Vụ kiện thừa kế kéo dài 15 năm

Hơn 15 năm, vụ án đã trải qua 8 lần xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm cho tới giám đốc thẩm, rồi lại quay ngược lại. Tuy nhiên, cuối tháng 8/2024, trong phiên tòa thứ 9, HĐXX được đánh giá đã hết sức công tâm, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và tuyên bản án được cho là nhân văn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Di chúc hợp pháp hay không?

Hồ sơ vụ án thể hiện, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Soát (SN 1922, mất năm 2006) và cụ Nguyễn Thị Hòa (SN 1926, mất năm 2005) có 9 người con. Trong thời gian còn sống, họ tạo lập được thửa đất tại xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) gần 10.000m², cấp sổ đỏ ngày 11/7/2006 đứng tên cụ Soát. Lưu ý, khi đó cụ Soát vừa qua đời 11 ngày.

Sau khi cha mẹ qua đời, người con Nguyễn Văn Xinh trình “Tờ di chúc” lập ngày 15/2/2005 với nội dung ông Xinh được thừa kế toàn bộ diện tích đất trên. Ông Xinh liên hệ với cơ quan chức năng để lập thủ tục kê khai, hưởng di sản thừa kế và được TP Bà Rịa cấp sổ đỏ ngày 9/8/2006.

Năm 2009, các anh chị em trong gia đình thấy có người lạ đến đổ đất, đóng cọc trên phần đất cha mẹ để lại thì mới tìm hiểu và biết ông Xinh đã làm thủ tục thừa kế toàn bộ di sản và đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Ngọc Thứ một phần.

Cho rằng tờ di chúc không phải do cha mẹ mình viết và ký tên, 7 anh chị em trong gia đình (trừ bà Nguyễn Thị Hôi) tiến hành khởi kiện, đòi phải chia di sản cho tất cả các đồng thừa kế.

Quá trình xét xử, ông Xinh cho rằng không làm giả di chúc mà do cha mẹ ông lập và được hai người hàng xóm là bà Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Lụa làm chứng. Hơn nữa, vào ngày 15/9/2005, bố mẹ ông có tổ chức họp để thông báo cho tất cả các con biết rằng cha mẹ mình để lại mảnh đất trên cho ông Xinh sau khi cha mẹ qua đời. Trong ngày họp đó, có làm “Giấy cho nhà ở và đất”, mặt trước ghi nội dung cho ông Xinh thừa kế đất và chữ ký của bố mẹ ông, còn mặt sau là chữ ký của 8 người con (trừ một người không ký)…

Phía nguyên đơn phủ nhận các vấn đề ông Xinh đưa ra; cho rằng chữ ký trong “Tờ di chúc” ngày 15/2/2005, “Giấy cho nhà ở và đất” ngày 15/9/2005 cũng như “Giấy sang nhượng” ngày 5/5/2003 không phải của bố mẹ mình. Nguyên đơn cho rằng khi đối chiếu với các chữ ký trong các văn bản trước đây có chữ ký của cụ Soát, cụ Hòa, thì các chữ ký này hoàn toàn khác với chữ ký trong các giấy tờ mà phía ông Xinh đưa ra.

TAND các cấp đã trưng cầu giám định tại Công an tỉnh BR-VT 1 lần và tại Phân viện Khoa học Hình sự Bộ Công an 3 lần để giám định, so sánh đối chiếu các chữ ký của cụ Soát, cụ Hòa. Kết quả đều cho thấy, không có căn cứ nào để khẳng định các chữ ký đó có phải là của cụ Soát, cụ Hòa hay không.

Sau đó, các phiên tòa có những cách nhìn nhận khác nhau, có khi tuyên di chúc là hợp pháp, có khi lại bác di chúc đó, khiến vụ kiện kéo dài nhiều năm...

Bản án được đánh giá “hợp tình, hợp lý”

Tại phiên phúc thẩm cuối tháng 8 vừa qua (bản án thứ 9), HĐXX được đánh giá đã hết sức cân nhắc, kỹ lưỡng, không bỏ qua chi tiết nào để mong muốn làm sáng tỏ, kết thúc vụ án với một cái kết tốt đẹp nhất cho 9 anh chị em trong gia đình.

Các thành viên HĐXX đã động viên 9 anh chị em “nhường cơm sẻ áo”, đùm bọc lẫn nhau vì dù sao ai cũng đều lớn tuổi, người lớn nhất đã ngoài 80, trẻ nhất cũng đã ngoài 60 tuổi. Phiên tòa cũng phải tạm ngưng nhiều lần cho các bên có thời gian suy nghĩ thêm.

Căn cứ hồ sơ vụ án, đối chiếu quy định pháp luật cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên tờ di chúc ngày 15/2/2005 cũng như tờ cho nhà ở và đất ngày 15/9/2005 là không hợp pháp vì không có cơ sở để khẳng định chữ ký trong các tờ này có phải là của cụ Soát, cụ Hòa hay không. Do vậy, di sản để lại được chia đều cho 9 đồng thừa kế.

HĐXX cũng đã rất có tình, có lý khi căn cứ vào việc ông Xinh là người có công chăm sóc cha mẹ những năm cuối đời, nên tuyên cho ông Xinh được hưởng hơn 4.000m² (số đất này đã được ông Xinh chuyển nhượng cho ông Thứ từ năm 2009). HĐXX cũng tuyên cho ông Phạm Ngọc Thuận, cháu ruột của cụ Soát và cụ Hòa, do đã ở với cụ Soát, cụ Hòa từ nhỏ và đã làm nhà ở trên đất từ lâu, nên được hưởng gần 1.000m². Số đất còn lại khoảng hơn 4.000m² được chia đều cho 8 anh, chị, em còn lại.

Một LS tham gia vụ án đánh giá, đây được đánh giá là bản án thấu tình, đạt lý, đầy tính nhân văn, là cái kết có hậu cho tất cả các bên trong vụ án, dù nó không toàn diện như các bên mong muốn. Kết quả vụ án đã nói lên sự công tâm, khách quan của HĐXX vì họ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng để phía ông Xinh không bị thiệt hại. Nếu tuyên chia đều cho các đồng thừa kế, ông Xinh sẽ phải bồi thường cho phía ông Thứ do ông Thứ đã nhận chuyển nhượng, sang tên hơn 4.000 m² từ năm 2009, nên HĐXX công nhận luôn cho ông Thứ phần đất này. Như vậy, ông Xinh vừa không bị thiệt hại, ông Thứ lại được quyền sử dụng đất sau 15 năm nhận chuyển nhượng.

Hoàng Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vu-kien-thua-ke-keo-dai-15-nam-post524859.html
Zalo