Vụ sập đường ở Tây Ninh: Đơn vị nào sẽ bồi thường?

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân của vụ sụt lún đường ở cầu Hòa Bình là do nền đất yếu, mưa lớn dẫn đến trượt ta-luy.

Liên quan đến sự cố sụt lún đường nghiêm trọng xảy ra tại đoạn đường dẫn lên cầu Hòa Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), một lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, nguyên nhân sự cố được cho là do đường dẫn lên cầu Hòa Bình được đắp cao trên nền đất yếu, nằm trên khu vực kênh rạch lớn, kết hợp với mưa kéo dài những ngày qua, đã dẫn đến tình trạng trượt ta-luy ở một bên đường dẫn lên cầu.

Vụ sụt lún khiến 6 người bị thương và đang được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh để kiểm tra, điều trị. Cạnh đó phương tiện gồm di chuyển tại thiểm điểm sụt lún đường gồm 1 ô tô và hai xe máy cũng bị hư hỏng nặng.

 Sự cố sụt lún đường dẫn lên cầu Hòa Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) khiến 6 người bị thương, phương tiện hư hỏng nặng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Sự cố sụt lún đường dẫn lên cầu Hòa Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) khiến 6 người bị thương, phương tiện hư hỏng nặng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc này, Luật sư Huỳnh Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trong trường hợp này phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm sức khỏe, tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi đáp ứng đủ ba điều kiện: Thứ nhất, có hành vi xâm phạm sức khỏe, tài sản, của người khác; Thứ hai, có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; Thứ ba là có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm, thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Cạnh đó, Điều 605 bộ luật dân sự 2015 cũng quy định bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Theo đó, chủ sở hữu, người được giao quản lý, sử dụng công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để công trình xây dựng gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Áp dụng trong trường hợp này, rõ ràng chúng ta đã thấy thiệt hại thực tế đã xảy ra (thiệt hại về tài sản, sức khỏe) và nguyên nhân dẫn đến hậu quả xuất phát từ việc khi làm đường đơn vị thi công gia cố nền đất chưa chắc, nền đất yếu khiến một đoạn đường dài sụt lún, phương tiện di chuyển trên đường gặp nạn. Đồng thời, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại (có mối quan hệ giữa thiệt hại và hành vi).

Như vậy áp dụng các quy định trên trong trường hợp này đơn vị được giao quản lý, đơn vị thi công tuyến đường này sẽ có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại gây ra. Trường hợp tuyến đường chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý thì đơn vị thi công sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

Mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được các bên có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết.

Cầu Hòa Bình vừa khánh thành ngày 25-4-2025, là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025–2030.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 37 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh và huyện.

Cầu bắc qua kênh Sóc Hòa Hội, nối hai xã Hòa Thạnh và Hòa Hội, được thiết kế dài 450 m, rộng 12 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực.

Dù theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 6-2025, nhưng công trình đã được đẩy nhanh tiến độ, bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 22-4, tức sớm hơn dự kiến khoảng 1,5 tháng.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vu-sap-duong-o-tay-ninh-don-vi-nao-se-boi-thuong-post849131.html
Zalo