Vụ giám định chữ ký của cố NSƯT Vũ Linh: Yêu cầu giám định lại, được không?

Trường hợp đương sự cung cấp thêm mẫu tài liệu làm cơ sở để đối chiếu so sánh với tài liệu cần được giám định thì đây là một yêu cầu giám định mới.

Như PLO đã đưa tin, trong vụ việc tranh chấp di sản thừa kế của ông Võ Văn Ngoan (cố NSƯT Vũ Linh), TAND TP.HCM đã trưng cầu giám định chữ ký của cố nghệ sĩ theo yêu cầu của nguyên đơn.

Theo kết luận giám định ngày 11-10-2024 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an) thì không đủ cơ sở kết luận chữ ký của cố NSƯT Vũ Linh trên giấy giao nhận việc nuôi con nuôi và sổ cấp giấy giao nhận việc nuôi con nuôi so với các tài liệu mẫu so sánh có phải là cùng một người ký ra hay không.

Như vậy, trường hợp tòa án đã yêu cầu giám định nhưng đương sự không đồng ý với kết quả giám định thì có được yêu cầu giám định lại?

 Trường hợp đương sự cung cấp thêm mẫu tài liệu làm cơ sở để đối chiếu so sánh với tài liệu cần được giám định thì đây là một yêu cầu giám định mới. Ảnh minh họa: AI

Trường hợp đương sự cung cấp thêm mẫu tài liệu làm cơ sở để đối chiếu so sánh với tài liệu cần được giám định thì đây là một yêu cầu giám định mới. Ảnh minh họa: AI

ThS Mai Hoàng Phước (giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TP.HCM) cho biết căn cứ Điều 102 BLTTDS thì đương sự có quyền yêu cầu tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị tòa án trưng cầu giám định nhưng tòa án từ chối. Bên cạnh đó, khi xét thấy cần thiết thì thẩm phán có thể tự mình ra quyết định trưng cầu giám định.

Tòa trưng cầu cơ quan nào giám định?

Hiện có hai cơ quan thường xuyên được tòa án hai cấp tại TP.HCM trưng cầu giám định là Phân viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM.

Căn cứ khoản 5 Điều 102 BLTTDS, việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Do đó, nếu không có các căn cứ này thì yêu cầu giám định lại của đương sự là chưa có cơ sở.

Cạnh đó, trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định; hoặc triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.

"Để đảm bảo tính khách quan thì tòa án thường có thể xem xét chấp nhận yêu cầu giám định lại của đương sự tại một cơ quan giám định khác" - ThS Mai Hoàng Phước cho biết thêm.

Trường hợp đương sự cung cấp thêm mẫu tài liệu làm cơ sở để đối chiếu so sánh với tài liệu cần được giám định thì đây là một yêu cầu giám định mới, độc lập với yêu cầu giám định trước đó thì có cơ sở để yêu cầu tòa án trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 102 BLTTDS.

Đồng thời, người yêu cầu tòa án trưng cầu giám định có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định theo khoản 1 Điều 160 BLTTDS.

MINH CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-giam-dinh-chu-ky-cua-co-nsut-vu-linh-yeu-cau-giam-dinh-lai-duoc-khong-post819323.html
Zalo