Vụ việc sữa giả: Lỗ hổng cần bịt kín

Vụ việc sữa giả cho thấy rõ sự lỏng lẻo trong công tác giám sát và xử lý vi phạm.

Từ tháng 8-2021 đến tháng 3-2025, Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất, tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả, thu lợi bất chính gần 500 tỉ đồng.

Các sản phẩm này nhắm đến đối tượng nhạy cảm như trẻ sinh non, người suy thận, phụ nữ mang thai, với thành phần công bố như tổ yến, đông trùng hạ thảo, nhưng thực tế không phải vậy. Đáng chú ý, các sản phẩm này được bày bán công khai trên thị trường suốt bốn năm qua, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự tồn tại của những "lỗ hổng, khoảng trống" trong công tác quản lý và trong các văn bản pháp lý .

Thực tế, đây là lỗ hổng trong công tác quản lý và hậu kiểm. Theo Nghị định 15/2018, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm sữa được phép tự công bố chất lượng mà không cần thẩm định trước.

 Sau khi có thông tin về vụ việc sữa giả, người dân mang đến trả đại lý để đòi hoàn tiền. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Sau khi có thông tin về vụ việc sữa giả, người dân mang đến trả đại lý để đòi hoàn tiền. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Trong số gần 600 sản phẩm giả, khoảng 10% được công bố tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, phần lớn còn lại tại Hòa Bình và các tỉnh khác. Việc hậu kiểm chủ yếu dựa vào chỉ tiêu do doanh nghiệp tự công bố, dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện sai phạm nếu doanh nghiệp cố tình gian lận.

Đáng lo ngại, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trong bốn năm qua đã kiểm tra, xử phạt 53 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng sữa, nhưng tổng số tiền phạt chỉ đạt 546 triệu đồng, và chỉ hai vụ được chuyển sang cơ quan điều tra. Điều này cho thấy sự thiếu hiệu quả trong công tác giám sát và xử lý vi phạm.

Thực trạng trên đặt người tiêu dùng vào thế yếu. Với bao bì tinh vi và quảng cáo rầm rộ, người tiêu dùng khó có thể phân biệt sữa thật - giả. Nhiều sản phẩm giả được bán với giá cao, từ 800.000 đồng mỗi hộp. Việc thiếu thông tin và công cụ kiểm tra khiến người tiêu dùng dễ trở thành nạn nhân của các sản phẩm kém chất lượng.

Tình trạng sữa giả tung hoành là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi hành động quyết liệt để bịt kín những lỗ hổng trong quản lý. Để ngăn chặn hiệu quả, cần triển khai đồng bộ các biện pháp sau:

Siết chặt quy định về công bố sản phẩm xem xét lại cơ chế tự công bố đối với các sản phẩm nhạy cảm, yêu cầu thẩm định trước khi lưu hành.

Tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm vi phạm. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe.

Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR hoặc blockchain để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm.

Nâng cao nhận thức cộng đồng tổ chức các chiến dịch truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng về cách nhận biết sản phẩm chính hãng và cảnh báo về các sản phẩm giả mạo.

Khi sữa - nguồn dinh dưỡng thiết yếu - bị làm giả, không chỉ sức khỏe mà cả niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý bị xói mòn. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần hành động quyết liệt để bịt kín những lỗ hổng trong quản lý, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

PGS.TS NGÔ TRÍ LONG - Chuyên gia kinh tế

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-viec-sua-gia-lo-hong-can-bit-kin-post845317.html
Zalo