Vùng cao xoay xở tìm… nước

Từ cuối năm 2024 đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh không có mưa. Dưới nắng đầu mùa hè gay gắt, nhiều nơi suối, hồ cạn trơ đáy, cây trồng chết khô; người dân đang gắng sức xoay xở tìm… nước.

Suối, hồ cạn trơ đáy, nhiều cây trồng bị chết khô

Mấy tháng nay, dòng suối Chả, xã Phong Vân (Lục Ngạn) cạn trơ đáy để lộ những viên đá cuội nằm ngổn ngang. Giữa tiết trời nắng nóng như rang của đầu hè, anh Vi Văn Giới cùng mấy người hàng xóm vẫn cặm cụi khoan giếng ngay giữa lòng suối Chả với hy vọng mong manh sẽ tìm được nước phục vụ sinh hoạt. Anh kể, từ sau bão số 3 xảy ra vào cuối tháng 9/2023 đến nay khu vực này không có mưa, các giếng khoan trong vùng đều cạn nước, suối cũng cạn trơ đáy nên anh phải đào thêm giếng mới ở ngay giữa lòng suối. Sau mũi khoan thứ tư chừng 7 mét thì thấy nước, mọi người vội vã lắp ống dẫn về nhà, vậy mà chỉ được vài thùng thì dòng chảy nhỏ dần rồi hết.

 Nhiều cây vải thiều của người dân xã Phong Vân (Lục Ngạn) bị chết.

Nhiều cây vải thiều của người dân xã Phong Vân (Lục Ngạn) bị chết.

Chỉ về 3 thùng đựng nước, anh Giới nói: “Trong ngày, gia đình tôi có 3 khẩu phải chia nhau dùng tiết kiệm chỗ nước này gồm cả ăn, uống, tắm, giặt”. Suối Chả nằm ngay đầu rừng phòng hộ. Bao năm qua, con suối này cung cấp nước sinh hoạt cho gần 100 hộ dân trong thôn, phục vụ tưới cho hàng chục ha cây trồng. Bà con lo lắng, nếu nửa tháng nữa trên vùng cao này không có mưa, nước từ giếng khoan cũng không còn thì không biết sẽ xoay xở ra sao?

Không riêng ở Phong Vân, quan sát trên các sườn đồi cao dọc tuyến đường từ xã Biên Sơn đi các xã vùng cao: Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn... lác đác xuất hiện cây vải chết khô, lá úa vàng, nhiều diện tích lúa, ngô của người dân cũng héo rũ vì ruộng khô cạn, nứt nẻ.

Bà Hoàng Thị Lộc, xã Tân Sơn lo lắng: “Năm nay vải thiều sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao, gia đình tôi hy vọng sẽ được mùa. Thế mà thời tiết nắng hạn khắc nghiệt đã khiến 50 cây vải trồng được gần 30 năm chết khô, những cây trên đồi cao không chủ động nước tưới đều có hiện tượng khô héo, quả non không phát triển”. Theo tổng hợp nhanh của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lục Ngạn, đến ngày 22/4, toàn huyện có hơn 5.600 ha cây trồng không chủ động được nước tưới, trong đó có 4.100 ha vải thiều và khoảng 1.500 ha cây trồng khác, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân vùng cao cũng như gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Thời tiết nắng hạn kéo dài cũng khiến người dân các xã trên địa bàn huyện Sơn Động chật vật vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Hàng trăm ha vải thiều, lúa, ngô, đỗ, khoai của bà con bị ảnh hưởng vì không có nước tưới bổ sung. Bao năm qua, hồ Khe Đặng cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 4 nghìn người dân thị trấn An Châu và một số xã lân cận, bảo đảm nước tưới cho hơn 100 ha cây trồng xã Vĩnh An. Mực nước giảm sâu, các máy bơm không đủ nước để vận hành liên tục, công suất bơm thấp nên cán bộ quản lý các trạm bơm nước phải tiến hành cấp nước luân phiên giữa các khu dân cư, vùng sản xuất.

Tình trạng này kéo dài nhiều tháng qua khiến nguồn nước sinh hoạt tại các khu dân cư không ổn định; người dân nơi đây phải mua nước đóng bình, đào giếng khoan hoặc tìm nguồn nước từ trong rừng tự nhiên cách xa hàng chục km dẫn về nhà. Hiện nay, các hồ chứa trên địa bàn huyện đều đang ở mức xấp xỉ mực nước chết. Một số người dân cho biết rất lâu rồi mới thấy tình trạng khô hạn như năm nay. Nhiều hộ đã bỏ ra hàng chục triệu đồng đào giếng, mua thêm ống dẫn nước mà vẫn thấp thỏm lo lắng, không biết sẽ duy trì được đến khi nào.

Ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nỗ lực chống hạn cho cây trồng

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 274 hồ chứa lớn, nhỏ và 203 đập dâng. Tính đến đầu tháng 4, dung tích bình quân các hồ chứa nước đạt 47% so với thiết kế (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024). Mặc dù vừa qua trên địa bàn tỉnh có mưa song chủ yếu tập trung tại thành phố Bắc Giang, lượng mưa tại các huyện, thị xã không đáng kể. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Giang, từ giữa tháng 5 trở đi, trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện từ 4 - 6 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 39 - 41 độ C. Do vậy, nếu không mưa, tình trạng khô hạn càng khắc nghiệt sẽ rất khó khăn cho đời sống và hoạt động sản xuất của người dân các xã vùng cao.

 Mực nước tại hồ Khe Hắng (Sơn Động) dần cạn kiệt.

Mực nước tại hồ Khe Hắng (Sơn Động) dần cạn kiệt.

Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương cùng người dân đang tìm mọi giải pháp chống hạn. Trước tình trạng này, các đồng chí lãnh đạo huyện Sơn Động đã kiểm tra tại các hồ chứa, vùng sản xuất và nắm bắt tình hình đời sống, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Nhận định khả năng nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị, người dân nâng cao ý thức sử dụng nước thật tiết kiệm, hiệu quả.

Trước mắt, huyện sẽ điều tiết theo hướng giảm nước tưới để ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho đến khi có mưa. Về lâu dài, huyện đang đề xuất tỉnh cho phép xây dựng hệ thống dẫn nguồn nước sạch từ khu vực Khe Rỗ để bổ sung nước sinh hoạt cho người dân các xã ở trung tâm huyện; kinh phí dự kiến khoảng 13 tỷ đồng.

Đối với diện tích cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều ở khu vực thiếu nước nghiêm trọng, bà con cần tập trung cắt tỉa nhằm hạn chế tình trạng mất nước của cây, ưu tiên chăm sóc để duy trì sức sinh trưởng. Lưu ý tưới bằng biện pháp tiết kiệm như: Tưới ướt - khô xen kẽ trên lúa; tưới nhỏ giọt, phun mưa cho cây ăn quả, rau màu… kết hợp với các loại phân bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng giúp cây tăng khả năng chịu hạn.

Hiện toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha vải thiều; gần 65 nghìn ha cây trồng vụ chiêm xuân, trong đó lúa chiếm hơn 45 nghìn ha. Hiện cơ quan chức năng chưa thống kê đầy đủ diện tích cây trồng không chủ động nước tưới song dự kiến số bị ảnh hưởng của nắng hạn khá lớn. Để bảo đảm ổn định sản xuất, hiện nay UBND các huyện như Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, thị xã Chũ đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, khoanh vùng những khu vực cây trồng bị khô hạn, thiếu nước.

Theo đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đối với diện tích cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều ở khu vực thiếu nước nghiêm trọng, bà con cần tập trung cắt tỉa nhằm hạn chế tình trạng mất nước của cây, ưu tiên chăm sóc để duy trì sức sinh trưởng. Sở cũng phối hợp kiểm tra vùng khó khăn về nước tưới, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến năng suất cây trồng để tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp chống hạn kịp thời.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/vung-cao-xoay-xo-tim-nuoc-postid416759.bbg
Zalo