Vụ Khoa học và Công nghệ: Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức nhiệm vụ KH&CN.
Vụ Khoa học và Công nghệ là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chất lượng sản phẩm hàng hóa; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường, sở hữu trí tuệ; hoạt động chuyển giao công nghệ; an toàn thực phẩm trong ngành Công Thương theo quy định của pháp luật.
Vụ Khoa học và Công nghệ được thành lập ngày 1/11/1995 theo Nghị định số 74/NĐ-CP với tên gọi Vụ Quản lý công nghệ và Chất lượng sản phẩm. Tại Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003, Vụ được đổi tên là Vụ Khoa học, công nghệ. Từ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007, Vụ được mang tên là Vụ Khoa học và Công nghệ cho tới thời điểm hiện tại.
Trải qua mỗi thời kỳ phát triển, Vụ Khoa học và Công nghệ luôn được ghi nhận là một tập thể đoàn kết, làm việc tận tâm, trí tuệ, sáng tạo, nhờ đó đã gặt hái được nhiều thành công, đóng góp quan trọng trong công tác tham mưu, thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong các lĩnh vực được phân công. Vụ đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, giấy khen và các danh hiệu thi đua khác.
Trong thời gian qua, để đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu từ thực tiễn, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Bộ về hoạt động khoa học và công nghệ, từ đó xây dựng và triển khai các hoạt động một cách hiệu quả.
Nhờ đó, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến và cải tiến tích cực trong công tác quản lý và thực thi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp của Bộ Công Thương, với mục tiêu nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực.
Một số kết quả cụ thể như sau: Xây dựng và phê duyệt Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 tại Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023. Chiến lược đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp có liên quan tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của quốc gia vào chiến lược phát triển ngành Công Thương; hướng tới việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030; cùng các chương trình, đề án khoa học và công nghệ được các cấp thẩm quyền phê duyệt đã trở thành định hướng xuyên suốt cho công tác tổ chức, hướng dẫn triển khai các hoạt động của Bộ gắn với mục tiêu, yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Với định hướng chung của quốc gia và yêu cầu của tái cơ cấu các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ, Vụ đã triển khai nghiên cứu và báo cáo Ban Cán sự đảng định hướng phát triển và lộ trình tái cơ cấu các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ; trong đó, việc tái cấu trúc tổ chức khoa học và công nghệ đảm bảo khả năng tương hỗ, cộng sinh giữa các đơn vị để cùng phát triển; mục tiêu đến năm 2030, hình thành một hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ ứng dụng đa ngành, gắn với yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và các xu hướng phát triển của ngành và công nghệ trên thế giới.
Trên cơ sở đề xuất của Vụ, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã phê duyệt phương án sát nhập 2 Viện (gồm Viện nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu, Viện Nghiên cứu, Thiết kết và Chế tạo máy nông nghiệp) vào 2 Trường của Bộ nhằm phát thế mạnh của từng đơn vị cũng như khả năng khai thác cùng phát triển.
Công tác quản lý khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương đã được đổi mới một cách toàn diện từ nội dung tới phương thức quản lý. Về nội dung, các nhiệm vụ đã chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh. Về mặt tổ chức thực hiện, tăng cường hình thức tuyển chọn, tập trung vào xây dựng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm.
Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tổ chức, triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia vể đổi mới và hiện đại hóa trong ngành khai khoáng; nhiều kết quả triển khai nhiệm vụ được ứng dụng trực tiếp tại doanh nghiệp, mang lại những tác động hết sức tích cực tới kết quả sản xuất, kinh doanh. Đối với nhóm các nhiệm vụ cấp Bộ, kinh phí bố trí cho các đề tài R&D, Dự án sản xuất thử nghiệm và các nhiệm vụ thực hiện các Chương trình trọng điểm cấp Bộ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nguồn kinh phí khoa học và công nghệ cấp Bộ. Phương thức giao nhiệm vụ cơ bản thông qua tuyển chọn, chỉ thực hiện giao trực tiếp với một số nhiệm vụ đặc thù về thông tin khoa học và công nghệ.
Để thống nhất việc quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương, chuẩn hóa quy trình và cách thức tổ chức thực hiện, căn cứ vào hướng dẫn chung của Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc thù hoạt động khoa học và công nghệ của ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký duyệt Quyết định số 1320/QĐ-BCT ngày 31/5/2024 ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Công Thương. Quy chế đảm bảo tính thống nhất với các quy định chung về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đồng thời, cụ thể hóa những điều kiện, yêu cầu đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Vụ đã chủ động tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản hiện hành thuộc phạm vi quản lý của Vụ để có kiến nghị, đề xuất Lãnh đạo Bộ sớm ban hành trong thời gian tới như: Rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Thông tư số 36/2019/TT-BCT quy định quản lý chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; triển khai xây dựng và ban hành Thông tư về danh mục bảng mã HS đối với sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; triển khai xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các QCVN trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ; triển khai xây dựng và ban hành Thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm; triển khai xây dựng quyết định sửa đổi Quyết định số 688a/QĐ-BCT ngày 28/2/2020 về công bố thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Vụ cũng chủ trì, phối hợp góp ý, thẩm định đối với các đề nghị sửa luật và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc đơn vị khác thuộc Bộ chủ trì, lấy ý kiến. Các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phân công quản lý như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...; tích cực tham gia với vai trò thành viên trong các Ban soạn thảo, Tổ biên tập của các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của Vụ.
Bên cạnh đó, trong trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố thêm 13 TCVN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, bao gồm 7 TCVN về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), 3 TCVN về động cơ diezel, 11 TCVN về sành sứ, thủy tinh, 8 TCVN về hiệu suất năng lượng; ban hành 12 QCVN phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và thực hiện đầy đủ việc đăng ký QCVN sau khi ban hành gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Triển khai thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Quyết định số 828/QĐ-BCT ngày 9/3/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 ngành Công Thương.
Thời gian qua, Bộ Công Thương tích cực triển khai Kế hoạch nêu trên, tập trung vào các nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đánh giá khuyến khích các nội dung về sở hữu trí tuệ trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương; xây dựng Đề án Tổ chức các cuộc thi sáng kiến, sáng tạo trong ngành Công Thương. Đề xuất lấy ngày Sáng kiến Công Thương để trao giải cho những cá nhân, tập thể xuất sắc; xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động về đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia về sở hữu trí tuệ.