách nào dễ dàng, càng không thể thuận lợi trọn vẹn khi liên quan đến bộ máy, con người và tổ chức cả hệ thống. Việc hợp nhất 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông là một bước ngoặt lớn, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống chính trị – xã hội – kinh tế và hành chính. Đây không chỉ là sự điều chỉnh về địa giới, mà là một phép thử về tư duy tổ chức, năng lực hành động và bản lĩnh chính trị của Đảng. Theo nhận định tại Dự thảo Đề án Sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một không gian phát triển lớn hơn, đồng bộ hơn. Khi quy mô dân số, diện tích và nguồn lực được gom lại, việc quy hoạch, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, điều hành phát triển vùng sẽ thuận lợi, thống nhất và hiệu quả hơn. Địa phương không còn bị chia nhỏ, phân mảnh trong chiến lược, mà có đủ điều kiện để bứt phá.

Một góc biển Bình Thuận. Ảnh: Đ. Hòa

Một góc biển Bình Thuận. Ảnh: Đ. Hòa

Về tổ chức bộ máy, đây là cơ hội để tinh gọn các đầu mối, tinh giản biên chế và lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất, phù hợp với yêu cầu mới. Ở góc độ kinh tế – xã hội, việc đầu tư tập trung, hệ thống hạ tầng đồng bộ, các thiết chế văn hóa – giáo dục – y tế được nâng cấp sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện. Không gian mới sẽ thu hút đầu tư mạnh hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng hợp tác, người dân có thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng sống. Những trụ sở dôi dư sau sáp nhập sẽ được quy hoạch lại, gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Quốc phòng – an ninh và trật tự xã hội cũng sẽ được tăng cường...

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm với điểm nhấn là “Tổ chức lại không gian phát triển, phát huy liên kết vùng, nâng cao năng lực nội sinh” đã trở thành kim chỉ nam cho quá trình sáp nhập. Đó không chỉ là cải cách bộ máy, mà là cuộc cách mạng về tổ chức phát triển – nơi bộ máy không chỉ tinh gọn, mà còn phải kiến tạo được sức bật mới, sinh khí mới cho từng vùng đất. Bình Thuận – Lâm Đồng – Đắk Nông, 3 tỉnh – 3 địa hình – 3 thế mạnh – một tầm nhìn. Đó là cấu trúc phát triển lý tưởng được tạo ra từ sự kết nối hài hòa: Lâm Đồng với lợi thế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái; Bình Thuận với biển, năng lượng tái tạo và logistics; Đắk Nông với tiềm năng khoáng sản, thủy điện, đất đai màu mỡ. Khi kết nối lại, 3 địa phương không chỉ bổ sung cho nhau về nguồn lực, mà còn mở ra không gian phát triển tổng thể – nơi cấu trúc kinh tế vùng có thể tái thiết ở tầm cao mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.

Kết tinh bản lĩnh - Mở ra kỳ vọng

Chủ trương hợp nhất 3 tỉnh không phải là một thử nghiệm. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích dữ liệu dân cư, hạ tầng, địa lý, văn hóa và hành chính. Việc lựa chọn 3 tỉnh có tính kế cận địa lý, tính hỗ trợ lẫn nhau về thế mạnh kinh tế, tính bổ sung về địa hình thể hiện rõ tư duy tổ chức chủ động, bài bản, khoa học. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, cùng sự phối hợp của 3 tỉnh, đã tạo nên một quy trình chặt chẽ, vững vàng, chuẩn mực về tổ chức Đảng và chính quyền. Đây chính là một biểu hiện rõ nét của năng lực lãnh đạo tổ chức của Đảng – không chỉ ban hành nghị quyết, mà còn tổ chức thực hiện đến cùng.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cả 3 địa phương trong việc triển khai công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy – từ chính trị, tư tưởng đến giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, người lao động. Việc các tỉnh chia sẻ, đoàn kết, thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình chuẩn bị chính là cơ sở, tiền đề vững chắc để triển khai thành công chủ trương lớn của Trung ương. Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, trong quá trình thực hiện sáp nhập, các địa phương phải bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên của bộ máy hành chính, không để xảy ra gián đoạn trong giải quyết công việc và phục vụ Nhân dân. Đồng thời, cần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội trong mọi tình huống.

Sau hợp nhất, Đà Lạt được xác định là trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới. Với vị trí trung tâm, hạ tầng khá hoàn chỉnh, là đô thị loại I có bề dày lịch sử, bản sắc văn hóa và năng lực tiếp nhận tổ chức hành chính cấp tỉnh; Đà Lạt không chỉ là trái tim cao nguyên, mà còn là đầu não tổ chức trong một không gian phát triển đa vùng. Điểm khác biệt lớn của mô hình tỉnh mới là khả năng quản trị không còn phụ thuộc quá nhiều vào khoảng cách địa lý. Chuyển đổi số, chính quyền điện tử, dữ liệu dân cư, dịch vụ công trực tuyến – tất cả tạo nên một cấu trúc vận hành “không biên giới”, nơi người dân ở Phú Quý hay Đắk Glong đều có thể tiếp cận dịch vụ như nhau. Đó là dấu ấn của một nền hành chính hiện đại, thông minh – được tổ chức bài bản dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Không gian phát triển mới không chỉ được vẽ lại trên bản đồ địa lý – mà được định hình từ tầm nhìn tổ chức của Đảng, từ sự đồng thuận của Nhân dân và từ hành động đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Việc hợp nhất 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông thành một đơn vị hành chính mới là bước đi mang tính chiến lược, phản ánh tư duy cải cách mạnh mẽ, bản lĩnh tổ chức và khát vọng phát triển vùng theo hướng bền vững, hiện đại. Đó không chỉ là một quyết sách đúng đắn, mà còn là kết quả của quá trình tổ chức chặt chẽ, lắng nghe, thuyết phục và đồng hành – để “ý Đảng” thực sự gặp “lòng dân”.

“Ý Đảng hợp lòng dân là sức mạnh lớn nhất”

Ngày 21/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã làm việc với Ban Thường vụ 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII, gắn với xây dựng văn kiện, sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác nhân sự.

Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Nhân dân đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập tỉnh, mở ra không gian phát triển mới, rộng lớn hơn - thể hiện rõ tinh thần “ý Đảng hợp lòng dân”. Đồng thời, biểu dương tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm chỉ đạo Trung ương của Ban Thường vụ 3 tỉnh; đến nay đã xác lập nguyên tắc, tiêu chuẩn chức danh, phân công - phân nhiệm rõ ràng. Phó Thủ tướng khẳng định Bộ Chính trị sẽ tiếp tục đồng hành chặt chẽ cùng các địa phương trong triển khai sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững.

Bài 1: Định hình tầm nhìn – Ánh sáng từ tư tưởng chỉ đạo của Đảng

Bài 2: Bình Thuận vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bài 3: Ý Đảng vững vàng – Lòng dân đồng thuận

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/vung-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-130432.html
Zalo