Vụ việc người đàn ông đánh vợ mới sinh: Dấu hiệu tội phạm và những hệ lụy nhức nhối

Dư luận những ngày qua không khỏi phẫn nộ trước đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông liên tục có hành vi bạo lực với người vợ được cho là vừa sinh con được 5 tháng.

Mặc dù danh tính cụ thể của hai nhân vật chưa được xác nhận, nhưng những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đối với hành vi vũ phu này.

Trao đổi về vụ việc, luật sư - TS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, đây là hành vi bạo lực gia đình nghiêm trọng khi nạn nhân vừa trải qua quá trình sinh nở, cơ thể còn yếu ớt. Sự việc này không chỉ gây bất bình trong dư luận mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được làm rõ.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng chắc chắn sẽ vào cuộc xác minh để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt nếu kết quả xác minh cho thấy nạn nhân có thương tích hoặc hành vi bạo hành diễn ra nhiều lần với tính chất tàn ác thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự.

Pháp luật Việt Nam luôn đề cao việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Hành vi xâm phạm đến sức khỏe của đối tượng này bị coi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái, quyền trẻ em và trực tiếp xâm hại đến người mẹ. Những hành vi bạo lực gia đình như vậy không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh.

Hình ảnh người chồng đánh vợ mới sinh. Nguồn: cắt từ clip trên mạng xã hội

Hình ảnh người chồng đánh vợ mới sinh. Nguồn: cắt từ clip trên mạng xã hội

Trong trường hợp người vợ là nạn nhân có đơn đề nghị cơ quan điều tra xử lý hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra sẽ thụ lý, xác minh nguyên nhân, diễn biến sự việc và tiến hành giám định thương tích. Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích, nếu có đơn yêu cầu của bị hại, dù thương tích dưới 11%, người chồng vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi mang tính chất côn đồ.

Nếu không đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích, pháp luật vẫn có những quy định để xử lý hình sự đối với hành vi hành hạ vợ. Luật Hôn nhân và Gia đình nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực gia đình, đồng thời quy định nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ chồng. Tùy theo tính chất và mức độ, người có hành vi bạo lực có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 (tội cố ý gây thương tích) hoặc Điều 185 (tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình) của Bộ luật Hình sự.

Cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ nguyên nhân, diễn biến hành vi bạo lực, tần suất và mức độ tác động đến tâm lý, sức khỏe của người vợ để có đánh giá chính xác và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Nếu hành vi được xác định là đối xử tồi tệ, bạo lực xâm phạm thân thể đến mức phải xử lý hình sự, việc này không chỉ mang tính răn đe đối với người gây ra hành vi mà còn có ý nghĩa phòng ngừa chung cho xã hội.

Bên cạnh việc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan công an, người phụ nữ cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức phụ nữ, chính quyền địa phương để được hòa giải, can thiệp và bảo vệ. Các cơ quan đoàn thể cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc xác minh thông tin, hòa giải cơ sở và hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ và trẻ em khi có bạo lực gia đình xảy ra.

Sự phát triển của xã hội văn minh đòi hỏi mỗi người phải có cách ứng xử văn hóa, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình. Yêu thương, giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau không chỉ là đạo đức mà còn là trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn diễn ra do nhiều nguyên nhân như thiếu kỹ năng sống, ghen tuông, bất bình đẳng giới, sự thờ ơ của cộng đồng, tính gia trưởng, sự cam chịu của nạn nhân, áp lực cuộc sống và những mâu thuẫn kéo dài không được giải quyết.

T.Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-viec-nguoi-dan-ong-danh-vo-moi-sinh-dau-hieu-toi-pham-va-nhung-he-luy-nhuc-nhoi-169250411151608171.htm
Zalo