Vụ sai phạm quỹ bình ổn giá xăng dầu: Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu

Doanh nghiệp nhiều lần bị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhắc nhở nhưng không khắc phục hậu quả. Hoạt động của công ty sau đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng, âm vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng, nợ thuế nên không có khả năng hoàn trả 317 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) về ngân sách...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố các bị can Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và Lê Thị Huệ, Kế toán trưởng doanh nghiệp này về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí..

Còn bị can Nguyễn Thị Ngọc Ánh, phụ trách Phòng Tổng hợp Công ty Hải Hà, bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

SAI PHẠM GÂY THIỆT HẠI HƠN 300 TỶ ĐỒNG

Theo kết luận điều tra, Công ty TNHH vận tải Thủy bộ Hải Hà có vốn điều lệ 454 tỷ đồng, với 8 chi nhánh tại các tỉnh, thành. Năm 2017, Công ty Hải Hà được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và sau đó được chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Công ty có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) để tham gia bình ổn giá xăng theo quy định. Để trích lập, doanh nghiệp cần mở tài khoản quỹ BOG tại ngân hàng thương mại, trích tiền trên cơ sở số lượng doanh thu bán hàng để nộp vào tài khoản BOG theo từng kỳ.

Trong thời gian từ năm 2017 đến thời điểm công ty bị rút giấy phép, tổng số tiền Quỹ BOG mà Công ty Hải Hà phải thực hiện trích lập là hơn 612 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi dụng việc nhà nước giao thu hộ tiền quỹ BOG, do cần tiền để phục vụ hoạt động kinh doanh, bà Mai không nộp 50 tỷ đồng đúng thời hạn. Bà Mai và Huệ còn rút hơn 266 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ BOG chuyển đến các tài khoản khác của Hải Hà Petro để thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu.

Doanh nghiệp nhiều lần bị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhắc nhở nhưng không khắc phục hậu quả. Hoạt động của công ty sau đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng, âm vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng, nợ thuế nên không có khả năng hoàn trả 317 tỷ đồng Quỹ BOG về ngân sách.

Ngoài ra, bà Mai đã giao Ánh và Huệ sử dụng 2 phần mềm kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh.

Trong đó phần mềm FAST phục vụ việc lên số liệu tổng hợp, báo cáo tài chính, thuế, kê khai nộp thuế. Phần mềm VISOFT để theo dõi hoạt động kinh doanh thực tế của công ty và các hệ sinh thái, nhằm để ngoài sổ sách một phần doanh thu bán xăng dầu thực tế.

Căn cứ bảng kê mua vào, bán ra, cơ quan điều tra xác định số lượng xăng A95-III bán ra, đã kê khai nộp thuế của Hải Hà là 150,5 triệu lít. Tuy nhiên tại phần mềm VISOFT lại xác định đã bán ra thực tế là 154,3 triệu lít.

Cơ quan điều tra kết luận, Hải Hà Petro kê khai không trung thực, để ngoài sổ kế toán không kê khai nộp thuế doanh thu bán hàng 3,8 triệu lít xăng A95-III, không nộp thuế bảo vệ môi trường tương ứng là 15,3 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, con trai của bà Mai tự nguyện nộp hơn 930 triệu đồng và hơn 1,8 triệu USD để khắc phục hậu quả.

CẦN CÓ QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO TÍNH THỰC TIỄN CỦA HOẠT ĐỘNG QUỸ BOG

Qua vụ án, Bộ Công an kiến nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định đầy đủ, cụ thể, đảm bảo tính thực tiễn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và quỹ BOG.

Kết quả điều tra cho thấy Công ty Hải Hà đã mở 5 tài khoản tiền gửi quỹ BOG. Hồ sơ mở tài khoản không có nội dung mục đích sử dụng làm tài khoản tiền gửi quỹ BOG, không thông báo cho các ngân hàng biết thông tin về tài khoản tiền gửi quỹ BOG.

Hồ sơ vụ án cho thấy Bộ Tài chính chưa xây dựng quy định, quy chế phối hợp với Bộ Công thương để phân công trách nhiệm trong việc quản lý quỹ BOG; chưa có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong quản lý quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.

Do vậy, giai đoạn từ năm 2017-2021, Cục Quản lý giá chỉ nhận được báo cáo của Công ty Hải Hà, không nhận được sao kê tài khoản ngân hàng nên chưa có thông tin đầy đủ để thực hiện việc giám sát hoạt động trích lập, sử dụng quỹ BOG của công ty. Từ năm 2022-2023, Cục Quản lý giá đã phát hiện công ty này không kết chuyển đầy đủ số tiền quỹ BOG và có 4 lần lập biên bản vi phạm hành chính và kiến nghị Thanh tra xử lý theo quy định.

Tài liệu thu thập thể hiện, năm 2017 công ty có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 10.750 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 257 tỷ đồng. Năm 2018, con số này lần lượt là 17.000 tỷ đồng, 268 tỷ đồng.

Từ năm 2019, tình hình kinh doanh giảm sút. Năm 2019 ghi nhận doanh thu 18.214 tỷ đồng và âm 223 tỷ đồng. Các năm 2020, 2021, 2022 đều ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 13.295 tỷ đồng; 22.174 tỷ đồng; 31.694 tỷ đồng song doanh thu đều ghi nhận số âm lần lượt là âm 781 tỷ đồng, 1.113 tỷ đồng, 2.048 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vu-sai-pham-quy-binh-on-gia-xang-dau-doanh-nghiep-kinh-doanh-thua-lo-am-von-chu-so-huu.htm
Zalo