Vùng sầu riêng Monthong trên đất đồi ở Quảng Ngãi

Nhằm tăng giá trị kinh tế trên một diện tích đất nông nghiệp, nhiều nông dân ở Quảng Ngãi mạnh dạn chuyển đổi đất màu, đất trồng keo sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng. Kết quả ban đầu cho thấy, đây là một hướng đi khả quan.

Anh “khùng” phá keo trồng sầu riêng

Dạo quanh khu vườn sầu riêng xanh tốt nằm trên quả đồi thoai thoải, anh Nguyễn Tấn Hạnh (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) không giấu được niềm vui khi thấy thành quả lao động của mình đã đến ngày thu hoạch.

Vườn sầu riêng Monthong của anh Nguyễn Tấn Hạnh được trồng ở vùng đất trước kia từng chuyên canh cây keo.

Vườn sầu riêng Monthong của anh Nguyễn Tấn Hạnh được trồng ở vùng đất trước kia từng chuyên canh cây keo.

“Năm 2019, quả đồi này còn phủ toàn keo, cây đã được vài năm nhưng tôi quyết định chặt hết, chuyển sang trồng sầu riêng Monthong từ giống do huyện hỗ trợ. Tôi còn vay thêm cả trăm triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư vào đây. Hồi đó, ai cũng bảo tôi khùng điên vì không tin sẽ trồng thành công loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng ở vùng đồi keo”- anh Hạnh hóm hỉnh chia sẻ.

Nghĩ thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm, anh Hạnh lại gặp không ít khó khăn. Chưa từng có kinh nghiệm nên anh phải mày mò tìm hiểu từng chút về đặc tính và cách chăm sóc của sầu riêng để cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, ngã đổ.

Với người trồng sầu riêng như anh Hạnh, nỗi ám ảnh nhất là phải đảm bảo đủ nước cho cây. Nước thiếu hay thừa cũng đều khiến sầu riêng rơi hoa, rụng quả. Vậy nên những lúc nắng hạn kéo dài, giếng khô, suối cạn, anh phải gánh từng xô nước để tưới cho cây. Còn vào mùa mưa phải lo chống cây, chằng nhánh, che gốc.

Đặc biệt, sầu riêng nở hoa về đêm và rụng chỉ sau vài giờ. Do đó, việc thụ phấn tự nhiên (nhờ ong, côn trùng) chưa đạt cả về số lượng lẫn chất lượng quả. Vậy nên, mùa sầu riêng nở hoa cũng là lúc chủ vườn tất bật thụ phấn bổ sung cho hoa từ chập choạng tối đến nửa đêm.

Anh Nguyễn Tấn Hạnh hướng dẫn cách nhận biết thời điểm sầu riêng có thể thu hoạch.

Anh Nguyễn Tấn Hạnh hướng dẫn cách nhận biết thời điểm sầu riêng có thể thu hoạch.

“Năm nay thời tiết khắc nghiệt nên việc chăm sóc sầu riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên 40 gốc sầu riêng giống Monthong cho nhiều quả, đảm bảo chất lượng, sản lượng gần 1,5 tấn. Với giá bán tại vườn 70 nghìn đồng/kg, gia đình cũng có thêm khoản thu nhập khá”- anh Hạnh cho biết.

Ngoài sầu riêng, trên vườn đồi, anh Hạnh còn trồng xen sả, tiêu, cau để tăng thu nhập trên cùng diện tích. Sau trừ khi chi phí, dự kiến năm nay anh thu về khoảng 200 triệu đồng, giúp cải thiện kinh tế gia đình.

Mô hình nhiều hứa hẹn

Kế vườn của anh Hạnh là vườn sầu riêng Monthong của anh Hồ Nguyễn Duy Tân, cũng được trồng trên vùng đất từng trồng keo trước kia. 170 cây sầu riêng trong vườn của anh đã có những quả chín đầu tiên của vụ thứ hai. Ở ngọn đồi kế tiếp, gần 500 cây sầu riêng của ông Hồ Duy Trung đang hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn.

Gia đình anh Hồ Nguyễn Duy Tân thu hoạch sầu riêng Monthong.

Gia đình anh Hồ Nguyễn Duy Tân thu hoạch sầu riêng Monthong.

“Giống sầu riêng Monthong sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng đất đồi, dù quá trình chăm sóc vất vả nhưng đây là giống cây hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao”- anh Tân nói.

Huyện Nghĩa Hành được xem là “thủ phủ” cây ăn quả của Quảng Ngãi. Riêng sầu riêng, toàn huyện hiện có khoảng 200 ha. Giá cao và được thị trường ưa chuộng, sầu riêng là cây trồng giúp nông dân có thu nhập đáng kể. Dù cây bắt đầu cho quả ở năm thứ 5, nhưng giai đoạn cho năng suất cao nhất phải từ năm thứ 12 đến năm thứ 25.

Sầu riêng bắt đầu cho quả ở năm thứ 5.

Sầu riêng bắt đầu cho quả ở năm thứ 5.

Do đó, các nhà vườn chú trọng đến việc chăm sóc sầu riêng, từ thụ phấn bổ sung lúc cây ra hoa, đến việc triển quả và tính toán số lượng quả trên mỗi cành, nhằm đảm bảo cây có tuổi thọ cao, kéo dài thời gian thu hoạch.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân cho biết, riêng xã Hành Thiện có tổng diện tích trồng sầu riêng khoảng gần 40 ha, trong đó có khoảng 10 ha sầu riêng đã cho quả.

Đối với sầu riêng Monthong được trồng vùng đất đồi ở xã Hành Thiện, bước đầu cho thấy loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Sầu riêng Monthong ở Hành Thiện được đánh giá cao về chất lượng.

Sầu riêng Monthong ở Hành Thiện được đánh giá cao về chất lượng.

“Theo chủ trương của huyện tại các nghị quyết, cụ thể là dự án trồng cây ăn quả giai đoạn 2021- 2025, huyện khuyến khích chuyển trồng cây keo, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng ăn quả. Với sầu riêng, đây vẫn là cây trồng khá mới nên cần thời gian để phát triển nhân rộng. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế, phát huy tối đa lợi thế của sản xuất nông nghiệp”- ông Huân chia sẻ.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cũng thông tin, sắp tới sẽ thành lập các tổ về cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, chôm chôm để các nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và thị trường, cùng nhau phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả bền vững, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vung-sau-rieng-monthong-tren-dat-doi-o-quang-ngai.html
Zalo