Vụ lúa đông xuân, nông dân phấn khởi vì được mùa

Vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, nông dân phấn khởi vì được mùa, được giá, việc thu hoạch thuận lợi.

Năng suất lúa, giá bán đều tăng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), vụ lúa đông xuân năm nay, năng suất bình quân đạt trên 62,5 tạ/ha, một số địa phương có năng suất vượt trội, đạt từ 67 - 69 tạ/ha như các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Trưởng phòng NN&MT huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân cho biết, từ đầu vụ sản xuất, chính quyền các địa phương cùng với nông dân đã chú trọng cải tạo, tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nên hầu hết diện tích lúa trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã hoàn thành thu hoạch, năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha. Năm nay, giá lúa đầu vụ từ 7,5 - 8 triệu đồng/tấn lúa tươi. Lúa thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó nên nông dân rất phấn khởi.

Nông dân xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thu hoạch lúa vụ đông xuân 2024 - 2025.

Nông dân xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thu hoạch lúa vụ đông xuân 2024 - 2025.

Bà Nguyễn Thị Khuyến, ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) phấn khởi nói, vụ đông xuân 2024 - 2025, gia đình tôi gieo sạ gần 1ha, chủ yếu là các giống lúa thương phẩm như ĐH815-6, KD28, DT45... Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, một số diện tích lúa bị ngập úng do mưa lớn nhưng nhờ được khắc phục kịp thời, năng suất lúa bình quân đạt 70 tạ/ha, riêng lúa thương phẩm xấp xỉ 80 tạ/ha. Lúa được mùa, lại được thương lái thu mua với giá cao, cụ thể là 7.800 đồng/kg lúa tươi tại ruộng và 8.300 đồng/kg đối với “lúa 1 nắng”.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 38 nghìn héc ta, với các giống chủ lực như ĐH815-6, QNg13, Bắc Thịnh… Quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn và bất lợi do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đợt mưa lớn vào đầu tháng 1/2025 đã gây hư hỏng, ngập úng hơn 1.000ha lúa. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cùng nông dân đã chủ động các phương án sản xuất, trong đó có việc cơ cấu giống lúa phù hợp, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận... Theo Phó Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Quang Trung, một trong những yếu tố quan trọng giúp năng suất lúa vụ đông xuân đạt cao chính là chính quyền các địa phương và nông dân đã tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý. Cùng với đó, nguồn nước tưới được đảm bảo, triển khai kịp thời và hiệu quả các biện pháp hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, nông dân mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Chuẩn bị cho vụ hè thu

Theo lịch thời vụ của Sở NN&MT, vụ sản xuất lúa hè thu 2025 bắt đầu từ ngày 25/5. Hiện nay, nông dân trong tỉnh tất bật vệ sinh đồng ruộng, làm đất để chuẩn bị gieo sạ. Ông Nguyễn Hiền, ở xã Bình Dương (Bình Sơn) cho biết, sau khi thu hoạch lúa đông xuân, tôi tranh thủ làm đất, diệt cỏ dại để chuẩn bị sản xuất vụ hè thu. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng hiện nay là giá các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón tăng cao, riêng phân bón các loại tăng từ 50 - 100 nghìn đồng/bao.

Vụ sản xuất lúa hè thu thường gặp những bất lợi do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra đối với các vùng cuối kênh. Chính vì vậy, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước sản xuất ngay từ đầu vụ. Phó Trưởng phòng NN&MT huyện Mộ Đức Nguyễn Thị Tường Mai cho biết, vụ hè thu 2025, toàn huyện gieo sạ khoảng 5.000ha lúa. Phòng NN&MT huyện phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống. Với những diện tích thiếu nước (khoảng 200 ha), phòng khuyến cáo nông dân không gieo sạ, mà chuyển sang sản xuất cây trồng cạn. Với 450ha phụ thuộc nước hồ chứa, tập trung ở xã Đức Phú, phòng hướng dẫn nông dân triển khai xuống giống sớm và ưu tiên gieo sạ giống ngắn ngày, cứng cây và có khả năng chịu hạn.

Sở NN&MT đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống, trong đó ưu tiên chọn giống lúa cứng cây, ít đổ ngã, có khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi; đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giảm rủi ro. Theo Phó Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Quang Trung, ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo nông dân giảm lượng giống gieo sạ còn 80 - 100kg/ha, sử dụng phân bón cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương tuyên truyền nông dân thực hiện các giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp, nắm chắc diện tích lúa không chủ động nước tưới để triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời huy động lực lượng ra quân diệt chuột, nạo vét kênh mương đảm bảo năng lực dẫn nước tưới tiêu.

Tu sửa kênh mương để đảm bảo nước tưới

Để đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ hè thu 2025, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi tổ chức sửa chữa, khắc phục công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương do đơn vị quản lý. Riêng tuyến kênh N2 thuộc hệ thống kênh chính Thạch Nham, đoạn qua xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) có chiều dài hơn 1,4km, đang được các đơn vị tăng tốc thi công sửa chữa, làm mới, đảm bảo cấp nước tưới cho 1.100ha đất sản xuất nông nghiệp các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận và Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Theo Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh, để đảm bảo hiệu quả sử dụng nước tưới phục vụ sản xuất, công ty bắt đầu mở nước Thạch Nham từ ngày 10/5 gắn với triển khai phương án tưới tiết kiệm. Do đó, các địa phương chỉ đạo các hợp tác xã tăng cường củng cố đội dẫn thủy, đảm bảo việc điều tiết sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, tránh tình trạng “đầu kênh thừa nước, cuối kênh thiếu nước”.

Tuyến kênh N6, đoạn qua xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) đang được các đơn vị tập trung thi công để đảm bảo nước tưới vụ hè thu 2025.

Tuyến kênh N6, đoạn qua xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) đang được các đơn vị tập trung thi công để đảm bảo nước tưới vụ hè thu 2025.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/vu-lua-dong-xuan-nong-dan-phan-khoi-vi-duoc-mua-52622.htm
Zalo