Vũ khí chống nạn đói toàn cầu

Bóng ma đói nghèo đang bao trùm nhiều khu vực trên thế giới, đe dọa sinh mạng của hơn 783 triệu người, trải dài từ những vùng đất khô cằn của Hạ Sahara châu Phi, các khu ổ chuột ở Trung Mỹ, cho tới những điểm nóng xung đột như Sudan hay Gaza. Đây không chỉ là những con số thống kê khô khan, mà là những tiếng kêu cứu từ hàng trăm triệu phận người đang chật vật mưu sinh từng ngày.

Nạn đói không chỉ bắt nguồn từ thiếu hụt lương thực hay đứt gãy chuỗi cung ứng, mà còn là hệ quả chồng chất của các bất công lịch sử, biến đổi khí hậu và những thất bại trong quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, ngoại giao - nếu đặt con người và công lý làm trung tâm - có thể trở thành vũ khí sắc bén chống lại thảm họa này, giúp nhân loại tìm ra lối thoát bền vững khỏi vòng xoáy đói nghèo triền miên.

Bóng ma mất an ninh lương thực toàn cầu đang hiện hữu rõ rệt hơn bao giờ hết.

Bóng ma mất an ninh lương thực toàn cầu đang hiện hữu rõ rệt hơn bao giờ hết.

Nhìn vào căn nguyên, nạn đói toàn cầu không phải là sự ngẫu nhiên. Nhiều nghiên cứu của Liên hợp quốc (LHQ) chỉ ra rằng, thế giới hiện có đủ nguồn lương thực để nuôi sống tất cả mọi người, nhưng sự phân bổ không công bằng và các cấu trúc quyền lực méo mó đã khiến hàng trăm triệu người vẫn phải chịu cảnh đói khát. Các chính sách kinh tế khai thác, được hình thành qua thời kỳ thực dân và tiếp nối bởi các chính sách tân tự do, đã bóc lột tài nguyên và làm suy yếu năng lực tự cung cấp lương thực của nhiều quốc gia.

Ở vùng Hạ Sahara châu Phi, sự lệ thuộc vào xuất khẩu cây công nghiệp như ca cao, cà phê hay bông - hệ quả từ những chương trình điều chỉnh cơ cấu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - đã khiến nông dân địa phương bị tước mất quyền trồng trọt các cây lương thực thiết yếu. Các khoản vay ưu đãi kèm điều kiện khắt khe biến nông nghiệp thành một chuỗi sản xuất phục vụ thị trường toàn cầu, thay vì đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.

Biến đổi khí hậu đang trở thành nhân tố làm tình hình thêm khốc liệt. Hạn hán kéo dài tại vùng Sừng châu Phi, bão lũ liên tiếp ở Nam Á và Mỹ Latinh hay tình trạng xói mòn đất ở các đồng bằng trù phú châu Á đã phá vỡ hệ sinh thái nông nghiệp. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO), riêng năm 2024, biến đổi khí hậu đã khiến sản lượng ngũ cốc toàn cầu giảm 3,4%, trong khi nhu cầu lương thực tiếp tục tăng.

Điều trớ trêu là các quốc gia phát triển, vốn chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải nhà kính, lại ít bị ảnh hưởng hơn, trong khi các nước nghèo, những quốc gia đóng góp rất ít vào khủng hoảng khí hậu, đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Chính sự bất công này khiến câu chuyện an ninh lương thực không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là phép thử cho đạo đức và trách nhiệm của toàn nhân loại. Xung đột vũ trang cũng khiến nạn đói trở nên trầm trọng hơn. Ở Sudan, chiến sự leo thang đã đẩy 25,6 triệu người vào tình trạng đói nghèo nghiêm trọng. Những đoàn người tị nạn phải di cư trong điều kiện thiếu thốn nước sạch và lương thực.

Để phá vỡ vòng xoáy đói nghèo, ngoại giao cần được định hình lại, không chỉ như công cụ đàm phán quyền lực, mà còn là vũ khí nhân văn. Ngoại giao phải đóng vai trò cầu nối huy động nguồn lực, thúc đẩy hợp tác và thiết lập những cam kết dài hạn nhằm bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Cựu Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền lương thực Jean Ziegler từng khẳng định: “Mỗi đứa trẻ chết vì đói là một vụ sát nhân tập thể mà thế giới phải chịu trách nhiệm”. Câu nói này nhấn mạnh rằng đói nghèo không phải là số phận, mà là hậu quả của sự thiếu quyết tâm chính trị.

LHQ với các cơ quan như FAO và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vẫn là trụ cột trong việc điều phối viện trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, WFP đang đối diện khoản thiếu hụt 4,5 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo. Trong khi các quốc gia chi hàng nghìn tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, thì những cam kết hỗ trợ lương thực lại không đáng kể. Nhóm G7 và các nền kinh tế lớn cần tăng gấp đôi đóng góp, chuyển một phần ngân sách quân sự sang cứu trợ, vừa là hành động nhân đạo, vừa là biện pháp phòng ngừa các nguy cơ bất ổn xã hội và di cư ồ ạt do đói nghèo.

Ngoại giao tiến bộ cũng cần tập trung cải cách thương mại toàn cầu. Các quy tắc hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang tạo lợi thế cho các tập đoàn nông nghiệp phương Tây, trong khi lại bóp nghẹt nông dân ở các nước nghèo. Trợ cấp nông sản của châu Âu và Mỹ giúp hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, khiến nông dân bản địa khó trụ vững.

Hội nghị Bộ trưởng WTO năm 2026 sẽ là cơ hội lịch sử để các nước Nam bán cầu vận động đòi ngoại lệ cho các chương trình dự trữ lương thực quốc gia, như Ấn Độ đang kiên trì thực hiện. Một trụ cột khác của ngoại giao nhân văn là hòa bình.

Không thể nói đến an ninh lương thực nếu chiến tranh tiếp diễn và viện trợ bị phong tỏa. Ở Syria, các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt chuỗi cung ứng lương thực và thuốc men. Các cuộc đàm phán quốc tế cần thúc đẩy việc lập hành lang nhân đạo, cho phép hàng cứu trợ đến tay dân thường. Tại Sudan, vai trò trung gian của Liên minh châu Phi (AU) là không thể thay thế, nhằm đàm phán ngừng bắn và mở đường cho các đoàn viện trợ.

Ngoài ra, khủng hoảng lương thực không thể tách rời vấn đề khí hậu. Ngoại giao khí hậu cần được đẩy mạnh, đặc biệt tại COP30 ở Brazil, với mục tiêu huy động ít nhất 300 tỷ USD cho quỹ tài chính khí hậu. Phần lớn số tiền này nên được phân bổ cho các chương trình thích ứng nông nghiệp, phát triển giống cây chịu hạn, hệ thống tưới tiêu thông minh và ngân hàng hạt giống. Các quốc gia phát triển phải coi đây là khoản nợ đạo đức và tài chính đối với thế giới, khi 80% lượng phát thải lịch sử đến từ họ. Một yếu tố then chốt khác là trao quyền cho các quốc gia Nam bán cầu.

Những sáng kiến như Khu vực Mậu dịch Tự do châu Phi (AfCFTA) không chỉ giúp củng cố hệ thống lương thực khu vực, mà còn giảm sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế đầy biến động. Ngoại giao cần hỗ trợ chuyển giao công nghệ, vốn và kỹ năng cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ - lực lượng sản xuất chủ yếu tại nhiều quốc gia châu Phi. Hợp tác Nam-Nam, như việc các hợp tác xã nông nghiệp ở Brazil chia sẻ mô hình sản xuất bền vững với châu Phi, có thể trở thành nền tảng cho một hệ thống lương thực độc lập, chống chịu tốt hơn trước khủng hoảng.

Tình trạng thiếu hụt lương thực là phép thử khắc nghiệt cho cả đạo đức lẫn chính trị. Nhưng lịch sử chứng minh rằng, khi các quốc gia biết vượt lên lợi ích cục bộ để hành động vì mục tiêu chung, thế giới hoàn toàn có thể đẩy lùi những thảm họa tưởng chừng bất khả kháng. Cải cách thương mại, hỗ trợ nhân đạo kịp thời, huy động tài chính khí hậu và trao quyền cho những cộng đồng dễ tổn thương sẽ là những bước đi nền tảng. Ngoại giao không chỉ là nghệ thuật thỏa hiệp quyền lực, mà còn là sức mạnh bảo vệ sự sống. Ngoại giao, nếu đặt con người ở trung tâm, sẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất chống lại bóng ma đói nghèo và xung đột.

Đã đến lúc thế giới cần một cuộc cách mạng trong tư duy ngoại giao - từ quyền lực sang trách nhiệm, từ lợi ích cục bộ sang công lý chung cho toàn nhân loại. Nạn đói toàn cầu sẽ chỉ kết thúc khi ngoại giao trở thành lời cam kết chân thành cho sự sống, thay vì là sân chơi của những toan tính chính trị.

Đặng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/vu-khi-chong-nan-doi-toan-cau-i775336/
Zalo