Vùng đất Trần Văn Thời: Khô thì lún, mưa thì úng
Mới đây, hàng trăm hec-ta lúa ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị nhấn chìm trong nước. Tình trạng ngập úng khiến nông dân lâm cảnh mất trắng. Trong khi vài tháng trước đây, tại địa phương này liên tục xảy ra khô hạn, sụt lún bủa vây.
TRẮNG TAY VÌ NGẬP
Theo thống kê, tổng diện tích xuống giống vụ hè thu của tỉnh Cà Mau là 35.224ha, trong đó riêng huyện Trần Văn Thời là 28.954ha. Như các năm trước, người dân nơi đây kỳ vọng việc sản xuất vụ này sẽ được mùa, được giá nhưng trái lại là sự trắng tay.
Là một trong những nông dân bị thiệt hại nặng, ông Nguyễn Văn Cưng (ngụ ấp 5, xã Khánh Bình Đông) cho biết: “Gia đình tôi có 30 công lúa hơn 40 ngày tuổi nhưng mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều diện tích lúa ngập sâu, có nơi nước ngập trên 1m. Các bờ bao ruộng cũng chìm trong nước nên tôi không thể tự bơm thoát nước được. Do đó số diện tích lúa giờ còn chưa đầy một công, số tiền đầu tư hơn 20 triệu đồng giờ coi như mất trắng”.
Nhiều nông dân tại xã Khánh Bình Đông cho biết đã chủ động gieo sạ vụ hè thu ngay khi có vài cơn mưa đầu mùa. Tuy nhiên, do hạn kéo dài, mưa đến muộn và dồn dập đúng vào thời điểm lúa đẻ nhánh, khiến lúa không kịp phát triển dẫn đến ngập úng nặng nề. Mặc dù đã nỗ lực bơm nước và khơi thông dòng chảy nhưng không thể cứu lúa vì nước tràn vào từ nhiều phía.
Nhìn thửa ruộng mênh mông như mùa nước nổi, ông Nguyễn Việt Khởi (ngụ địa phương) cho biết: “Khi dòng chảy ra tới cống lớn thì bị ngăn lại, mỗi năm chỉ làm được hai vụ lúa nhưng vụ này nước ngập khiến lúa yếu đi, thiệt hại khoảng 50%. Nếu mưa cứ kéo dài thì nguy cơ mất trắng và lỗ vốn đang rất gần. Nhìn lúa thối rễ chết dần mà không làm gì được”.
Không riêng gì xã Khánh Bình Đông, tại xã Khánh Hải diện tích lúa của người dân cũng thiệt hại đáng kể. Bà Phạm Thị Chiên (ngụ ấp Khánh Hưng A) cho biết: “Mưa suốt mấy tuần qua, lúa bị chìm trong nước, bà con cùng nhau dùng máy bơm ngày bơm đêm, mỗi ngày tốn gần chục lít dầu mà ruộng vẫn ngâp sâu. Vụ lúa hè thu này xem như lỗ nặng”.
Ông Nguyễn Việt Khái (Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Những trận mưa lớn đã khiến lúa hơn 40 ngày tuổi của bà con ngập sâu, gây thối rễ và thiệt hại nặng nề. Hơn 570ha lúa hè thu của 452 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó hơn 260ha lúa đã bị thiệt hại trên 70%, phần còn lại bị thiệt hại từ 30% trở lên. Nguyên nhân chính là do các khu vực này nằm ở vùng trũng, không kịp bơm thoát nước vì hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện”.
Theo ông Khái, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín với 16 trạm bơm, công suất khoảng 600.000m³/giờ là giải pháp cấp bách để kịp thời bảo vệ mùa màng và ổn định đời sống nông dân.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công an TPHCM thời điểm tháng 3/2024, chỉ riêng tại huyện Trần Văn Thời có khoảng 60ha lúa vụ 3 bị ảnh hưởng do thiếu nước. Bên cạnh đó, địa phương cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do khô hạn, với khoảng 2.000ha lúa và 80ha rau màu giảm năng suất. Giá bán cũng bị ép vì sông cạn, đường hỏng, khiến ghe không thể vào được, nông dân phải thuê xe máy để vận chuyển lúa ra đường lớn.
Thống kê toàn huyện này đã xảy ra 407 vị trí sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 10.600m, làm hư hỏng hơn 7.700m đường bê tông và một số kết cấu hạ tầng nông thôn khác, thiệt hại ước tính hơn 13,7 tỷ đồng.
NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long), nguyên nhân xảy ra hiện tượng hạn gay gắt đến lún đất trong mùa khô và ngập úng ngay đầu mùa mưa ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời là khá đơn giản. Vùng này không phải là vùng ngọt tự nhiên mà là vùng ngọt hóa do đê bao khép kín. Vùng này là vùng hoàn toàn không có nước từ sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Lượng mưa ở Cà Mau là cao nhất ĐBSCL, lên đến 2.000mm/năm.
Trong điều kiện tự nhiên trước đây vùng này có chế độ mặn-ngọt theo mùa. Mùa mưa thì có nước ngọt từ nước mưa và sang mùa khô khi nước mưa bốc hơi dần thì nước trở nên lợ và mặn tăng dần. Theo đó, trong quá khứ người dân canh tác được một vụ lúa trong mùa mưa khi có nước ngọt, sang mùa khô thì đánh bắt tôm cá tự nhiên hoặc nuôi thủy sản nước mặn. Sau đó vùng này đã được ngọt hóa bằng công trình đê bao khép kín và hệ thống cống để ngăn mặn và trữ nước mưa lại.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hệ thống đê bao khép kín ngăn không cho nước từ bên ngoài vào thì cũng làm cho nước khó thoát từ trong ra, do đó những nơi trũng bị ngập nặng khi có mưa lớn. Hiện tượng ngập nặng kéo dài có khi cả tháng làm người dân điêu đứng ngay đầu mùa mưa đã lặp lại trong nhiều năm. Thế nhưng trong những năm vừa qua, mùa khô trong vùng đê bao khép kín ngọt hóa này lại bị hạn khốc liệt đến sụt lún đất, hư hại nhà cửa, đường xá, tê liệt giao thông nghiêm trọng. Hiện tượng này cũng đã lặp lại nhiều lần.
Sau khi vùng này được bao đê khép kín ngăn mặn-trữ nước mưa để ngọt hóa quanh năm thì nước mặn không còn vào được nữa. Gặp những năm thời tiết El Nino nắng nóng cực đoan, lượng nước mưa từ mùa mưa trước đã bị cạn kiệt ngay đầu mùa khô năm sau nên kênh nội đồng bị cạn kiệt, có khi đáy kênh cũng khô đến nứt đất thì đất bị co ngót, xẹp xuống làm cho sụt lún toàn bộ đất bên trong đê bao khép kín. Ở những nơi đắp đất làm đường giao thông ven kênh mương thì sự sụt lún càng mạnh hơn làm đứt gãy đường sá. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự ở vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang trong nhiều năm.
Theo ông Thiện, có thể thấy, hai hiện tượng trái ngược nhau, ngập úng trong mùa mưa, khô hạn khốc liệt trong mùa khô lại là cùng nguyên nhân: “đê bao khép kín để ngọt hóa, trái quy luật tự nhiên”. “Với tình cảnh mùa khô thường xuyên không có nước thì cũng không canh tác được gì và mùa khô quá nhiều nước thì lúa bị chết ngộp, xem ra việc duy trì vùng ngọt hóa trái với quy luật tự nhiên trong bối cảnh biến đổi ngày nay không có lợi về kinh tế. Đứng trước bối cảnh này chúng ta có hai chọn lựa đối với các vùng ngọt hóa gần biển xa sông này. Một là tiếp tục duy trì ngọt hóa để tiếp tục canh tác lúa và cây trái nước ngọt vào mùa khô, tiếp tục “chiến đấu” với mặn bằng công trình như đến nay. Hai là thực hiện đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 287/QĐTTg năm 2022 và công bố tháng 6/2022 tại Cần Thơ”, chuyên gia Thiện nhấn mạnh.
Ngoài ra chuyên gia này cũng cho rằng, nếu theo cách một, có thể thấy rằng cứ vài mùa khô sẽ có một lần những vùng này sẽ phải “oằn mình” chống hạn-mặn. Các công trình có thể ngăn mặn từ biển vào rất hiệu quả nhưng mặn và phèn từ dưới đất sẽ trồi lên. Trong những năm nắng hạn cực đoan thì việc ngăn mặn sẽ tạo ra sự khô hạn tuyệt đối vì không có nước mặn cũng không có nước ngọt kể cả cho sản xuất và sinh hoạt. Do đó đến mùa mưa thì xảy ra ngập úng gây chết lúa làm người dân điêu đứng.
Vậy đã đến lúc chúng ta cần đặt câu hỏi nghiêm túc rằng trong bối cảnh ngày nay, việc ngăn mặn-trữ ngọt ở những vùng ngọt hóa có còn khả thi không và có mang lại lợi ích gì nữa không? Đó là chưa kể bên trong các vùng ngọt hóa, nước bị tù đọng, ô nhiễm nặng nề, không còn tài nguyên thủy sản tự nhiên vốn rất phong phú trước đây.
Cách ứng phó thứ hai là thực hiện đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL mà Thủ tướng đã phê duyệt và công bố. Quy hoạch này đã được soạn thảo dựa trên nguyên tắc thuận thiên của Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017. Cụ thể quy hoạch này phân ĐBSCL thành 3 vùng: Vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan; vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đến là vùng chuyển tiếp, tức là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước lợ vào mùa khô. Đối với vùng này cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước lợ-mặn vào mùa khô để nước mặn-lợ là cơ hội chứ không phải là mối ám ảnh mỗi mùa khô nữa. Vùng sát ven biển là vùng mặn quanh năm thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm. Đối với những vùng ngọt hóa như Gò Công, Trần Văn Thời và một số vùng ngọt hóa khác nằm trong vùng chuyển tiếp thì sẽ chuyển đổi trở lại điều kiện luân phiên ngọt-lợ tự nhiên như trước đây sau thời hạn của kỳ quy hoạch này vào 2030.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, thực hiện đúng quy hoạch này thì không còn hiện tượng hạn ven biển nữa và không còn sụt lún hư hại đường xá mùa khô, ngập úng mùa mưa trong các khu ngọt hóa nữa. “Nhưng do các khu ngọt hóa này đã tồn tại nhiều chục năm, hệ thống canh tác và sinh kế của người dân đã phụ thuộc vào nước ngọt quanh năm nên việc chuyển đổi trở lại thuận theo mùa mặn-ngọt tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến sinh kế người dân và khó thực hiện ngay được. Vì vậy Nhà nước cần có động tác chuẩn bị ngay từ bây giờ để hỗ trợ người dân thực hiện cuộc chuyển đổi đó cho các vùng ngọt hóa. Dù muốn hay dù không thì thực tế trong các năm qua và trong các năm tới cũng sẽ chứng minh rằng việc chuyển đổi theo đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt là phù hợp thực tế”, thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.