Vực dậy vùng lõi nghèo
Bằng sự quyết tâm, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bên cạnh những chính sách phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là sự chung sức đồng lòng của người dân, huyện nghèo A Lưới đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia năm 2024, vượt trước kế hoạch đề ra 1 năm. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và huy động khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, nhằm tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế cho người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, việc huyện A Lưới được công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia trước thời hạn 1 năm là cả quá trình nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân huyện A Lưới; đặc biệt là việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác tuyên truyền để người dân tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo cũng là một trong những tiền đề quan trọng để địa phương đạt được những kết quả trên.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với phong trào thi đua "Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Đây là thành quả và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, MTTQ các cấp và ngành lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua nguồn Quỹ "Vì người nghèo" và các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn…, góp phần tác động tích cực đến đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, Quỹ "Vì người nghèo" còn lồng ghép với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống, công trình dân sinh, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi... Qua đó, tạo thêm nguồn lực quan trọng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tích cực tạo việc làm, ổn định cuộc sống
Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Dự án 4 về "Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững" là một dự án riêng, trong đó, công tác xuất khẩu lao động được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm và đẩy mạnh.
Tính đến tháng 7.2024, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết việc làm cho 11.556 lao động, đạt 67,98% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024; trong đó, 618 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1.567 người, đạt 76,43% so với kế hoạch năm 2024; trong đó, có 55 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ cho khoảng 234 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với số tiền 555,640 triệu đồng (có 8 trường hợp thuộc hộ cận nghèo và 3 trường hợp thuộc xã bãi ngang ven biển).
Đặc biệt tại huyện A Lưới, đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 đã hỗ trợ hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới về sinh kế (trao bò giống, lợn giống và cây giống). Điển hình như mô hình nuôi trồng tuần hoàn của chị A Liêng Thị Hà, thôn Pơ Nghi 1, xã A Ngo. Nhờ được hỗ trợ con giống và nguồn vốn tín dụng chính sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, vợ chồng chị đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố, nuôi heo, gà, cá, trồng rau xanh, bầu, bí... Từ hộ nghèo, chị A Liêng Thị Hà đã vươn lên trở thành hộ điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Không chỉ riêng chị Hà, ở A Lưới đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ vươn lên thoát nghèo nhờ các mô hình sinh kế, hỗ trợ sản xuất từ Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719. Trong 2 năm 2022 - 2023, toàn huyện đã có 3.537 hộ thoát nghèo. Hiệu quả từ các mô hình sinh kế cũng giúp thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện tăng từ 27 triệu đồng/người (năm 2021) lên 35 triệu đồng/người (năm 2023).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định, nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 góp phần giúp huyện đạt mục tiêu thoát khỏi diện nghèo trước thời hạn. Thời gian tới, A Lưới sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo sinh kế cho bà con; hỗ trợ việc làm cho thanh niên, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng… với nỗ lực, quyết tâm cùng tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 326 tỷ đồng. Riêng ở huyện miền núi A Lưới đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho 3.750 ngôi nhà từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và từ các nguồn huy động khác.
Trong năm 2024, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã trích hơn 22 tỷ đồng từ Quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 4 công trình dân sinh; xây dựng mới, sửa chữa 550 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ vốn sản xuất cho 266 hộ nghèo.