Vùng cao Quảng Nam chuyển biến từ Chương trình xây dựng nông thôn mới
VOV.VN -Huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam giao thông hiểm trở, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện canh tác bất lợi. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện Nam Giang và các huyện miền núi từng bước thay đổi tích cực, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng được cải thiện.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một nhóm hộ ở thôn A Liêng, xã TaBhing, huyện Nam Giang mạnh dạn vay vốn chung tay cải tạo cánh đồng A Liêng. Từ một vùng đất hoang, cánh đồng A Liêng trở thành thung lũng với đồng lúa nước đẹp như tranh. Thế nhưng, do hiệu quả trồng lúa không cao, nhóm hộ ở thôn A Liêng quay sang đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo đen, hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ đường giao thông nông thôn thuận tiện, đồng bào Cơ tu vùng cao Nam Giang mạnh dạn đầu tư làm kinh tế.
Bà Coor Đới, trưởng thôn Pa Tôi, xã Tà Pơ cho biết, đất đai ở đây cằn cỗi, núi rừng bạc màu, đi lại khó khăn. Từ khi thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình giảm nghèo, đường nông thôn mở về tận thôn, công trình nước sạch suối Play, suối Rơ Rang đem nước về tận hộ dân. Có đường giao thông, nhà nào cũng mạnh dạn đầu tư trồng keo, nuôi heo đen, cải thiện thu nhập.
“Chương trình quốc gia nông thôn mới đã hỗ trợ cho đường rồi điện. Các loại hỗ trợ của chương trình nông thôn mới đã làm cho thôn mình trở thành thôn an lành, xanh sạch đẹp từ đường làng đến trong ngõ. Hơn 80% nhà cửa đã kiên cố là nhờ cấp trên giúp đỡ hỗ trợ. Còn đường sá, điện lưới hiện tại đã đạt chuẩn rồi, sân vui chơi giờ cũng đã có rồi”, bà Coor Đới nói.
Mặc dù không phải là xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang đã đạt được 15/19 tiêu chí. Hiện còn 4 tiêu chí chưa đạt đang được tổ chức thực hiện là tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất và tiêu chí về lao động. Với điều kiện của địa phương miền núi, để thực hiện 4 tiêu chí này là điều nan giải.
Ông Zơ Râm Thực, Chủ tịch UBND xã Tà Pơ khẳng định, xã Tà Pơ cố gắng thực hiện 4 tiêu chí còn lại và duy trì các tiêu chí đã đạt được.
"Năm nay xã Tà Pơ thực hiện tiêu chí lao động, chúng tôi tổ chức triển khai cho các em trong độ tuổi lao động đăng ký tư vấn để tham gia lao động tại các tỉnh thành phố, đặc biệt là triển khai xuất khẩu lao động tại Lào, chúng tôi đã vận động được 7 em. Các tiêu chí thì chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đăng ký với hiện. Chúng tôi vẫn duy trì các tiêu chí đã đạt và nâng chuẩn tiêu chí đạt để góp phần vào thực hiện các tiêu chí còn lại, đặc biệt là 2 tiêu chí hộ nghèo, giảm nghèo. Chúng tôi tập trung phát triển mô hình sản xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền”, ông Thực nói.
Huyện Nam Giang là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam với 8/10 xã có cùng đường biên giới với nước bạn Lào, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Với đặc thù của huyện miền núi, dân cư sống rải rác, cơ sở hạ tầng huyện Nam Giang chưa được đầu tư đồng bộ, địa bàn chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo cao…. Một bộ phận người dân chưa hiểu mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.
Ngay từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, huyện Nam Giang xác định từ chương trình sẽ loại bỏ dần những tập quán canh tác lạc hậu, xóa đói giảm nghèo, kinh tế phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với phương châm tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho người dân. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất của các dân tộc trên địa bàn. Đến nay, huyện Nam Giang đã đạt được 161/209 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, xã Tà Bhing đạt 18/19 tiêu chí, La Dêê đạt 17/19 tiêu chí, Đắc Tôi đạt 15/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.
Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho hay:“Trong nhiệm kỳ này, huyện quyết tâm thực hiện về đích 2 xã là xã Tà Bhing và La Dêê. Sau đó, qua khảo sát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thực hiện thêm xã Đắc Tôi. Do vậy, đã bổ sung vào Nghị quyết của Huyện ủy là phấn đấu trong nhiệm kỳ này, 3 xã về đích. Huyện cố gắng năm 2024 này, hoàn thành hồ sơ đề nghị cho 2 xã Tà Bhing và La Dêê”.
Hiện nay, đường giao thông nông thôn ở huyện Nam Giang cũng như các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được xây dựng kiên cố, bê tông hóa nối dài đến các xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương, phát triển kinh tế. Cơ sở vật chất điện – đường – trường – trạm cơ bản được hoàn chỉnh. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện, đổi mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và bảo đảm… góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới miền núi ngày càng khởi sắc.
Quảng Nam đặt mục tiêu, đến cuối năm 2025 có ít nhất 154/193 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiểm tỷ lệ 80%. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét, đạt mục tiêu theo từng nhóm xã, huyện, thôn. Trong đó, chú trọng các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2024; tập trung chỉ đạo, duy trì nâng chuẩn các xã, huyện đã đạt chuẩn Nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025; Tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, đây được xem như giải pháp trọng tâm đưa xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam cho biết, để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới.
“Bộ Tiêu chí của giai đoạn 2022-2025 cao hơn rất nhiều so với bộ tiêu chí cũ. Chính vì vậy, không chỉ chúng ta phấn đấu đạt được các tiêu chí đó mà các thôn trước đây đã được công nhận cũng phải được tập trung đầu tư để nâng chuẩn đảm bảo. Điều đó là hết sức khó khăn, trước hết để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự tham gia của mặt trận, của các tổ chức chính trị xã hội. Quan trọng hơn là sự tích cực chủ động của bà con nhân dân trong từng khu dân cư, nhất là các thôn ở vùng phía Tây, tỉnh Quảng Nam”, ông Lê Trí Thanh nói.