Vun trồng, bảo vệ 'chiến binh khí hậu': Khoản đầu tư cần thiết cho tương lai
Theo đại diện UNDP, rừng ngập mặn được gọi là các 'chiến binh khí hậu,' góp phần đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và giúp gìn giữ một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn.
Rừng ngập mặn được xem là các "chiến binh khí hậu." Mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến cho thế hệ mai sau. Do vậy, không chỉ dừng lại ở việc trồng cây mà cần chăm sóc, bảo vệ để những cây xanh phát triển khỏe mạnh, mang lại lợi ích lâu dài cho tỉnh, góp phần cùng cả nước từng bước thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đó là thông điệp được đưa ra tại Chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ,” mừng xuân Ất Tỵ 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 4/2, tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.
Vun trồng cây xanh vì tương lai tươi sáng hơn
Chia sẻ tại sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) nhấn mạnh rừng ngập mặn được gọi là các "chiến binh khí hậu," góp phần đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và giúp gìn giữ một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn.
"Xác định tầm quan trọng đó, năm 2019, UNDP đã vinh dự được đồng hành và hỗ trợ tỉnh Thái Bình trong việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy. Việc chăm sóc và gìn giữ khu bảo tồn này là minh chứng cho thấy Việt Nam có thể theo đuổi tăng trưởng và phát triển kinh tế mà không phải hy sinh, đánh đổi môi trường," bà Ramla Khalidi nói.
Cũng theo bà Ramla Khalidi, đất ngập nước và rừng ngập mặn không chỉ là đơn thuần là cảnh quan thiên nhiên mà còn có vai trò huyết mạch trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển giảm thiểu tác động của các cơn bão và lũ lụt, là nguồn lưu trữ carbon để chống lại biến đổi khí hậu và nuôi dưỡng, gìn giữ các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học phong phú.
"Đối với hàng triệu người dân Việt Nam, các hệ sinh thái này rất cần thiết cho sinh kế của họ; cung cấp thực phẩm, nguồn nước và tài nguyên cho cuộc sống bền vững. Vì vậy, bảo vệ các hệ sinh thái này vừa là trách nhiệm chung vừa là khoản đầu tư quan trọng cho tương lai," bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cũng bày tỏ sự tự hào khi chương trình đã hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước và rừng ngập mặn ở Việt Nam nói chung. Các hoạt động hợp tác lâu dài của UNDP với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và các địa phương đã mang đến kết quả của việc trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn kể từ năm 2017, với kế hoạch trồng thêm 1.000 ha trong những năm tới.
Thông qua sáng kiến "Lời hứa khí hậu" (Climate Promise), UNDP đang hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu carbon rừng ngập mặn ven biển, để làm đầu vào quan trọng cho các chính sách về bảo tồn và ứng phó với khí hậu.
Bà Ramla Khalidi cho rằng sự kiện Tết trồng cây lần này đã nêu bật sức mạnh của việc hợp tác và đồng hành giữa các bên liên quan khác nhau - các cơ quan Chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội, khối tư nhân và cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di sản thiên nhiên của chúng ta. Các quan hệ hợp tác, đối tác này ở cấp địa phương là đặc biệt quan trọng để giúp mang lại các thành công trên thực địa. Chính những giải pháp toàn diện này là các nhân tố tạo ra tác động lâu dài.
"Những nỗ lực của mỗi thành viên cộng đồng sẽ giúp đảm bảo các thế hệ tương lai được thừa hưởng một môi trường lành mạnh hơn, có sức chống chịu tốt hơn. Tôi đặc biệt tự hào về các sáng kiến trao quyền cho phụ nữ và cộng đồng địa phương để họ trở thành những người đi đầu trong công tác bảo tồn," bà Ramla Khalidi nêu quan điểm.
Tuy vậy, bà Ramla Khalidi cũng lưu ý mặc dù đã có nhiều kết quả đạt được, song mỗi người có mặt tại đây đều nhận thức sâu sắc về những mối đe dọa liên tục đối với các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn, các nguy cơ xâm hại ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các khu vực ven biển, đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người. Do vậy, cần phải hành động.
"UNDP cam kết tiếp tục là một đối tác tin cậy của Việt Nam trong việc thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các vùng đất ngập nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hãy cùng nhau vun trồng hy vọng ngày hôm nay cho một ngày mai tươi sáng hơn," bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Cùng nhau củng cố "bức tường xanh" chắn sóng
Về phía địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng cho hay những năm qua, biến đổi khí hậu đã gây ra những thách thức to lớn đối với môi trường. Việc bảo vệ rừng, trồng cây và bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Hùng, cây xanh góp phần giảm khí thải nhà kính, điều hòa khí hậu, làm giảm lũ lụt, xói mòn và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, với cây rừng ngập mặn còn là bức tường xanh chắn sóng, phòng hộ ven biển bảo vệ an toàn hệ thống đê biển và cộng đồng dân cư ven biển.
Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2025 với chủ đề "Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta," thay mặt chính quyền tỉnh Thái Bình, ông Hùng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân hãy luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của các hệ sinh thái đất ngập nước trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo môi trường sống cho con người.
"Thiên nhiên đã tạo nên vùng đất ngập nước tại vùng ven biển tỉnh Thái Bình, với giá trị cao về đa dạng sinh học. Hiện tỉnh Thái Bình đã thành lập hai khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải), nơi đây là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới... Do đó, bảo vệ và phát triển các khu vực này là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng," ông Hùng nhấn mạnh.
Theo đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, mọi nhà, mọi người dân cần ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, cần tập trung bảo vệ các vùng đất ngập nước, trồng các loại cây phù hợp với các vùng đất ngập nước để nhanh hình thành và phát triển rừng; phải đẩy mạnh các phong trào trồng cây xanh, nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép.
"Trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến cho thế hệ mai sau. Do vậy, tôi kêu gọi toàn thể nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương hãy tích cực tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Ất Tỵ năm 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 tại tỉnh Thái Bình," ông Hùng nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo này cũng bày tỏ mong muốn không chỉ dừng lại ở việc trồng cây mà còn chăm sóc, bảo vệ để những cây xanh phát triển khỏe mạnh, mang lại lợi ích lâu dài cho tỉnh, góp phần cùng cả nước từng bước thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.
Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị đồng hành trao tặng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và nhân dân trên địa bàn 10.000 cây xanh gồm cây trang và cây bần. Đây là những cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất ngập nước này.
Tại Lễ phát động, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam Ramla Khalidi; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cùng đông đảo nhân dân huyện Thái Thụy đã trồng 300 cây trang và 1.000 cây bần.