Vụ nạo vét lòng hồ Núi Cốc: Khoáng sản chưa đấu giá đã đem bán

Dù khối lượng lớn khoáng sản được khai thác từ lòng hồ Núi Cốc chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng và chưa đấu giá, nhưng doanh nghiệp vẫn được khai thác mang đi bán.

Những số liệu thiếu kiểm chứng

Trong quá trình tìm hiểu thông tin dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi ghi nhận các sản phẩm chế biến, tiêu thụ ở đây chủ yếu là cát xây dựng. Hàng ngày, các tàu công suất lớn vẫn đều đặn khai thác cát, sỏi, cuội từ khu vực lòng hồ và được vận chuyển về bãi tập kết bằng tàu công suất lớn.

Các tàu vận chuyển khoáng sản khai thác từ lòng hồ Núi Cốc, đưa về bãi tập kết của Chi nhánh Công ty Đại Việt.

Các tàu vận chuyển khoáng sản khai thác từ lòng hồ Núi Cốc, đưa về bãi tập kết của Chi nhánh Công ty Đại Việt.

Theo ghi nhận của PV, các tàu này đa phần đều chở quá vạch dấu mớn nước quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trên boong tàu đa phần là cát, sỏi và đá cuội được tập kết lên bãi chứa tại xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên.

Sau đó, cát và sỏi 1x2 và 2x4 sẽ được phân loại, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Các loại sỏi, cuội khác sẽ được hệ thống dây chuyền nghiền cát công suất lớn hoạt động 3 ca/ngày để chế biến thành cát xây dựng.

Hiện, tại bãi chứa của Chi nhánh Công ty CP đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt tại Thái Nguyên (Chi nhánh Công ty Đại Việt) vẫn còn hàng trăm nghìn m3 cát được tập kết, chờ vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nhiều tàu chở hàng vượt quá vạch dấu mớn nước, có dấu hiệu quá tải trọng cho phép.

Nhiều tàu chở hàng vượt quá vạch dấu mớn nước, có dấu hiệu quá tải trọng cho phép.

Theo báo cáo của Chi nhánh Công ty Đại Việt, năm 2023, đơn vị này chỉ khai thác được 42.492m3 cát, trung bình mỗi ngày đơn vị này chỉ nạo vét, sản xuất được 118m3. Từ năm 2014-2023, đơn vị này cũng chỉ nạo vét, sản xuất được 367.000m3 cát, trung bình mỗi ngày cũng chỉ được 113m3.

Trao đổi về những con số trên, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Chi nhánh Công ty Đại Việt khẳng định: "Hàng ngày đơn vị đều tự thống kê số liệu để tổng hợp, báo cáo các sở TN&MT, Nông nghiệp và PTNT mà không phải cân đong, đo đếm, không bị kiểm tra nghiêm ngặt như các điểm mỏ khai thác khoáng sản khác.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong các ngày 20, 21, và 22/7, chúng tôi ghi nhận có khoảng 100 xe tải các loại đến Chi nhánh Công ty Đại Việt vận chuyển cát, sỏi. Trong số ít các xe thuộc loại nhỏ, đa phần còn lại là xe vận chuyển từ 23,5, - 26m3 và 28,5m3 cát/xe... Tổng khối lượng tiêu thụ lên đến hàng nghìn m3/ngày".

Phiếu bán hàng thể hiện các xe vận chuyển khối lượng lớn cát đi tiêu thụ trong ngày.

Phiếu bán hàng thể hiện các xe vận chuyển khối lượng lớn cát đi tiêu thụ trong ngày.

Ngày 26/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Trước đó, Sở TN&MT đã nhiều lần yêu cầu chi nhánh Công ty Đại Việt lắp đặt trạm cân để thống kê, đối chiếu sản lượng khai thác, tiêu thụ khoáng sản tại dự án trên.

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện. Sở đã đề nghị UBND TP Thái Nguyên kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Và Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, làm rõ số liệu khai thác, tiêu thụ khoáng sản tại dự án trên để xử lý nghiêm theo quy định".

Tận thu khoáng sản nhưng không qua đấu giá

Được biết, ngày 26/8/2014, từ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư của Công ty CP đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho doanh nghiệp trên.

Dây chuyền chế biến cát công suất lớn tại hồ Núi Cốc của Chi nhánh Công ty Đại Việt.

Dây chuyền chế biến cát công suất lớn tại hồ Núi Cốc của Chi nhánh Công ty Đại Việt.

Quyết định nêu rõ: Mục tiêu đầu tư là nâng cao tuổi thọ, tăng dung tích hồ chứa nước công trình hồ Núi Cốc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Tận thu cát, sỏi và một số sản phẩm khác trong quá trình nạo vét làm vật liệu xây dựng...

Dự án có tổng diện tích 1.452,33ha; công suất nạo vét là hơn 11 triệu m3, được thực hiện trong 15 năm. Trong đó, 5 năm đầu là hơn 3 triệu m3, 10 năm cuối là gần 8 triệu m3.

Lãnh đạo Chi nhánh Công ty Đại Việt và Sở NN&PTNT quả quyết: "Dự án trên được thực hiện theo phương thức lấy thu, bù chi. Khi khai thác được khoáng sản, doanh nghiệp được phép đem đi bán ngay, hưởng toàn bộ số tiền thu được. Hàng tháng, đơn vị này chỉ có trách nhiệm kê khai sản lượng để nộp các khoản thuế, phí liên quan đến khoáng sản, tài nguyên, môi trường...".

Phương tiện vận chuyển cát từ Chi nhánh Công ty Đại Việt đi tiêu thụ nhưng không được cân tải trọng, xác định khối lượng vận chuyển.

Phương tiện vận chuyển cát từ Chi nhánh Công ty Đại Việt đi tiêu thụ nhưng không được cân tải trọng, xác định khối lượng vận chuyển.

Trước câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư, cho phép nạo vét lòng hồ, tận thu khoáng sản theo đề nghị của doanh nghiệp liệu có khách quan, đúng quy định, ban đầu ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho rằng: "Việc nạo vét trên chủ yếu thu được đất đá, bùn thải, rất ít khoáng sản".

Tuy nhiên, khi được PV cho biết, các loại đất đá, bùn thải trên vẫn là khoáng sản, vẫn được doanh nghiệp vận chuyển, đưa đi tiêu thụ, thu siêu lợi nhuận. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra lại cụ thể để thông tin, làm rõ các nội dung liên quan.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung vụ việc trên, lãnh đạo Sở TN&MT tại tỉnh giáp với Thái Nguyên cho biết: "Tỉnh Thái Nguyên cho phép tận thu khoáng sản trong quá trình nạo vét lòng hồ Núi Cốc là sai quy định. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị mới đây của Bộ TN&MT được tổ chức tại tỉnh Phú Yên.

Theo đó, các đại biểu và lãnh đạo bộ đều thống nhất, khoáng sản thu gom được tại các dự án nạo vét hồ đập, bắt buộc phải được đưa ra đấu giá công khai trước khi tiêu thụ. Hiện nhiều tỉnh cũng đã áp dụng phương pháp quản lý trên, không có chuyện doanh nghiệp được phép tự ý đưa đi tiêu thụ".

Bãi tập kết rộng hàng chục ha chứa đầy cát sau chế biến tại Chi nhánh Công ty Đại Việt.

Bãi tập kết rộng hàng chục ha chứa đầy cát sau chế biến tại Chi nhánh Công ty Đại Việt.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: "Từ thông tin Báo Giao thông phản ánh cho thấy, trong dự án này có hoạt động khai thác cát, sỏi thông qua việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Vấn đề này có liên quan đến luật khoáng sản, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép hoạt động nạo vét lòng hồ phải phù hợp với luật khoáng sản".

Trong đó, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định, khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Chỉ được khai thác khoáng sản khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải được thăm dò khoáng sản để đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực.

Tình trạng nạo vét, khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản khiến hồ Núi Cốc luôn trong tình trạng đục ngầu.

Tình trạng nạo vét, khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản khiến hồ Núi Cốc luôn trong tình trạng đục ngầu.

Đặc biệt, trong quy trình khai thác khoáng sản, trước tiên cần thực hiện thủ tục thăm dò theo quy định của Luật Khoáng sản. Sau đó căn cứ vào trữ lượng để có kế hoạch để khai thác, tổ chức đấu giá và doanh nghiệp trúng đấu giá hoàn tất các thủ tục hành chính để khai thác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trước đó, trong các ngày 24 và 25/7, Báo Giao thông đã đăng tải các bài viết: "Xe quá tải phục vụ nạo vét lòng hồ Núi Cốc, Thái Nguyên", "Ai kiểm soát khoáng sản tại dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc, Thái Nguyên?", phản ánh việc nhiều xe quá tải vận chuyển cát, sỏi từ Chi nhánh Công ty Đại Việt đi tiêu thụ.

Doanh nghiệp không lắp trạm cân, tự kê khai số lượng khoáng sản khai thác, tiêu thụ trong khi các cơ quan chức năng không kiểm soát được sản lượng, công suất khai thác, tiêu thụ khoáng sản của doanh nghiệp.

Nhóm PV Thường trú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-nao-vet-long-ho-nui-coc-khoang-san-chua-dau-gia-da-dem-ban-192240727071454845.htm
Zalo