Vui tết Chôl Chnăm Thmây

Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển, trong đó có gần 10% là đồng bào Khmer. Hằng năm, cứ đến giữa tháng Tư, đồng bào dân tộc Khmer lại rộn ràng vui đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Khmer. Nét đẹp văn hóa truyền thống này của người Khmer được duy trì, gìn giữ và tiếp tục lan tỏa, giao thoa với văn hóa các dân tộc tại Bình Phước trong nhịp sống hiện đại.

Đồng bào Khmer ở thành phố Đồng Xoài thực hiện nghi lễ dâng cây bông bạc đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại chùa Sreyvonsa, phường Tân Xuân

Đồng bào Khmer ở thành phố Đồng Xoài thực hiện nghi lễ dâng cây bông bạc đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại chùa Sreyvonsa, phường Tân Xuân

Lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc

Vào những ngày lễ, hội, nhất là tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, ghé thăm một phum, sóc bất kỳ nơi đồng bào Khmer sinh sống đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh nam thanh, nữ tú, già trẻ... say sưa trong điệu múa lâm thôn. Đặc biệt, vào ngày chính thức của tết, đồng bào Khmer tập trung múa lâm thôn thành vòng tròn, quanh mâm quả đón tết. Khi tiếng nhạc cất lên, mọi người cùng uyển chuyển bước chân theo nhịp điệu, di chuyển từng vòng. Họ say sưa với điệu múa từ bài hát này qua làn điệu khác. Nữ lượn 2 tay lên trước ngực thể hiện sự e lệ, nam dang rộng 2 tay về phía bên hông thể hiện sự mạnh mẽ, chở che cho bạn múa. Những điệu múa như vậy chỉ khi một tập thể cùng nhau hát múa mới tạo nên vẻ đẹp đặc sắc.

Chị Thị Bé Sen ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh chia sẻ: Tôi lớn lên trong lời ru, bài hát truyền thống của dân tộc mình. Ngay từ nhỏ, bà, mẹ và các chị luôn dẫn tôi đến các lễ hội, cùng tập và tham gia những điệu múa, hát của đồng bào mình. Từ đó, tôi càng yêu thích và nhuần nhuyễn các điệu múa. Ngày nay, không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày hội cùng với các chị em trong phum, sóc múa hát mà tôi còn tham gia đội múa lâm thôn biểu diễn cho khách phương xa đến tham quan. Bản thân rất vui khi đồng bào vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Kết bông bạc dâng lên Phật là truyền thống của đồng bào Khmer trong dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Kết bông bạc dâng lên Phật là truyền thống của đồng bào Khmer trong dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây không thể thiếu diễu hành dâng bông bạc lên đức phật cầu mong gieo nhiều phúc đức và người nhận bông bạc sẽ viên mãn trong quá trình tu hành. Do đó, trước ngày tết, mỗi gia đình có kinh tế khá sẽ tự kết cây bông bạc với các mệnh giá tiền khác nhau. Những hộ hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ chung sức với phum, sóc cùng kết một cây lớn tại nhà văn hóa để dâng lên đức phật. Bà Thị Be (65 tuổi) ở xã Lộc Khánh chia sẻ: Gia đình tôi không có điều kiện làm cây bông bạc riêng. Tôi đến nhà văn hóa, cùng các hộ dân khác góp tiền kết cây bông bạc chung của sóc để dâng lên phật. Tôi gửi gắm vào đó lời cầu nguyện may mắn, sức khỏe và bình an, một năm mới mùa màng bội thu. Tôi rất vui khi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

Đến Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, mỗi gia đình đồng bào Khmer đều gói bánh Tét để báo công và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa

Đến Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, mỗi gia đình đồng bào Khmer đều gói bánh Tét để báo công và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa

Ông Lâm Đay, Trưởng ấp, người có uy tín ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh cho biết: Với truyền thống bao đời, cứ đến ngày tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đồng bào trong sóc lại vui mừng gói bánh tét đón tết, mỗi nhà có khoảng từ 15-20 đòn bánh tét để báo công một năm no ấm, thuận hòa. Đặc biệt, phần hội với nhiều trò chơi dân gian luôn được đồng bào trong sóc hưởng ứng nhiệt tình cả ngày lẫn đêm.

“Cánh sen Khmer” rực rỡ ngát hương

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định hơn 1,3 triệu đồng bào Khmer là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Văn hóa của đồng bào Khmer, trong đó có các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống mang giá trị độc đáo, giàu bản sắc đã làm phong phú bức tranh văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam.

Trong những ngày tết, đồng bào Khmer trưng bày mâm cỗ gồm những sản vật thể hiện nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam

Trong những ngày tết, đồng bào Khmer trưng bày mâm cỗ gồm những sản vật thể hiện nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam

Mới đây, trong thư chúc tết Chôl Chnăm Thmây đồng bào Khmer, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ví cộng đồng dân tộc Khmer là một trong 54 cánh sen tạo nên bông sen Việt Nam rực rỡ, ngát hương và cần chăm lo, quan tâm đầy đủ. Do đó, mỗi dịp tết cổ truyền của đồng bào Khmer, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp đều thành lập đoàn đi thăm, tặng quà, chúc tết đồng bào. Tỉnh Bình Phước cũng đã thành lập nhiều đoàn đến thăm, tặng quà chúc tết chư tăng, phật tử đồng bào Khmer.

Lộc Khánh có 45% số dân là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Lộc Khánh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer. Dịp lễ, tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây, chúng tôi thành lập đoàn đến thăm, chúc tết chư tăng, phật tử ở chùa Sóc Lớn và 3 ấp đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Đến nay, tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vẫn được đồng bào Khmer gìn giữ nguyên vẹn giá trị. Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer đang được gìn giữ, lưu truyền, phục dựng để thế hệ sau kế tục.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171511/vui-tet-chol-chnam-thmay
Zalo