Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cần 'đi trước' trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ cùng với các tuyến đường bộ cao tốc, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cần đi trước, ưu tiên chuẩn bị triển khai sớm nhất các dự án thành phần của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, trung tâm công nghiệp, dịch vụ… theo hướng tuyến giao thông (TOD).
Ngày 31/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ chủ trì phiên họp lần thứ 5, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Quy mô kinh tế của Vùng ước đạt 1.765,1 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Hội đồng, tốc độ tăng GRDP của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024 dự kiến đạt khoảng 7,6%, cao hơn bình quân chung cả nước, xấp xỉ đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2030 (tăng bình quân 7-7,5%/năm).
Quy mô kinh tế của Vùng ước đạt 1.765,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,31% GDP cả nước, đứng thứ 3/6 vùng (sau vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng).
GRDP bình quân trong Vùng đạt 127 nghìn tỷ đồng/địa phương, bằng khoảng 70% bình quân chung cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng (GRDP/người) năm 2024 ước đạt 85,79 triệu đồng/người, tăng khoảng 10% so với năm 2023, bằng khoảng 74% bình quân chung cả nước và đạt 55% mục tiêu đến năm 2030 (156 triệu đồng/người).
Ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của 14 địa phương trong Vùng đạt 237.411 tỷ đồng, dự kiến đạt 98% so với thực hiện năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của Vùng ước đạt 58,77 nghìn tỷ đồng, đạt 66,32% bình quân chung cả nước (60,4%).
Trong năm 2025, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ xác định động lực phát triển là khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các địa phương tiếp tục tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển theo hành lang kinh tế Bắc- Nam, Đông-Tây; tập trung vào các hạ tầng giao thông, năng lượng, số, xã hội, thủy lợi, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội đồng bộ (giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao…); triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đi trước, ưu tiên chuẩn bị triển khai sớm nhất các dự án thành phần của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh năm 2025 là giai đoạn chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng 2 con số đầy thách thức và nêu một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT phối hợp với các địa phương đánh giá toàn diện công tác ứng dụng công nghệ, thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Hội đồng điều phối vùng, phục vụ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học tốt giữa các địa phương. "Đây là nhiệm vụ đã được đặt ra, "đã nói là phải làm", phải có người chủ trì, có tiến độ hoàn thành", Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thiết chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng trong hệ thống cơ quan hành chính, với cách tiếp cận liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp bảo đảm "hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả" khi giải quyết các "bài toán" của Vùng trong phát triển sản phẩm chiến lược, có khả năng cạnh tranh quốc gia, quốc tế; xác định dự án của vùng; phân bổ nguồn lực đầu tư; phân chia các tiểu vùng theo tiềm năng, không gian địa lý, văn hóa…
Trong năm 2025, các địa phương, cùng với Bộ Công Thương cần khẩn trương xem xét quy hoạch, lộ trình phát triển trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của quốc gia, gắn với các hệ sinh thái công nghiệp mới, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo.
Với thế mạnh di sản văn hóa, du lịch biển, các địa phương cần sớm tận dụng nguồn lực trung ương, địa phương để tạo ra các sản phẩm, chuỗi giá trị du lịch kết nối tự nhiên, văn hóa, di sản, lịch sử, giữa các vùng kinh tế-xã hội khác, "một điểm đến, nhiều giá trị".
Đối với hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng nêu rõ cùng với các tuyến đường bộ cao tốc, Vùng cần đi trước, ưu tiên chuẩn bị triển khai sớm nhất các dự án thành phần của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, trung tâm công nghiệp, dịch vụ… theo hướng tuyến giao thông (TOD). "Chúng ta cần xác định những khu vực xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật (giao thông, cảng biển, sân bay, logistics...) kết nối đồng bộ nội vùng, liên vùng và quốc tế nhằm phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng, lợi thế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.