Vùng Đông Nam bộ: Bàn giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong phát triển

Cho rằng vùng Đông Nam bộ còn nhiều 'điểm nghẽn', nhất là về đầu tư hạ tầng, tại hội nghị vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An ngày 15-1, TP.Hồ Chí Minh đề xuất, trên cơ sở Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ. Các địa phương cũng đề xuất xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù dành cho vùng Đông Nam bộ để phục vụ phát triển.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng

Ngày 15-1, tại TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An. Tham dự hội nghị, về phía tỉnh Bình Dương có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của UBND TP.Hồ Chí Minh, triển khai thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam bộ có 10 nội dung phối hợp cấp vùng. Đến nay, vùng đã hoàn thành 6/10 nội dung, 3/10 nội dung hoàn thành một phần và 1/10 nội dung đang thực hiện. Đối với dự án trọng điểm đường Vành đai 3, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã phối hợp triển khai các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, TP.Hồ Chí Minh đã thu hồi 409/410 ha đất, đạt 99,8%; Bình Dương đã thu hồi 76/80 ha đất, đạt 86%; tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 63,7/65 ha đất, đạt 98%; tỉnh Long An đã thu hồi 48/48 ha đất, đạt 100%. Đồng thời, các dự án thành phần đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác dự án trong năm 2026.

Về hợp tác giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2024, có tổng cộng 11 nội dung phối hợp song phương; trong đó đã hoàn thành 5/11 nội dung, 6/11 nội dung hoàn thành một phần và đang tiếp tục thực hiện. Cụ thể, một số nội dung phối hợp trọng tâm đang được 2 địa phương triển khai là phối hợp triển khai các dự án thành phần của đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Bình Dương; đồng thời điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, thực hiện dự án nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 trên sông Sài Gòn...

Tại hội nghị, Bình Dương đã đề xuất hợp tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy của các trường đại học trên địa bàn nhằm hiện thực hóa Đề án phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia; nghiên cứu hợp tác phát triển các đề án ngành y tế, như: Xây dựng đề án thành lập Bệnh viện Đa khoa tuyến cuối tại tỉnh Bình Dương; hỗ trợ về nhân sự để bảo đảm triển khai thực hiện và vận hành khi dự án đưa vào hoạt động. Bình Dương cũng thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng...

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích các “điểm nghẽn” trong phát triển, nhất là về vốn đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh, để tạo lực phát triển cho toàn vùng cần thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hạn chế, yếu kém là do thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, chưa hiệu lực, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, cho biết có 2 vấn đề để đưa vùng Đông Nam bộ phát triển bứt phá trong thời gian tới đó là vốn đầu tư công, kế đến chất lượng dự án đầu tư nước ngoài tại các địa phương. Đây chính là những động lực chính để vùng có thể đạt mức phát triển 2 con số như kỳ vọng. Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đầu tư hạ tầng kết nối vùng sẽ tạo được những đột phá trong phát triển cho các địa phương. Vì vậy, việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng là cần thiết.

“Việc xây dựng quỹ trên cơ sở các quỹ đầu tư đang phát huy hiệu quả của từng địa phương để đóng góp nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng toàn vùng. Từ những cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/ QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội, thành phố đề xuất thành lập Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ”, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ tại hội nghị.

Phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã kiến nghị giải quyết một số vấn đề liên quan đến dự án giao thông kết nối giữa 2 tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, nghiên cứu phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; điều chỉnh quy hoạch ga đầu mối An Bình kết nối giao thông giữa 2 địa phương; thống nhất kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét điều chỉnh quy hoạch chức năng các ga đầu mối Bình Triệu và An Bình phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án và phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hiện Bình Dương đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến khởi công xây dựng ngày 2-2-2025.

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đoạn nút giao Bình Chuẩn (Bình Dương) đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: PHƯƠNG AN

Đối với dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chính Minh đang được các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Trên cơ sở thống nhất, Bình Dương tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được phê duyệt điều chỉnh đoạn 12km đường đô thị thành đường cao tốc để đồng bộ về quy mô, tiêu chuẩn trên toàn tuyến Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh...

“Bình Dương đang tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh, tăng cường kết nối vùng, tạo sức lan tỏa; phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; sớm giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông huyết mạch, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư trong khu vực. Bình Dương cũng đề ra một số định hướng trong đầu tư hệ thống giao thông trong giai đoạn tới, nhất là kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các cảng biển, sân bay quốc tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết.

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/vung-dong-nam-bo-ban-giai-phap-thao-go-diem-nghen-trong-phat-trien-a339943.html
Zalo