Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá từ khâu 'then chốt': Đổi mới, tạo động lực từ cơ sở
Ðồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đã tạo ra luồng sinh khí mới trong phát triển toàn vùng. Ðảng bộ các địa phương đã coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Ðảng, tạo bước chuyển biến mới, đột phá trong phát triển.
Với mục tiêu, yêu cầu phát triển vùng và cả nước trong thời kỳ mới đòi hỏi các địa phương trong toàn vùng cần phát huy tiềm năng, lợi thế. Nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy các cấp đã tiếp tục tập trung vào khâu "then chốt" xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thực tế cho thấy, đảng bộ các địa phương đã coi trọng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiều chương trình, giải pháp mới, đồng bộ...
Từ vai trò cấp ủy, người đứng đầu
Theo tổng hợp, đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, từ việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ðảng, các địa phương trong vùng đã cung cấp thêm các luận cứ để hoạch định các đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Ðồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường.
Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng ở hạ nguồn sông Hậu với diện tích lên đến hàng nghìn ha, giàu tiềm năng, lợi thế phát triển. Tuy nhiên, chưa lâu, đây còn là vùng đất mà nguồn thu bị chi phối bởi thiên nhiên. Sản xuất ở bảy xã đảo của huyện cù lao này vẫn theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế theo mùa, tỷ lệ hộ nghèo cao. Mới đây, từ chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy Sóc Trăng, Cù Lao Dung được quy hoạch thành vùng du lịch sinh thái, từ đó đánh dấu sức bật mới trong phát triển của huyện đảo.
Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Lê Trọng Nguyên cho biết, trong lộ trình đó, vấn đề tiên quyết là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện từ Ban Thường vụ Huyện ủy đến các đảng ủy, chi ủy trong toàn Ðảng bộ. Tư duy lãnh đạo hướng mạnh vào mục tiêu coi trọng khai thác lợi thế sẵn có, biến tiềm năng thành lợi thế của vùng phát triển đặc thù. Theo đó, huyện hình thành các khu chức năng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái đa dạng ven biển. Bí thư Ðảng ủy xã An Thạnh 1 Võ Hoàng Long chia sẻ: Cùng với xu thế phát triển của toàn huyện, xã hiện có 1.320 ha cây đặc sản ăn trái, hình thành mô hình kinh tế miệt vườn gắn với du lịch.
"Kinh nghiệm từ Ðảng bộ Sóc Trăng cho thấy, để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh, trước hết phải từ đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong công tác, năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy các cấp", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Ðào nhấn mạnh.
Ghi nhận tại Ðảng bộ thành phố Cần Thơ, quá trình đổi mới việc xây dựng các chương trình, nghị quyết của Thành ủy theo hướng tập trung, tinh gọn, khả thi. "Thực tiễn cho thấy, quá trình nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp cần có cơ chế cụ thể gắn với trách nhiệm người đứng đầu; bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.
Thực tế cho thấy, Cần Thơ đã gắn liền cải cách hành chính với chuyển đổi số, loại bỏ các thủ tục dễ bị lợi dụng để tham nhũng. Thành phố này cũng kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những "điểm nghẽn, rào cản" phát triển.
Tại Cà Mau, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã thể hiện sự đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ thông qua quy chế, chương trình làm việc toàn khóa. Theo đó, HÐND, UBND tập trung thể chế hóa, bảo đảm thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tỉnh cũng sớm khắc phục sự hạn chế, bất cập trong công tác phối hợp giữa các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở nhiều địa phương. "Từ đó, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HÐND tỉnh", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại cho biết thêm.
Trước đây, Ðảng bộ tỉnh Cà Mau có tình trạng một số cấp ủy chậm tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hoặc làm chưa khoa học, đồng bộ. Nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh tập trung vào những nội dung quan trọng, cấp thiết, những việc nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và người dân đặc biệt quan tâm.
Qua kiểm tra, giám sát và đối thoại của các cấp ủy, người đứng đầu tỉnh kịp thời đề xuất, kiến nghị, chỉ đạo cấp có thẩm quyền giải quyết và xử lý vi phạm. Toàn tỉnh tập trung đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp gắn liền củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, các cấp ủy kịp thời phát hiện, khen thưởng, nhân rộng những điển hình có sức lan tỏa lớn phát huy sức mạnh công tác xây dựng Ðảng, chính quyền các cấp…
Về tổng thể, ba năm qua ghi nhận quá trình các tỉnh, thành phố vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, phát huy dân chủ và đồng thuận xã hội. Ðồng thời, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… Toàn vùng tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của Ðảng tập trung tạo thế và lực mới phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn…
Xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở
Thực tế cho thấy, các địa phương đã dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng từ cơ sở. Nhiệm vụ này xuất phát từ yêu cầu, mục tiêu phát triển cũng như từ thực tế những hạn chế, bất cập, yếu kém của nhiều cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng.
Trong đó, việc kiểm điểm, nhận xét, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên ở một số chi bộ, đảng bộ có mặt chưa thực chất. Một số cấp ủy, tổ chức đảng còn lúng túng, bị động trong việc vận dụng và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, pháp luật nhà nước vào cuộc sống. Từ đó, các cấp ủy thống nhất về nhận thức và hành động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ.
Ðảng bộ thành phố Cần Thơ đã lấy trọng tâm "Tăng cường xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh" làm chủ đề công tác năm. Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, Ðảng bộ thành phố tập trung nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức đảng, đảng viên; chú trọng các lĩnh vực, nội dung còn hạn chế.
Quá trình này, cấp ủy viên từ cấp tỉnh, huyện và xã được phân công theo dõi, tham mưu và chịu trách nhiệm với từng cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại cho biết, Tỉnh ủy coi trọng chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Ðảng. Ba năm qua, cấp ủy các cấp ở Cà Mau đã kiểm tra 956 tổ chức đảng và 1.831 đảng viên, trong đó có 618 cấp ủy viên; thực hiện giám sát chuyên đề 591 tổ chức đảng và 956 đảng viên, trong đó có 361 cấp ủy viên. Cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật 4 tổ chức cơ sở đảng và thi hành kỷ luật 370 đảng viên (có 91 cấp ủy viên), khiển trách 275 đảng viên, cảnh cáo 75 đảng viên, cách chức 14 đảng viên, khai trừ 6 đảng viên. Quá trình trên giúp toàn Ðảng bộ tăng cường duy trì nghiêm kỷ cương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng.
Tại huyện Ngọc Hiển, người dân cả nước về đây thấy ấm lòng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất mũi Cà Mau. Hiện, tổng đầu tư toàn xã hội đạt 3.000 tỷ đồng, tăng gấp bốn lần so với 10 năm trước. Bí thư Huyện ủy Phạm Chí Hải cho biết, thực hiện sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đảng bộ huyện triển khai chuyên đề nâng cao chất lượng sinh hoạt Ðảng, qua đó, các tổ chức cơ sở Ðảng đều chuyển biến tích cực. Kết quả nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, quản lý nhà nước của chính quyền các cấp tạo thế và lực để huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng mạnh phát triển kinh tế ven biển, năng lượng điện gió, du lịch… nâng cao đời sống nhân dân.
Tại huyện Trần Văn Thời, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Nhứt nêu kinh nghiệm, từ việc phân công cấp ủy viên phụ trách, cùng chịu trách nhiệm về năng lực, lãnh đạo và hiệu quả công tác của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Thực tế quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, đối phó thiên tai trên địa bàn thời gian gần đây được giải quyết kịp thời nhờ nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên. Bí thư Ðảng ủy xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Tô Hồng Chín nêu bật vai trò của cấp ủy cấp trên trong kiện toàn bồi dưỡng đội ngũ bí thư cấp ủy cấp xã và chi bộ thôn.
Tại Sóc Trăng, cấp ủy viên các cấp đã hình thành chế độ, tác phong công tác hướng về cơ sở, giải quyết vấn đề từ cơ sở. Tỉnh ủy có quy chế về trách nhiệm của cấp ủy viên cấp trên với tổ chức cơ sở Ðảng được phân công theo dõi, phụ trách. Qua đó, các cấp ủy đã chủ động, kịp thời kiểm tra, giám sát đột xuất, chú trọng những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, biểu hiện sai phạm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và những nơi có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, vấn đề bức xúc mà đảng viên, nhân dân quan tâm. Thông qua vai trò chỉ đạo của đội ngũ cấp ủy viên cấp trên, các tổ chức cơ sở đảng đã nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng.
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng Võ Văn Thơ cho biết, hằng năm, qua đánh giá, xếp loại, toàn Ðảng bộ tỉnh luôn đạt hơn 80% tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt hơn 80% và đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ dưới 1,5%.
Tại Hậu Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên bảo đảm thực chất. Qua quá trình thực hiện nghiêm công tác tự phê bình và phê bình, kết luận kịp thời những hạn chế, yếu kém, các cấp ủy coi trọng xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Ðảng. Ðồng thời, tỉnh tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy, bí thư chi bộ có đủ năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, khả năng tập hợp, quy tụ được cán bộ, đảng viên, nhân dân ở địa phương, cơ quan, đơn vị…
Thực tế khảo sát và báo cáo đánh giá cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc của các cấp ủy các tỉnh, thành phố toàn vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được đổi mới; tổ chức cơ sở đảng được củng cố, kiện toàn gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cùng với đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng được nâng lên đã tạo cơ sở chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ...
(Còn nữa)