Vụ TikToker Dưỡng Dướng Dường: Mạng ảo nhưng ghi lại bằng chứng thật
Từ một hiện tượng mạng, TikToker Dưỡng Dướng Dường đối mặt với trách nhiệm hình sự mà bằng chứng chính là những phát ngôn của anh ta trên mạng xã hội.
Không còn là chuyện mới, những “drama mạng” ngày càng nhiều trên các nền tảng số. Và mới đây, Mai Văn Dưỡng, chủ kênh TikTok “Dưỡng Dướng Dường” với gần một triệu lượt theo dõi bị khởi tố và bắt tạm giam vì những phát ngôn trên mạng của mình.
Nếu chỉ xét lượt xem trên Tiktok thì Mai Văn Dưỡng được gọi là người nổi tiếng trên nền tảng này. Được biết đến với những phát ngôn gây chú ý, nay Dưỡng bỗng chốc trở thành bị can hình sự. Điều này có thể gây bất ngờ với một số người hâm mộ của anh này, nhưng chỉ cần là những người có quan tâm đến các chính sách pháp luật thì dường như đây là cái kết đã được đoán trước.
Hiến pháp trao cho công dân quyền tự do ngôn luận nhưng hãy nhớ rằng khi thực hiện quyền này không được trái với các quy định khác của pháp luật. Dù thực hiện quyền gì thì cũng không được xâm phạm danh dự người khác, không được đưa thông tin sai sự thật, không được bóp méo, gài bẫy người khác để tạo nội dung. Điều này không chỉ là quy phạm pháp luật (như Điều 331 Bộ luật Hình sự), mà còn là một chuẩn mực đạo đức sống tối thiểu trong xã hội văn minh.
Thế nhưng, lướt qua các video cũ của Mai Văn Dưỡng, dễ thấy một mô-típ quen thuộc: chọn đối tượng cụ thể, công kích trực diện bằng lời lẽ mỉa mai, nhiều phát ngôn lấn ranh đến mức xúc phạm. Những video đó thường thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, vô số bình luận cổ vũ, thậm chí biến người đăng thành “người hùng mạng” trong mắt một bộ phận cư dân mạng yêu thích sự gay gắt... Ngồi trên sự tung hô ảo đó, anh ta đã lộng ngôn một thời gian dài trên mạng xã hội rồi cuối cùng nhận cái kết đắng.

TikToker Dưỡng Dướng Dường được biết đến với những phát ngôn gây chú ý.
Trong kỷ nguyên mạng xã hội, ai cũng có thể dễ dàng thể hiện mình, dễ dàng tiếp cận với phần còn lại của xã hội. Điều này mở ra cơ hội học tập, làm việc, kinh doanh với nhiều người, nhưng khi mà lằn ranh giữa đúng luật và sai luật không được hiểu rõ (hoặc cố tình sai phạm) thì các “phát ngôn viên” tự phong, các “kênh thông tin riêng” xuất hiện tràn lan, tạo nên tin giả, tin sai sự thật, gây mất an ninh trật tự, an toàn trên không gian mạng. Người ta dễ dàng công kích, thêu dệt, đấu tố nhau mà không cần kiểm chứng. Hệ quả là mạng xã hội đang trở thành nơi phán xét, chụp mũ và kết án thay cho tòa án.

Công an đọc lệnh bắt tạm giam bị can Mai Văn Dưỡng (TikToker Dưỡng Dướng Dường). Ảnh: CA
Để có thể giải quyết được vấn nạn này, nếu chỉ mình hành động của các cơ quan chức năng là không đủ mà chính những người dùng mạng xã hội phải là người tạo nên những nội dung sạch. Người xem phải biết chọn lọc thông tin, người làm content (nội dung) thì cần hiểu rằng, mỗi câu nói, mỗi dòng chữ tung lên mạng đều để lại dấu vết, và đều có thể trở thành bằng chứng trong hồ sơ tố tụng.
Và tất nhiên, lộng ngôn thì ắt phải trả giá đắt!