Vựa rau Yên Bái tan hoang sau lũ.
Sau nhiều ngày chìm trong biển nước, cánh đồng trồng rau trên địa bàn xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái dần hiện ra với một màu xám xịt của bùn đất, cây trồng đổ gãy ngổn ngang.
Với diện tích hơn 150ha chuyên canh rau, xã Tuy Lộc là vùng trồng rau lớn nhất Yên Bái, cung cấp nguồn rau xanh cho địa bàn thành phố Yên Bái và các địa phương lân cận.
Sau 4 ngày ngâm trong nước lũ, hầu hết các loại rau đều ngập trong bùn non, bị úng, chết dần. Những bãi trồng ngô, bí đổ gẫy trong đất, khô héo.
Nhìn lại vườn cây trồng của mình trong cảnh tan hoang, bà Nguyễn Thị Lệ (ở thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc) không khỏi đau xót tâm sự, biết được rau nhà mình bị hỏng hết không cứu được nữa, nhưng nhà cửa giờ vẫn ngổn ngang bùn đất, chưa khắc phục xong. Năm nay nhà không còn gì nữa.
Theo người dân địa phương, không chỉ mất trắng về rau màu, một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn cũng thiệt hại nặng nề. Hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị dòng nước nhấn chìm, hiện nhiều xác động vật nằm la liệt trên cánh đồng, dọc bờ đê đang phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Phía cánh đồng đối diện xã Tuy Lộc, những vườn dâu, dong riềng... ở xã Y Can, huyện Trấn Yên cũng trơ trụi, úng nước.
Hàng trăm hecta hoa màu của người dân trong xã vùi sâu dưới lớp bùn, bà Nguyễn Thị Yến ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên chua xót thốt lên: Cả làng năm nay đói rồi.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Trình, Bí thư Đảng ủy xã Y Can cho biết, nước ngập mênh mông hết các cánh đồng suốt 4 ngày trời, cả xã có khoảng 150ha lúa, gần 80ha rau màu và hơn 145ha dâu tằm bị thiệt hại hoàn toàn. Một số nơi hiện vẫn còn ngập sâu, những chỗ nước rút chỉ còn lại bùn đất đỏ ngàu, cây cối héo úa, đổ rạp, có thể khẳng định thiệt hại gần như toàn bộ.
Đời sống của 90% người dân trong xã dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, với tình trạng này, cuộc sống của bà con trong thời gian tới sẽ rất khăn, ông Trình cho biết thêm.
Chưa bao giờ từng thấy mưa lũ ghê gớm như năm nay, nước sông Hồng dâng cao, chảy cuồn cuộn vào đồng. Toàn bộ diện tích trồng cấy hoa màu bị mất trắng. Từ giờ đến cuối năm, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình phải trông chờ vào đứa con trai đi làm thuê xa nhà, ông Nguyễn Văn Lịch (ở thôn Quyết Thắng, xã Y Cận buồn bã nói.
Theo thống kê của UBND tỉnh Yên Bái, tính riêng ngành nông nghiệp, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng 5.400 ha; 123.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 355 ha diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ...
Văn Đức - Phạm Trường - Viết Hà