Vụ kêu gọi thu thập chứng cứ VinFast: Chỉ điểm lấy tiền, kiện tụng tại Mỹ ra sao?
Công ty tại Mỹ vừa kêu gọi điều tra tìm bằng chứng về việc VinFast công bố thông tin không phù hợp dẫn tới việc cổ phiếu biến động mạnh. Việc kiện tụng, cơ chế chỉ điểm lấy tiền tại Mỹ diễn ra phổ biến, nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Theo Bloomberg, 2 công ty luật lớn Robbins Geller Gelleer Rudman & Dowd và Pomerantz vừa công bố đang thu thập thông tin từ khách hàng để mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán liên bang Mỹ liên quan đến hãng xe điện VinFast Auto.
Cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc liệu hãng xe điện Việt Nam VinFast (VFS) có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ và một số lãnh đạo cấp cao của VinFast có đưa ra những tuyên bố không đúng và/hoặc gây hiểu nhầm hoặc không tiết lộ những thông tin quan trọng cho nhà đầu tư hay không.
Trước thông tin này, đại diện Vingroup cho biết, việc kiện tụng tại Mỹ là hết sức bình thường và luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ.
Cũng theo đại diện này, VinFast vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường tại Mỹ.
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, một chuyên gia tài chính cho biết, việc điều tra theo như tuyên bố của Robbins Geller là khá bình thường tại Mỹ. Chính vì vậy, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ sẽ được giám sát tốt hơn cho cổ đông.
Thị trường Mỹ có nhiều người soi các mã cổ phiếu. Đó là các luật sư, các nhà quản lý của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và cả các nhà bán khống (short seller).
Ở Mỹ có cơ chế chỉ điểm lấy tiền, do vậy nếu khuất tất sẽ có người chỉ ra các sai phạm. Khi đó, SEC sẽ vào cuộc và phạt doanh nghiệp vi phạm.
Các công ty luật sẽ tìm kiếm khách hàng khởi kiện và nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật sẽ bị khởi kiện tại thị trường Mỹ.
Trong các trường hợp như vậy, giả sử mỗi nhà đầu tư đòi bồi thường 100 triệu đồng và phán quyết chỉ trong 1 vụ kiện, thì số tiền thua/thắng kiện có thể rất lớn.
Việc điều tra tìm kiếm bằng chứng vi phạm và việc kiện tụng tại Mỹ khá phổ biến và đã từng xảy ra với rất nhiều doanh nghiệp. Luật chứng khoán của Mỹ cũng chặt chẽ hơn, đi cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới hàng trăm năm qua.
Ông chủ hãng xe điện Tesla - Elon Musk - từng bị xử phạt hàng chục triệu USD vì những thông tin gây tổn hại cho cổ đông như trường hợp đưa ra thông tin trên Twister hồi năm 2018.
Ở Việt Nam, luật cũng có nhiều hình thức xử phạt các vi phạm trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở Mỹ là các cổ đông có thể hợp nhau lại kiện theo hình thức kiện tập thể (class-action suit) như trường hợp 2 công ty luật nói trên đang tìm kiếm xem VinFast có vi phạm hay không.
Gần đây, trên thị trường chứng khoán Mỹ được đồn đoán là SEC có dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để soi vi phạm chứng khoán.
Còn tại Nhật, việc dùng AI quét tin trên mạng xã hội để ngăn ngừa làm giá đã được làm từ lâu.
Tại châu Á, tình trạng cổ phiếu tăng giảm mạnh xảy ra khá nhiều. Tại Hong Kong từng có trường hợp cổ phiếu tăng gần 10.000%, theo đó xuất hiện những "tỷ phú giấy" trên sàn chứng khoán.