VỤ QUẦN THẢO LÒNG SÔNG THẠCH HÃN: Tỉnh ủy Quảng Trị yêu cầu xử lý dứt điểm
Sau loạt phóng sự điều tra của Báo Người Lao Động về vấn nạn 'cát tặc' quần thảo lòng sông Thạch Hãn, Tỉnh ủy Quảng Trị đã yêu cầu xử lý dứt điểm
Tỉnh ủy Quảng Trị vừa có công văn gửi Đảng ủy UBND tỉnh, Công an tỉnh này về việc chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn.
Tổng lực truy quét
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép dọc 2 bên sông Thạch Hãn; kiên quyết xử lý các bãi tập kết cát, sỏi tập trung chưa được cấp phép, không đúng quy hoạch và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Đồng thời, chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Trị bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn, nhất là vào ban đêm nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
Ngày 21-5, thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết thực hiện kế hoạch của Công an tỉnh và chỉ đạo của Bộ Công an, đơn vị đang triển khai thực hiện đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ đất, cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Phòng CSGT tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng kiểm tra, rà soát, xử lý triệt để đối với tất cả các phương tiện thủy, bộ không đăng ký, đăng kiểm và các phương tiện hoán cải, lắp đặt thêm các thiết bị trái quy định; các phương tiện vận chuyển cát, sỏi không có hóa đơn, chứng từ và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi.
Theo thượng tá Trung, đơn vị này đã thành lập các tổ công tác để tuyên truyền, vận động, ký cam kết với các cá nhân, tổ chức có liên quan.
"Trước mắt, đối với những phương tiện hoán cải, lắp đặt các thiết bị hút, bơm cát mà không đăng ký, đăng kiểm thì chủ phương tiện phải tự giác tháo dỡ. Sau đó, đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm và không can thiệp" - thượng tá Trung khẳng định.

Người dân mưu sinh trên sông Thạch Hãn, đoạn qua huyện Triệu Phong - Gio Linh
"Cát tặc" tạm lắng
Trước đó, Báo Người Lao Động đã đăng loạt phóng sự điều tra "Quần thảo lòng sông Thạch Hãn" phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép đoạn qua TP Đông Hà, huyện Triệu Phong và huyện Gio Linh khiến tài nguyên thất thoát, làng mạc bị đe dọa, người dân mất dần sinh kế. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh, tình trạng này không những không chấm dứt mà còn diễn biến phức tạp.
Ông T.V.D (60 tuổi, ngụ huyện Gio Linh; làm nghề rớ chàn), người từng bất lực trước nạn "cát tặc" trên sông Thạch Hãn, hồ hởi chia sẻ thu nhập từ nghề rớ chàn của ông đã tăng lên sau khi tình trạng "cát tặc" tạm lắng. Không chỉ ông mà sản lượng tôm cá của nhiều bạn nghề khác đánh bắt được trên sông cũng nhiều hơn trước.
"Sau khi báo phản ánh, "cát tặc" đã dừng hoạt động trên sông Thạch Hãn, đoạn qua địa bàn. Việc đánh bắt tôm cá của người dân đã ổn định trở lại và thu nhập tăng lên rõ rệt nên ai cũng vui. Bà con chúng tôi cảm ơn Báo Người Lao Động đã lên tiếng để ngăn chặn, xử lý vấn nạn này" - ông D. nói.
Ông T.P (ngụ khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lương, TP Đông Hà) cũng thông tin nạn "cát tặc" hoạt động trên sông Thạch Hãn đoạn chảy qua địa bàn đã lắng xuống. Giấc ngủ của bà con khu phố đã "sâu hơn" vì không còn bị ảnh hưởng bởi tiếng động cơ hút cát suốt đêm. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh để cơ quan chức năng xử lý triệt để vấn nạn này" - ông P. nói.
Trong khi đó, ông H. (ngụ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) cho rằng cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn lâu dài, không để tình trạng này "chỉ lắng xuống một thời gian rồi hoạt động trở lại". Theo ông, nạn khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn cần phải xử lý triệt để vì nó không những ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà còn khiến các tuyến đê, kè dọc theo bờ sông bị sạt lở, làng mạc có nguy cơ bị đe dọa.
Trước đó, ngày 23-4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị kèm dự thảo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đơn vị này nhận định thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn có diễn biến phức tạp. Hoạt động này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân. Một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, đã phản ánh tình trạng này.
"Trước thực trạng trên, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh kính đề nghị UBND tỉnh xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm" - văn bản của sở này nêu.