Vũ Trần Anh Thư: Bừng sống trong 'Ban mai thơm mắt nắng'
'Ban mai thơm mắt nắng' là tập thơ mới nhất của tác giả Vũ Trần Anh Thư, được viết theo một thể thơ cũng rất mới: thể thơ 1 - 2 - 3, trong đó nhan đề chính là khổ đầu tiên của bài thơ, chỉ có một câu; hai câu tiếp theo làm thành khổ thơ thứ hai; ba câu tiếp theo nữa làm thành khổ thơ thứ ba, cũng là khổ thơ kết.
Các khổ thơ không hạn chế về số chữ. Tuy vậy những phẩm tính nghệ thuật đặc trưng của thể thơ này, sự đồng điệu với tiếng Việt cũng như sức lan tỏa của nó trong cộng đồng sáng tác thơ hiện nay là điều tôi tạm chưa bàn đến. Nhưng với một tác giả nữ như Vũ Trần Anh Thư, tôi nhận thấy một điều khá thú vị: dường như thể thơ mới ấy đã cộng hưởng sức sống, “cái sống” trong Vũ Trần Anh Thư để làm thành một “bừng sống” ở tập thơ mới nhất này của chị.

Tác giả Vũ Trần Anh Thư.
Bừng sống toát ra từ bừng xanh, như chính bài mở đầu tập thơ:
“Xanh
Nàng mọc lên từ ngực cỏ
An nhiên xanh biếc ánh cười
Gương hồ xanh làn sóng tóc
Thảo nguyên xanh gió bờ vai
Dụ mùa về xanh môi mắt”
Ở đây, “xanh” là một tuyên ngôn về sống, cái sống tự nhiên như vốn dĩ trời sinh ra đã thế: “Nàng mọc lên từ ngực cỏ/ An nhiên xanh biếc ánh cười”. Trong bài thơ có sự so sánh cái đẹp của người phụ nữ với cái đẹp của thiên nhiên, nhưng mặt khác, nếu bỏ qua ngôi khách/chủ của phép ẩn dụ, có thể cho rằng tác giả đã bày ra cả một thế giới xanh. Cỏ xanh, thảo nguyên xanh, hồ nước xanh, làn tóc xanh, đôi mắt xanh, ánh mắt nụ cười xanh. Tất cả đều là xanh, đều nằm trong vòng tay ôm của cái sống miên viễn bất tận.
Nhưng nếu bừng sống không phải là bừng xanh thì sao? Thì sẽ là “Anh nghe tình trổ nhánh”, như Vũ Trần Anh Thư từng viết trong một bài thơ khác:
“Một phác thảo dịu êm
Anh tìm về tháng Giêng
Bung khuy áo sông Hồng gió xuân ngời ngợi
Cúc chi xỏa vai châu thổ
Nụ cười em rạng rỡ hoa đào
Anh nghe tình trổ nhánh”
Tháng Giêng, mùa xuân, thời điểm khởi đi của một năm cũng là thời điểm xuất hiện trở đi trở lại rất nhiều lần trong tập thơ của Vũ Trần Anh Thư, trong những không gian khá đa dạng. Riêng ở bài thơ này, tháng Giêng là điểm nhấn thời gian trên nền cảnh không gian bờ bãi sông Hồng, nó khiến cho không gian ấy trở nên đậm chất hoa tình (erotic), và đấy là bừng sống: gió xuân ngời ngợi tựa như sông Hồng phóng khoáng bung khuy áo, hoa cúc chi nở khắp như làm đẹp cho bờ vai châu thổ, hoa đào rạng rỡ như nụ cười người con gái đương xoan. Và đặc biệt: “Anh nghe tình trổ nhánh”, một cảm nhận khá tinh tế về sự bừng sống của thân thể, trong tiết xuân, khi được ngọn gió ái tình đánh thức.
Với Vũ Trần Anh Thư, sự bừng sống tình yêu, tình yêu đích thực, còn nằm ngay trong vương quốc của bóng tối im lìm, nơi tưởng như chỉ tồn tại những chứng tích của cái chết, của thời gian quá vãng. Bài thơ trong tập mà tôi sẽ dẫn lại dưới đây, thiết nghĩ không cần bình luận thêm nữa, bởi tưởng tượng của tác giả rõ ràng đã là một hiển ngôn về sự sống vĩnh cửu:
“Lặng ngắm cổ vật tàu Titanic ở Las Vegas
Không chịu ngủ yên lòng biển sâu
Thì thầm câu chuyện đắm tàu định mệnh
Có thể chiếc cúc áo này và chiếc nhẫn kim cương kia
Của cặp đôi tay trong tay khi chìm vào đáy biển
Họ mãi tìm nhau. Tôi tin cái chết chỉ chia lìa thực thể”
Tập thơ “Ban mai thơm mắt nắng” của Vũ Trần Anh Thư gồm 123 bài - khớp với thể thơ “1 - 2 - 3” mà chị đang thích thú theo đuổi, khai thác - thì trong đó có rất nhiều bài mà những cái tên/ địa danh được gọi ra, và từ đấy gọi ra cả những không gian đặc trưng.
Có Thủ đô Hà Nội với sông Hồng, cầu Long Biên, hồ Gươm, làng đào Nhật Tân, đường hoa ban Bắc Sơn..., thì đương nhiên rồi. Nhưng còn có Thái Bình, Hưng Yên, có núi rừng Đông Bắc và Tây Bắc. Có Cố đô Huế với sông Hương, thôn Vỹ Dạ, lăng Minh Mạng. Có Phú Yên với Tuy Hòa, núi Nhạn, gành Đá Đĩa. Rồi Đà Lạt và Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ... và nhiều địa danh nữa thuộc nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dựa vào đó, ta có thể nói rằng Vũ Trần Anh Thư là người đi nhiều, trải nghiệm nhiều, có nhiều cơ hội để đắm mình trong những cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, những kỳ quan kiến trúc độc đáo, những sinh hoạt văn hóa phong phú và những truyền thuyết lãng mạn ở khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước.
Đi, có lẽ đa phần là do yêu cầu của công việc thực tế. Nhưng với Vũ Trần Anh Thư, như những gì được thể hiện trong tập “Ban mai thơm mắt nắng” này, tôi mạnh dạn nghĩ rằng chị đi chủ yếu do “yêu cầu thơ”. “Yêu cầu thơ”, thật vậy, không hẳn là để sau đó về hùng hục viết và cho ra đời những bài thơ mang tính cách “hương xa xứ lạ” bằng được, mà đi là để có được cái cảm giác “sống thơ” một cách thật trọn vẹn, để chiêm ngưỡng sự bừng sống của ngoại vật ở mọi nơi và để tận hưởng sự bừng sống trong chính mình. Hãy đọc thử một bài “thơ miền núi” của chị:
“Tít tắp cao nguyên dẫn dụ đồng bằng
Thổ cẩm hoa văn xập xòe nếp váy
Nàng gùi nắng mật ong bát ngát nương đồi
Sắm vai thiếu nữ Mông
Rung reng rung reng đồng bạc hoa lúng liếng bước chân
Đọt chè thơm môi. Nụ cười cao nguyên lạc lối”
và đọc thử một bài “thơ hương xa xứ lạ” để thấy cái cảm giác chất ngất của chủ thể trữ tình trước sự bừng sống của ngoại giới hùng vỹ:
“Ngoạn mục hoàng hôn Grand Canyon
Dòng chảy Colorado nhẫn nại bào mòn cao nguyên
Trầm tích thời gian hiển lộ trác tuyệt đại vực
Nắng khảm mật lộng lẫy phiến đá già
Cổ thạch đẫm ráng chiều trầm mình dải ngọc
Cảm tạ ân tình triệu triệu năm ghềnh thác hư hao”

Tác phẩm mới của Vũ Trần Anh Thư.
“Ban mai thơm mắt nắng” tất nhiên nằm trọn trong cái khung trữ tình lãng mạn - cho dẫu thể thơ “1 - 2 - 3” là khá mới và lạ - nhưng tập thơ này vẫn có những phần “hiện thực” nhất định. Tôi muốn nói đến phần thơ có tên “Có thể nào cách ly cảm xúc”, gồm mười ba bài. Hiện thực ở đây là quãng thời gian đại dịch căng thẳng ngột ngạt chưa từng thấy, mỗi con người, không trừ ai, đều sống trong tâm trạng phấp phỏng lo sợ lưỡi hái tử thần sẽ đến với mình, gia đình mình, và bạn bè người thân bất cứ lúc nào.
Mười ba bài thơ của Vũ Trần Anh Thư viết về hiện thực ấy - mà cũng có thể là viết trong hiện thực ấy - đương nhiên không thoát khỏi tâm trạng ấy. Thế nhưng thơ chị vẫn bừng lên những khoảnh khắc sống: “Lích chích líu chíu/ Tàng xanh đáp xuống dàn đồng ca nhỏ nhắn xinh nâu/ Chíp chiu dịu vợi khoảng không gian âu lo”. Vẫn hy vọng và tin tưởng vào những tín hiệu sống tốt lành: “Một chấm xanh nhẹ rơi giữa nhịp sóng cồn/ Em vừa thả cỏ bốn lá đấy anh”. Vẫn ao ước những ao ước được sống, được làm đẹp rất dễ thương kiểu... chị em phụ nữ, khi đại dịch qua đi: “Rực rỡ váy không dây căng phồng gió biển/ Sóng tóc tự do bỏ quên bờ vai trắng/ Nhường mắt môi anh di trú bay về”...
Có thể nói, thơ thời đại dịch có không ít, nhưng đa phần, nếu không tuyên truyền ca ngợi thì cũng là thương cảm, an ủi hoặc động viên, vỗ về lẫn nhau. Thơ thời đại dịch mà mang cảm hứng như mười ba bài của Vũ Trần Anh Thư thật ra không nhiều.
Trong lời giới thiệu cho tập thơ “Ban mai thơm mắt nắng”, bài viết “Với chín chắn”, nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan có một nhận định: “thơ 1 - 2 - 3 này của Vũ Trần Anh Thư da diết hướng tới miền của những khoảnh khắc ngây thơ vẫn hàm ẩn xuyên qua tuổi trưởng thành mà có lẽ ai cũng đều từng nếm trải, đều muốn tái ngộ, khi này khi khác. Chẳng phải sự ngây thơ đã và vẫn luôn là một chân trời hay sao?”.
Chia sẻ quan điểm của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, nhưng tôi vẫn muốn khẳng định niềm tin của mình: “Ban mai thơm mắt nắng” của Vũ Trần Anh Thư - dù tác giả có thừa sự chín chắn hay đang cố hướng tới ngây thơ đã trải - là thơ đánh chìm mình trong cái cảm giác về sự bừng sống. Trong một thế giới đầy những hoang mang và lo âu như thế giới chúng ta đang sống, luôn được nếm trải cái cảm giác về sự bừng sống lúc nào cũng rất đỗi mới mẻ ấy, với nhà thơ, hẳn là một lạc phúc. Như bài thơ chị viết gần cuối tập:
“Những vệt sóng ngấn vào bình minh
Chưa có dấu chân trên cát sớm nay
Ngoài xa khơi lấp lánh ánh hồng ngày mới
Lớp lớp vân cát tinh khôi
Hồi hộp chờ sóng hối hả vuốt ve vội vàng về biển
Có chỉ dấu gì lưu lại dấu môi hôn?”.