Vụ tát người khuyết tật: Một cái tát, nhiều hệ lụy pháp lý

Hành động tát người khuyết tật của thanh niên đi xe máy là không thể chấp nhận được, dù không gây thương tích

Mới đây, cộng đồng mạng phẫn nộ clip ghi lại người đàn ông bị tật nguyền di chuyển bằng xe lăn trên đường Hồ Văn Nhánh, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) thì bất ngờ từ phía sau có 2 người đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm lướt qua.

Hình ảnh ghi lại sự việc. Ảnh: Mạng xã hội.

Hình ảnh ghi lại sự việc. Ảnh: Mạng xã hội.

Tiếp đó, người ngồi sau xe đã dùng tay tát vào đầu người đàn ông đi xe lăn với thái độ đùa giỡn.

Clip thu hút hàng nghìn lượt xem, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội với thái độ rất bức xúc. Đồng thời mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vụ việc.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận hành động của thanh niên ngồi xe máy dù không gây thương tích, nhưng đã gây tổn thương đến nhân phẩm và danh dự của người bị đánh. Bởi người khuyết tật vốn đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, việc bị đánh không gây thương tích nghiêm trọng nhưng cũng là hình thức làm nhục nhất định.

Theo đó, tùy thuộc tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đầu tiên, căn cứ theo quy định tại điều 7 Nghị định 144/2021, người có hành vi "khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác" sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Hoặc sẽ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật liên quan đến luật an ninh mạng, mức phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào hành vi vi phạm.

Thứ hai, căn cứ theo điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội làm nhục người khác, khung khởi điểm nêu ra: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Bên cạnh đó, cấu thành tội làm nhục người khác có thể bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi đánh vào đầu người khuyết tật có thể cấu thành tội làm nhục người khác, đặc biệt nếu hành động này diễn ra công khai và gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho nạn nhân.

Về tình tiết người điều khiển giao thông, cụ thể là 2 người ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm thể hiện trong clip. Theo quy định hiện nay là xử phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

Ngoài ra, pháp luật cũng có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật. Luật Người khuyết tật 2010 tại điều 14 nêu ra những hành vi bị nghiêm cấm gồm; kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Hành vi đánh vào đầu người khuyết tật là hành vi không chỉ vi phạm quyền con người mà còn đi ngược lại với tinh thần bảo vệ và hỗ trợ người khuyết tật, đi ngược với giá trị đạo đức văn hóa... Các hành vi như vậy cần phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo vệ sự tôn trọng, quyền lợi và danh dự của người khuyết tật, nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội .

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vu-tat-nguoi-khuyet-tat-mot-cai-tat-nhieu-he-luy-phap-ly-196250218071931246.htm
Zalo