Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại Củ Chi: Cảnh báo về bạo lực học đường
Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, nhưng thời gian gần đây tiếp tục xảy ra và bộc lộ tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến bạo lực đôi khi chỉ là va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn tình cảm, nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội... Tuy nhiên, hậu quả để lại cho nạn nhân thật khó lường khi bị tổn thương về tinh thần, thậm chí không muốn đến trường và bị tổn hại thể chất.
Công an huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra vụ một nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng trên địa bàn gây xôn xao dư luận. Sau khi tiếp nhận hình ảnh từ đoạn clip ghi lại hình ảnh 3 cô gái dùng mũ bảo hiểm, tay chân đấm đá, hành hung nữ sinh 15 tuổi, Công an huyện Củ Chi đã triệu tập một số người liên quan đến trụ sở làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 27/9, mạng xã hội lan truyền clip về việc một nữ sinh bị 3 nữ sinh khác liên tục đánh vào mặt, đạp vào người; thậm chí có còn dùng cây đánh vào đầu, mặt của nạn nhân... Trong các đoạn clip này, nữ sinh bị đánh đã lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn không ngừng bị tấn công. Một cô gái còn dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu nữ sinh, hai người còn lại đè nạn nhân xuống đường dùng chân đạp vào đầu. Qua xác minh, sự việc xảy ra vào tối 30/8 ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi). Nạn nhân trong clip là nữ sinh N.N.B.H (15 tuổi, học lớp 10). Cơ quan chức năng xác định nhóm hành hung N.N.B.H gồm 3 người và 1 người quay clip.
Theo báo cáo của trường THPT Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), 2 trong số các đối tượng tham gia vụ ẩu đả trong clip lan truyền trên mạng xã hội là học sinh của 2 trường THPT Tân Thông Hội và THPT Quang Trung (cùng địa bàn huyện Củ Chi). Qua tường trình của học sinh, bước đầu nhà trường xác minh clip quay cảnh học sinh đánh nhau diễn ra ngoài khuôn viên của trường. Nguyên nhân là do mâu thuẫn từ trước. Một trong 3 đối tượng tham gia đánh bạn là T.N.Y.N (học lớp 11 tại trường THPT Tân Thông Hội). Ngoài ra, nhóm đánh bạn còn có một học sinh trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi).
Nhà trường cũng cho biết, trong quá trình học tập, nữ sinh T.N.Y.N từng vi phạm về nội quy như đi học trễ, nghỉ học không phép. Nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở, phối hợp gia đình giáo dục học sinh. Trước đó, học sinh này chưa có các vi phạm khác về đạo đức hay tham gia bạo lực học đường. Sau khi phát hiện sự việc lan truyền trên mạng xã hội, nhà trường đã xác minh, mời học sinh cùng gia đình phối hợp làm rõ vụ việc và báo cáo sơ bộ cho UBND xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi); đồng thời cử đại diện của trường phối hợp Công an xã Tân Thông Hội tiến hành điều tra. Sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, nhà trường sẽ giáo dục, xử lý vi phạm của học sinh theo quy định.
Chị N.T.T.T (SN 1984, ngụ ấp Tân Lập, huyện Củ Chi) chia sẻ, khi phát hiện con gái có biểu hiện bất thường, trên người có nhiều thương tích, tinh thần hoảng loạn, không dám đến trường, không dám nói chuyện với ai nên chị gặng hỏi thì N.N.B.H mới cho biết liên tục bị nhóm bạn đánh rồi quay clip đăng tải trên mạng xã hội. Do con gái đang hoảng sợ, không tập trung được chuyện học nên gia đình xin nhà trường cho nghỉ một năm để đưa về quê ổn định tinh thần. Ngoài trường hợp của N.N.B.H, được biết còn nhiều học sinh khác cũng bị nhóm này đánh đập nhưng vì lo sợ bị trả thù nên các nạn nhân đã chọn cách im lặng.
Trước tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, đầu năm học mới 2024-2025, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm hiệu quả, chất lượng Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên cần phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt, phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, UBND TPHCM giao Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND TPHCM tổ chức thực hiện kế hoạch; theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện kế hoạch và định kỳ báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TPHCM theo quy định; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Một luật sư cho biết, hành vi đánh bạn tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử lý theo quy chế nhà trường, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Theo đó, về xử phạt vi phạm hành chính, những học sinh đánh bạn có thể bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng khi thực hiện hành hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì học sinh đánh bạn có thể phải đối diện với trách nhiệm hình sự về tội "cố ý gây thương tích" tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu trong quá trình đánh nhau kèm theo hành vi chửi bới, xúc phạm có thể bị truy cứu thêm về tội "làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự.