Vụ TikToker lừa đảo: Khi trình độ, học vấn đặt nhầm chỗ!

Thật đáng buồn và bất ngờ với học vấn của TikToker Mr. Pips đã từng được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học danh tiếng ở Singapore, nhưng trình độ đó đã đặt nhầm chỗ.

Vụ án lừa đảo "lớn nhất Việt Nam" của Mr. Pips và Mr. Hunter

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin tức về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr. Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr. Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam, và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an Thành phố Hà Nội sau quá trình điều tra đã ra quyết định khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định 2.661 bị hại trong vụ án lừa đảo đầu tư chứng khoán do Nam (Mr. Pips) và Ngọ (Mr. Hunter) cầm đầu.

Dựa vào sự tin tưởng của người dân, đặc biệt là những người mong muốn đổ tiền đầu tư với hy vọng nhanh chóng làm giàu, sớm trở thành tỉ phú, hàng ngàn nhân viên thuộc nhóm lừa đảo của Nam và Ngọ đã làm việc rất "chuyên nghiệp" để có thể dẫn dụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản rất lớn của rất nhiều người.

Kịch bản của Nam và Ngọ được đánh giá là một kịch bản hoàn hảo bởi sức hấp dẫn và hiệu quả hơn nhiều nhóm tội phạm khác, điều này cũng khiến số lượng nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản càng nhiều.

1.000 nhân viên của Mr. Pips và Mr. Hunter đều được đào tạo kỹ lưỡng về phương thức tiếp cận, cách thức xây dựng lòng tin và kịch bản lừa đảo nhằm dụ dỗ người dân đầu tư. Tuy nhiên, trên tất cả là một trình độ ở mức "siêu lừa" đã khiến nhiều người tin tưởng và bị lừa.

"Mr. Pips" - Phó Đức Nam. Nguồn: IT

"Mr. Pips" - Phó Đức Nam. Nguồn: IT

Học vấn và trình độ của Mr. Pips đáng nể, nhưng tiếc thay...

Theo thông tin cho hay, Mr Pips có một khả năng Tiếng Anh lưu loát với điểm thi IELTS là 8.5 - một mức điểm rất cao, chưa kể Đức Nam còn nắm vững các kiến thức về tài chính, kinh tế. Vì vậy, tất cả "quy trình" kêu gọi đầu tư, "hút khách" do Nam cầm đầu đều được tính toán một cách cẩn thận, logic và hoàn hảo.

Được biết, sau khi tốt nghiệp THPT, Nam là một trong ba người trên thế giới được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học danh tiếng ở Singapore, chuyên ngành công nghệ thông tin.

Nhưng tiếc thay, trình độ ở mức "thượng thừa" ấy đã bị đặt nhầm chỗ. Trình độ học vấn, khi không được sử dụng đúng cách, mà lại phục vụ cho hành vi lừa đảo đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất niềm tin cho nhiều người và cả xã hội.

Kẻ lạm dụng kiến thức để thao túng niềm tin và tài sản của người khác không chỉ phá hủy lòng tin giữa con người mà còn làm xói mòn giá trị đạo đức.

Đến nay, trong vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố 26 bị can với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 bị can về tội "Rửa tiền", một bị can về tội "Không tố giác tội phạm", và một bị can về tội "Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có". Điều này đã khiến dư luận rất hoang mang, liệu còn bao nhiêu trường hợp tương tự, khi kẻ gian dùng trình độ và công nghệ cao để lừa đảo, sẽ còn rất nhiều người mất tiền và mất cả niềm tin, từ đó, các giá trị đạo đức trong xã hội sẽ bị "lung lay".

Liên quan đến vụ án này, đối tượng Lê Khắc Ngọ (tức Mr. Hunter), một trong ba kẻ cầm đầu, hiện đang ở nước ngoài. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Ngọ với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Với hơn 2.660 bị hại và trên 5.200 tỷ đồng bị thu giữ, đường dây "đào lửa" của Mr. Pips được Công an Hà Nội xác nhận là lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay về ngoại hối, chứng khoán.

Tuy nhiên, nhìn lại sự việc, những chiêu lừa đảo luôn đánh vào tâm lý ham làm giàu nhanh chóng của nhiều người. Khi được phơi bày trước ánh sáng, vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nhẹ dạ cả tin khi rót tiền vào các kênh đầu tư không rõ nguồn gốc.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-tiktoker-lua-dao-khi-trinh-do-dat-nham-cho-179241211225314554.htm
Zalo