Vụ xả súng ở Praha làm dấy lên lo ngại về luật súng đạn ở Séc
Vụ xả súng hàng loạt làm 15 người thiệt mạng, bao gồm cả đối tượng xả súng cùng hàng chục người bị thương tại Praha ngày 22/12, đã làm dấy lên các cuộc tranh luận xung quanh việc kiểm soát súng đạn ở Cộng hòa Séc.
Trước đó, ngay sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát Séc cho biết đối tượng được cấp phép sở hữu hợp pháp nhiều loại súng, điều này cũng làm dấy lên những lo ngại việc cấp phép sở hữu súng đạn ở Cộng hòa Séc khá dễ dàng ở EU.
Theo nhật báo Guardian, mặc dù vụ việc xảy ra hy hữu tuy nhiên trước đó đã từng chứng kiến có những vụ thảm sát tương tự, mặc dù mức độ không nghiêm trọng như lần này. Cụ thể, Séc từng chứng kiến các vụ xả súng hàng loạt vào năm 2015 và 2019, trong đó có vụ việc xảy ra vào năm 2015 ở thị trấn Uherský Brod khiến 8 người thiệt mạng, đối tượng cũng sở hữu hợp pháp một số loại súng đạn.
Theo báo cáo, vào năm 2020, Cộng hòa Séc, quốc gia có gần 11 triệu dân, có hơn 307.000 chủ sở hữu hợp pháp súng đạn, đa số những người sở hữu lấy lý do là lo ngại về mức độ an toàn và sử dụng để tự vệ.
“Quyền mua, giữ và mang súng” được công nhận trong luật về súng ống của Séc, trong khi việc sửa đổi hiến pháp được thực hiện đối với điều lệ về các quyền cơ bản gần nhất được thực hiện vào năm 2021 là đảm bảo về mặt pháp lý “quyền bảo vệ mạng sống của chính mình hoặc mạng sống của người khác bằng vũ khí”. Việc sửa đổi được thông qua sau khi một bản kiến nghị có chữ ký của hơn 102.000 công dân được tổ chức để phản đối đề xuất của Ủy ban Châu Âu nhằm hạn chế sở hữu súng trên toàn EU.
Trên tạp chí Time, trích dẫn dữ liệu của cảnh sát từ năm 2022, có hơn một triệu khẩu súng được đăng ký ở Séc. Các báo cáo nói rằng số lượng đơn xin cấp giấy phép sử dụng súng tại CH Séc đã tăng nhẹ kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Theo một số báo cáo, 195 trường hợp tử vong do súng đã được ghi nhận ở Séc vừa qua. Trong một báo cáo chưa đẩy đủ khác, năm 2018, tại Séc đã có 170 người chết vì súng đạn và năm 2017 là 174 người.