Vụ phát hiện hang động đẹp ở Thanh Hóa: Mở rộng phạm vi cấm hoạt động khoáng sản
Liên quan đến việc phát hiện hang động đẹp ở Thanh Hóa, chính quyền địa phương vừa có ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi, ranh giới khoanh định khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại núi Đụn.
Ngày 27/11, thông tin từ UBND huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết, đơn vị đã có đề xuất ý kiến với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này về việc khoanh định khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại núi Đụn, xã Hà Long.
Theo UBND huyện Hà Trung, sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan đã khảo sát, lập báo cáo và thành lập bản đồ khoanh định khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại núi Đụn. Quá trình khảo sát, lực lượng chức năng xác định khu vực dự kiến khoanh định rộng hơn 7,2ha, bao gồm khu đất núi đá và một phần diện tích đất bằng, sát chân núi.
Qua khảo sát, Phòng Văn hóa - Thông tin và UBND xã Hà Long, huyện Hà Trung xác định khu vực đất bằng dưới chân núi Đụn hiện có xưởng sản xuất đá ốp lát, vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Tiến Thịnh và xưởng chế biến đá của Công ty TNHH VinaStone.
Nhận định, hoạt động chế biến, sản xuất của các xưởng, nhà máy nêu trên sẽ ảnh hưởng lớn tới cảnh quan, môi trường của khu vực núi Đụn và định hướng bảo tồn di sản, phát triển du lịch của địa phương. Do đó, UBND huyện Hà Trung đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh mở rộng phạm vi, ranh giới khoanh định khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác tại núi Đụn. Trong đó bao gồm toàn bộ diện tích các nhà máy, xưởng sản xuất, chế biến đá nêu trên.
Trước đó, báo Tiền Phong đã đưa tin, núi Đụn nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45km về phía bắc, thuộc địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung. Núi Đụn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ đá cho Công ty TNHH Tiến Thịnh từ ngày 22/12/2014. Tháng 4/2024, trong quá trình khai thác đá, doanh nghiệp phát hiện trong lòng núi Đụn có hang động.
Cơ quan chức năng xác định hang động có quy mô rộng, gồm 4 cửa thông nhau. Hang động này có nhiều nhũ đá tự nhiên với tạo hình kỳ thú, có mạch nước ngầm chảy ra di tích cấp tỉnh hồ Bến Quân, nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Hang động tại núi Đụn còn có nhiều di vật là đồ gốm thời tiền sử. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo dừng hoàn toàn hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực núi Đụn, để cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thủ tục khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản.