Vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% vào năm 2025

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%, thu nhập bình quân đầu người bằng 45% bình quân chung của cả nước.

Sáng nay (24/9), tại thành phố Tam Kỳ đã khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024 với sự tham dự của 250 đại biểu, thuộc 16 thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%, thu nhập bình quân đầu người bằng 45% bình quân chung của cả nước.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

Trong giai đoạn 2021- 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam có 58 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 9 xã khu vực I với 230 thôn đặc biệt khó khăn. Các dân tộc sinh sống theo từng làng, nóc, nghề nghiệp chủ yếu là chăn nuôi, làm nương rẫy, lúa nước, trồng cây công nghiệp và dược liệu.

Từ năm 2019 đến năm 2024, tỉnh Quảng Nam triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí đầu tư gần 12.780 tỷ đồng. Đáng chú ý, Nghị quyết số 12/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam. Theo đó, tỉnh Quảng Nam tập trung các nhóm dự án: Bảo vệ, phát triển kinh tế rừng; sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đại biểu dự đại hội.

Các đại biểu dự đại hội.

Từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình hạ tầng khác. Cả tỉnh đã chuyển đổi nghề; hỗ trợ đất ở cho 1000 hộ; thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 1.000 hộ dân.

Các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân miền núi được nâng cao. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bình quân là 6,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 24 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2019.

Quang cảnh đại hội.

Quang cảnh đại hội.

Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam có địa hình phức tạp, hiểm trở, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

“Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề sản xuất còn lúng túng, chưa có hiệu quả. Đồng bào dân tộc thiểu số chưa chủ động tích cực sản xuất kinh doanh để thoát nghèo, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước”.

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%, thu nhập bình quân đầu người bằng 45% bình quân chung của cả nước; nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 100%...

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại đại hội.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại đại hội.

Phát biểu tại đại hội, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, diện mạo nông thôn miền núi đã từng bước thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, mặc dù tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực này còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

“Tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm xuống còn dưới 15%, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 1,5 lần so với năm 2020. 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. 100% trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số đúng tuổi phải đến trường, không ai bỏ học giữa chừng vì điều kiện kinh tế. Bố trí kịp thời vốn và nâng cao hiệu quả giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia”.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vung-dong-bao-dtts-tinh-quang-nam-phan-dau-ty-le-ho-ngheo-duoi-15-vao-nam-2025-post1123648.vov
Zalo