Vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình: Túi bùn trượt hay lỗ hổng chất lượng và trách nhiệm?

Sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình (tỉnh Tây Ninh) dấy lên nghi vấn về chất lượng thi công và trách nhiệm quản lý, giám sát

Ngày 12-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Hoàng Chương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, cho biết sau khi xảy ra sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình (xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), sở đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Tây Ninh xin ý kiến chỉ đạo. Hiện, sở đang phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra hiện trường vụ sụt lún, xác định vị trí, bề dày của lớp bùn để đưa ra phương án xử lý.

Túi bùn bị trượt (!?)

Theo Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, khoảng 4 giờ, ngày 11-5, tại khu vực đường dẫn cầu Hòa Bình xảy ra sự cố sụt lún nghiêm trọng khiến 1 ô tô chở 4 người và 2 xe máy chở 3 người đã rơi xuống hố. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh đến hiện trường điều tra nguyên nhân, đưa các nạn nhân bị thương đi cấp cứu và tổ chức phân luồng giao thông. Vụ việc khiến 5 người bị thương, trong đó có 3 người bị thương nhẹ đã xuất viện, 2 người đang được điều trị, theo dõi.

Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh kiểm tra hiện trường sau sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình khiến 5 người bị thương. Ảnh: SỸ HƯNG

Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh kiểm tra hiện trường sau sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình khiến 5 người bị thương. Ảnh: SỸ HƯNG

Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh khẳng định vị trí sụt lún là khu vực đường dẫn cầu Hòa Bình, dài khoảng 30 m, sâu khoảng 3 m, hiện tượng sụt lún xuất hiện sau khi cơn mưa kéo dài trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ tối 10 đến sáng 11-5. Qua đánh giá, nguyên nhân dự đoán là do túi bùn cục bộ nằm bên dưới đường bị trượt, gây sụt lún nền, mặt đường. Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh khẳng định hiện tại công trình chưa nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, dự án cầu Hòa Bình bắc qua kênh Sóc Hòa Hội, nối liền 2 xã Hòa Hội và Hòa Thạnh, huyện Châu Thành. Dự án có tổng chiều dài thiết kế 450 m, rộng 12 m, trong đó, chiều dài cầu là 39,3 m; chiều dài đường 2 bên đầu cầu là 410,7 m.

Công điện khẩn từ Bộ Xây dựng

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã có công điện về việc tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông… Riêng sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Sở Xây dựng Tây Ninh, các đơn vị liên quan tiến hành ngay việc phân luồng, bảo đảm việc đi lại, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Khẩn trương thực hiện các thủ tục để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, bảo đảm chất lượng công trình, báo cáo kết quả về cơ quan có thẩm quyền theo quy định...

PGS-TS Chu Công Minh, Trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết có đến 80% nguyên nhân gây sụt lún là do nền móng không vững. Điều này có thể xuất phát từ vấn đề áp lực tiến độ công trình, khiến quá trình khảo sát địa chất, thi công, đầm nén không tốt dẫn đến sụt lún. Để khắc phục sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình, PGS-TS Minh đề xuất phải gia cố lại móng, đắp lại mặt đường. Quá trình gia cố phải xử lý móng kỹ thông qua việc sử dụng cọc cát, giếng cát để đưa nước phía dưới lòng đất lên trên, tạo điều kiện cho các kết cấu đất, đá liên kết với nhau, tạo độ vững chắc cho nền móng.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho rằng sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình không chỉ do lỗi kỹ thuật mà còn là hậu quả của quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu cố ý làm trái. Về mặt pháp lý, luật sư Liên phân tích 2 khía cạnh: Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự, cá nhân liên quan có thể bị truy cứu theo điều 298 Bộ Luật Hình sự 2015 (tội vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng), với hình phạt lên đến 15 năm tù, phạt tiền từ 30-100 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề từ 1-5 năm.

Thứ hai, về trách nhiệm dân sự, chủ sở hữu, người quản lý công trình phải bồi thường thiệt hại (điều 605 Bộ Luật Dân sự 2015). Nếu người thi công có lỗi, họ phải liên đới bồi thường.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng cũng nghiêm cấm các hành vi như thi công khi chưa đủ điều kiện, chọn nhà thầu yếu kém, thi công sai thiết kế, nghiệm thu sai quy trình.

SỸ HƯNG - ANH VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vu-sut-lun-duong-dan-cau-hoa-binh-tay-ninh-tui-bun-truot-hay-lo-hong-chat-luong-va-trach-nhiem-196250512213638372.htm
Zalo