Vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) không thiếu nước sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô

Ngày 21-4, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công chủ động triển khai thực hiện các phương án ứng phó hạn, mặn từ sớm, từ xa nên đến thời điểm này, hoạt động sản xuất và nước sinh hoạt phục vụ người dân trong vùng được đảm bảo.

 Mực nước trên các kênh rạch tại huyện Gò Công Đông khá dồi dào

Mực nước trên các kênh rạch tại huyện Gò Công Đông khá dồi dào

Theo Sở NN-MT tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống hạn mặn kịp thời nên công tác ứng phó và thích nghi với hạn, xâm nhập mặn của các địa phương đạt hiệu quả cao hơn so với năm trước.

Cùng với đó, hệ thống các cống Xuân Hòa, cống Bảo Định… cống dọc theo Đường tỉnh 864 đã phát huy tác dụng đảm bảo vận hành ngăn mặn và lấy ngọt trong điều kiện độ mặn cho phép, trữ trong nội đồng giúp các địa phương phía Đông đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.

Tại huyện Gò Công Tây, vụ Đông Xuân đã thu hoạch với diện tích 7.805 ha lúa cho năng suất đạt 6 - 7 tấn/ha, hơn 3.117 ha diện tích cây màu xuống giống đến nay đã thu hoạch gần 2.731 ha, sản lượng đạt gần 58.674 tấn, nước tưới tiêu, sinh hoạt phục vụ các xã vùng xa trên địa bàn huyện được đảm bảo.

UBND huyện Gò Công Tây đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện kiểm tra thông thoáng lòng kênh, rạch; Triển khai thực hiện Đề án phát triển hạ tầng thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Song song đó, ngành chức năng địa phương sẽ tăng cường các biện pháp phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 - 2025.

 UBND tỉnh Tiền Giang sẽ mở thêm các vòi nước công cộng cho người dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí

UBND tỉnh Tiền Giang sẽ mở thêm các vòi nước công cộng cho người dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí

Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, năm nay nhờ công tác chủ động ứng phó hạn, mặn từ rất sớm nên đến thời điểm này tương đối đạt hiệu quả. UBND huyện Gò Công Đông đã phối hợp với các đơn vị lắp đặt và mở 25 vòi nước công cộng tại các địa phương phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.

Về sản xuất nông nghiệp, vụ Đông Xuân, nông dân địa phương đã thu hoạch dứt điểm gần 8.759ha lúa với năng suất bình quân từ 6,5 - 7,5 tấn/ha. Rau màu, thực phẩm… đến nay đã xuống giống được 2.090ha, thu hoạch được 1.925ha với sản lượng 38.519 tấn.

Chính quyền các địa phương cũng khuyến cáo nông dân chủ động trữ nước ngọt trong ao mương vườn, sử dụng nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ cao thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ, lục bình ủ gốc cây giữ ẩm...

Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, đến nay, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đã giảm dần theo kỳ triều cường. Cống Xuân Hòa (trong vùng Ngọt hóa Gò Công) được vận hành lấy gạn nước. Tại Dự án Bảo Định, cống Gò Cát vận hành đóng, cống Bảo Định và cống Xoài Hột vận hành lấy nước. Riêng các cống trên Đường tỉnh 864 và Cống âu Nguyễn Tấn Thành vận hành lấy nước. Đối với dự án Phú Thạnh - Phú Đông, tất cả các cống vẫn đóng để ngăn mặn.

UBND tỉnh Tiền Giang sẽ mở thêm các vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để người dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí. Đây là giải pháp được tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện trong những năm qua để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương phía Đông trong mùa khô.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vung-ngot-hoa-go-cong-tien-giang-khong-thieu-nuoc-san-xuat-sinh-hoat-trong-mua-kho-post791713.html
Zalo